Thứ Tư, 30/10/2024
Nghiên cứu
Thứ Tư, 1/6/2022 16:0'(GMT+7)

Vai trò của báo chí trong đời sống chính trị Việt Nam hiện nay

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022

Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn coi truyền thông đại chúng là phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí luôn bám sát định hướng chính trị của Đảng, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các sự kiện trọng đại của đất nước như các kỳ Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương, các kỳ họp Quốc hội... Với ưu thế của mỗi loại hình, các đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tạp chí... đã đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho các tầng lớp nhân dân. Báo chí là kênh thông tin quan trọng, là phương tiện, là công cụ đắc lực giúp Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.

Là diễn đàn của nhân dân, báo chí luôn bám sát thực tiễn, phản ánh tiến trình vận động của cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua báo chí, nhân dân được tự do bày tỏ tâm tư, ý kiến của mình với Đảng, với Nhà nước. Mặt khác, nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào cơ quan ngôn luận bằng những hành động thiết thực như phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực thông qua báo chí. Rất nhiều sự kiện, vụ việc nghiêm trọng người dân không dám phản ánh với cơ quan công quyền, mà phản ánh với báo chí, thông qua báo chí cung cấp thông tin, chuyển ý kiến tới các cơ quan Đảng và Nhà nước. Báo chí đã thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng. Nhân dân tin tưởng và ngày càng tìm đến với diễn đàn báo chí nhiều hơn, qua đó báo chí có điều kiện định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Báo chí là diễn đàn để nhân dân trao đổi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước.

 Báo chí là công cụ, vũ khí sắc bén đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Báo chí đã thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng trong việc tiến hành có hiệu quả đấu tranh tư tưởng lý luận, vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Bên cạnh việc không ngừng tăng cường an ninh chính trị, trấn áp tội phạm, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh chống chiến lược "diễn biến hoà bình" của chủ nghĩa đế quốc. Nhờ tiến hành đồng bộ, đặc biệt phát huy ưu thế đặc thù của báo nói, báo hình bằng những hình ảnh, âm thanh chân thực, phát sóng bằng chính tiếng các dân tộc đầy sức thuyết phục, báo chí đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số dần dần nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng phản động, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững và ổn định chính trị - xã hội.

Báo chí tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xã hội, góp phần vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận của sự nghiệp đổi mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Báo chí góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, báo chí còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại; phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đường lối và chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở đó tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới...

Báo chí là lực lượng quan trọng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội

Báo chí đã trở thành một lực lượng quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, vì sự tiến bộ của xã hội. Tiến bộ xã hội là quá trình phát triển đan xen, có nhiều mâu thuẫn và thông qua mâu thuẫn để phát triển, do đó truyền thông đại chúng thường xuyên phát hiện những mâu thuẫn, tổng kết thực tiễn để giải quyết mâu thuẫn, tạo tiền đề cho sự phát triển hợp quy luật.

Báo chí đã tham gia tích cực vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách hành chính nhà nước, vào quá trình mở rộng và thực hành dân chủ, thiết lập trật tự, kỷ cương phép nước, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo chí phát hiện ra những vấn đề bức xúc trong nhân dân, phản ánh, kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, góp phần làm cho các cơ chế, chính sách và pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn. Đồng thời, báo chí tham gia vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và những kế hoạch lớn của Nhà nước; tham gia quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện và sử dụng vốn của Nhà nước, của nhân dân ở các công trình trọng điểm; kịp thời phát hiện và phê phán những sai sót, những biểu hiện tiêu cực..., từ đó đề xuất, kiến nghị phương án giải quyết với Đảng, Nhà nước.

Như vậy, trong xã hội thông tin hiện nay, vai trò, chức năng của báo chí ngày càng được khẳng định. Thông qua việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; góp phần phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; bảo vệ an ninh quốc gia, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội......

ThS. Lưu Văn Thắng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất