Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 11/12/2009 14:36'(GMT+7)

Năm 2010: Số người nhiễm HIV ở châu Á tăng gấp đôi

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu tại Hội nghị

Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự phát triển giống nòi của loài người mà còn gây ra nhiều thách thức đối với tình hình an ninh và sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong cuộc chiến chống HIV/AIDS nhưng nhân loại vẫn chưa có khả năng ngăn chặn được tốc độ lây lan HIV/AIDS ở cấp độ toàn cầu. 
 
Trong 3 thập kỷ qua,  kể từ khi ca nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được phát hiện vào đầu những năm 1980, đã có khoảng 60 triệu người trên thế giới nhiễm HIV và 25 triệu người chết do HIV/AIDS. Ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào tháng 12/1990 và cho đến ngày 30/9/2009 đã phát hiện được 156.802 trường hợp nhiễm HIV còn sống (trong đó có 34.391 trường hợp đã tiến triển thành AIDS) và 44.050 trường hợp đã tử vong. 
 
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục gia tăng và tàn phá nặng nề. Theo dự báo, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở châu Á có thể lến đến 10 triệu người vào năm 2010, nhiều gấp đôi con số hiện nay và mỗi năm sẽ có thêm khoảng 500.000 trường hợp mới nhiễm HIV nếu các quốc gia không tăng cường các hoạt động nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại vi rút này. 

Mức độ ảnh hưởng của đại dịch HIV/ADIS phụ thuộc rất nhiều vào cam kết chính trị và hành động tức thời của lãnh đạo các quốc gia, trong đó có vai trò quan trọng của các Nghị viện và cá nhân các Nghị sỹ. Vì vậy, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện và nghị sỹ các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương  trong xây công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định, không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm HIV/AIDS hoặc có đủ khả năng tự đối phó với những thách thức và hậu quả nặng nề của HIV/AIDS. Vì vậy, thông tin của các chuyên gia và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các Nghị sỹ được chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn về đại dịch; tăng cường vai trò và sự hợp tác chặt chẽ giữa Nghị viện và Nghị sỹ các nước trong khu vực trong công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. 
 
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận về các vấn đề: Xu hướng và các dự đoán tương lai của HIV/AIDS tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Chính sách pháp luật đối với những nhóm người dễ bị nhiễm HIV/AIDS nhất; Những khó khăn, thách thức mà các nhà làm luật đang phải đối mặt; Những vấn đề pháp luật liên quan đến giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS.

Kim Thảo - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất