Thứ Hai, 9/12/2024
Nghiên cứu
Thứ Hai, 20/6/2022 8:37'(GMT+7)

Kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Kiểm soát quyền lực có thể hiểu ngắn gọn là hệ thống những cơ chế, hoạt động kiểm tra, đánh giá, phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền của các chủ thể nắm quyền lực nhằm bảo đảm cho việc thực thi quyền lực đúng quy định, đúng mục đích, đúng quyền hạn và có hiệu quả. Ở Việt Nam, ngay từ khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đã sớm đề cập đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát, giám sát, nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền đối với dân nhằm xây dựng một nhà nước dân chủ, ngăn chặn tình trạng cán bộ lạm quyền, lộng quyền gây hại cho dân.

Kể từ thời điểm đất nước tiến hành đổi mới, nhất là khi chúng ta chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Ðảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của kiểm soát quyền lực và đưa ra những quan điểm chỉ đạo ngày càng cụ thể, rõ ràng, quyết liệt hơn về vấn đề này.

Tại Ðại hội XI, lần đầu tiên khái niệm kiểm soát quyền lực chính thức được ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: "quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp" (1).

Ðặc biệt, đến Ðại hội XIII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Văn kiện Ðại hội chỉ rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải "Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức"(2), đồng thời coi việc "Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền"(3) là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, "tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước" (4) là nội dung cần chú trọng để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mục đích của việc tăng cường kiểm soát quyền lực là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm dân chủ và thúc đẩy tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi, gặt hái được những thành tựu quan trọng để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"(5).

Tuy nhiên, với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội, cực đoan đã phớt lờ mục tiêu tốt đẹp đó, ngang nhiên bịa đặt, vu khống, tuyên truyền rằng "Việt Nam lâu nay luôn duy trì chế độ Ðảng trị độc tài phi dân chủ, không có lực lượng đối trọng, không có sự kiểm soát quyền lực cho nên mới tạo điều kiện cho cán bộ, quan chức tham nhũng, trục lợi, vi phạm quyền dân chủ và lợi ích của nhân dân, khiến cho đất nước không thể phát triển như tiềm năng, lợi thế vốn có, đời sống nhân dân khốn khổ, lòng dân bức xúc...".

Khi Ðảng chủ trương tăng cường kiểm soát quyền lực nhằm làm trong sạch hệ thống chính trị, thực thi dân chủ, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, tham nhũng,… thì chúng lập tức xuyên tạc rằng "Ðảng đang củng cố quyền lực độc tài, thực hiện đấu đá nội bộ, thanh trừng phe phái, triệt tiêu những lực lượng đối trọng tiến bộ có khả năng cạnh tranh quyền lực với Ðảng…".

Ði đôi với những luận điệu xuyên tạc đó, các thế lực thù địch, phản động còn dùng nhiều thủ đoạn để bôi xấu, công kích Ðảng, đổ lỗi cho Ðảng "gây ra tình trạng tham nhũng, tha hóa đạo đức của đội ngũ cán bộ quan chức, kéo lùi tiến trình phát triển của Việt Nam", từ đó đòi phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng. Không khó để nhận ra mưu đồ chính trị ẩn sau những luận điệu xuyên tạc chế độ, kêu gọi tự do, dân chủ đó là nhằm tấn công, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó chúng ta phải hết sức cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tính đúng đắn trong những quan điểm chỉ đạo của Ðảng, bảo vệ những thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với những giá trị ưu việt mà nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu bao năm qua dưới sự lãnh đạo, đồng hành của Ðảng.

Kiểm soát quyền lực là vấn đề mà mọi thiết chế chính trị đều quan tâm cho dù là trong lịch sử hay hiện tại. Ðiểm khác nhau là mục đích của việc kiểm soát quyền lực ở mỗi thiết chế chính trị. Việt Nam lựa chọn xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, về bản chất là chế độ dân chủ thật sự, dân chủ triệt để cho số đông nhân dân lao động, do đó, bảo đảm dân chủ luôn là mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi và nỗ lực phấn đấu thực hiện.

Chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam cũng nhằm để thực hiện và bảo đảm dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân bởi lẽ nhà nước pháp quyền mà Việt Nam xây dựng là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân"(6), "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân"(7), mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước đều vì "lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu"(8).

Ðể hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang bản chất dân chủ tốt đẹp đó càng cần thiết phải coi trọng tăng cường kiểm soát quyền lực. Thực tế cho thấy, khi quyền lực bị buông lỏng, không được kiểm soát chặt chẽ rất dễ dẫn tới tha hóa quyền lực, khiến cho quyền lực đó không còn thuộc về nhân dân, không vì lợi ích của nhân dân mà thuộc về những người được trao quyền lực, nắm quyền lực.

Thời gian qua, đã có không ít cán bộ lợi dụng những hạn chế trong công tác kiểm soát quyền lực đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để xâm hại, chà đạp quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, trục lợi, thâu tóm lợi ích riêng, tham nhũng, tiêu cực… gây tổn hại to lớn không chỉ đến lợi ích của tổ chức, cá nhân mà của cả quốc gia, dân tộc.

Hậu quả của việc làm này là đã phá hoại những thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà nhiều thế hệ đã dày công gây dựng; đi ngược lại mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp mà chúng ta đang hướng tới; làm tha hóa bản chất dân chủ ưu việt của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.

Chủ trương tăng cường kiểm soát quyền lực của Ðảng chính là nhằm khắc phục những hiện tượng tiêu cực đó, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, trục lợi, loại trừ những phần tử cơ hội, những cán bộ tha hóa biến chất đạo đức; làm trong sạch đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới đất nước theo mục tiêu chủ nghĩa xã hội mang lại những thành tựu tốt đẹp hơn.

Hơn thế, Ðảng ta còn quyết liệt chỉ đạo việc kiểm soát quyền lực phải được thực hiện thường xuyên liên tục ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", khắc phục triệt để tình trạng lạm quyền, lộng quyền, vi phạm quyền và lợi ích của nhân dân.

Ðảng ta cũng chỉ rõ, kiểm soát quyền lực là trách nhiệm không chỉ của Ðảng, mà của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Nhân dân là lực lượng quan trọng thực hiện kiểm soát quyền lực, thực hiện kiểm tra, giám sát để quyền lực ấy thật sự thuộc về nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Kiểm soát quyền lực tốt sẽ góp phần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ ưu việt mà chúng ta đang xây dựng.

Ðảng ta ra đời từ nhân dân và luôn gắn bó với lợi ích của nhân dân, hoạt động vì lợi ích của đông đảo tầng lớp nhân dân lao động. Vì vậy, bảo vệ quyền lực của nhân dân cũng là bảo vệ quyền lực của Ðảng, bảo vệ lợi ích của nhân dân cũng là bảo vệ lợi ích của Ðảng.

Tuy nhiên, Ðảng ta cũng nhận thấy, kiểm soát quyền lực không phải là công việc dễ dàng vì nó liên quan trực tiếp đến những người nắm quyền lực, những người "có chức có quyền" trong xã hội, do đó, kiểm soát quyền lực cần được xem là công việc hệ trọng, cấp bách, đòi hỏi mọi cấp bộ, ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân phải có quyết tâm chính trị cao và nỗ lực thực hiện bằng được. Ðó cũng là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước ngày càng phát triển./.

TS. Hoàng Thị Kim Oanh

____________________

(1) Ðảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.247.

(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) Ðảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.I, tr.118, 190, 175, 180, 100, 173, 28.

(Nguồn: nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất