* Quy trình thi tuyển
Theo
Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Nguyễn Đào Sơn, từ năm 2008, UBND thành
phố Hải Phòng đã ban hành Đề án thí điểm thi tuyển với các chức danh
Trưởng, Phó phòng ở các Sở, ngành và quận, huyện và đã tổ chức ở 3 sở và
2 quận. Tuy nhiên, các ứng viên dự tuyển chủ yếu là người trong đơn
vị. Từ năm 2013, với mục tiêu lựa chọn được người xuất sắc nhất vào
những vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo của thành phố, Thành ủy Hải
Phòng giao Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên
quan tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp trưởng một số
cơ quan, đơn vị trong đó có những cán bộ cấp trưởng ngành diện Thành ủy
quản lý.
Chức danh tương đương trưởng ngành được thí điểm thi
tuyển đầu tiên là Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng (trường do Thành
ủy Hải Phòng quản lý). Tháng 8/2013, bốn Phó Hiệu trưởng (gồm 3 Tiến sĩ
của Đại học Hải Phòng và một Phó giáo sư, Tiến sĩ của Đại học Hàng hải
Việt Nam) đã dự tuyển kỳ thi này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cương,
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là người có số điểm
cao nhất, đáp ứng yêu cầu của quy chế thi tuyển trúng tuyển chức danh
Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng. Phó Giáo sư Cương là Hiệu trưởng
đầu tiên của cả nước được bổ nhiệm bằng hình thức thi tuyển. Tháng
11/2013, việc thi tuyển cán bộ chủ chốt tiếp tục được triển khai tại
Trường Trung học Phổ thông Trần Nguyên Hãn với chức danh Hiệu trưởng.
Có 3 ứng viên dự tuyển, trong đó chỉ có 1 ứng viên là Phó Hiệu trưởng
đương nhiệm của trường.
Ông Nguyễn Đào Sơn cho biết việc thi
tuyển cán bộ chủ chốt khó nhất là làm thế nào để tránh tình trạng hình
thức. Hải Phòng đã khảo sát kinh nghiệm của Quảng Ninh, Đà Nẵng nhưng
mỗi nơi có cách làm riêng phù hợp với đặc thù địa phương mình. Trung
ương có chủ trương nhưng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể. Sau khi nghiên
cứu, đánh giá kỹ kinh nghiệm của các địa phương và các phương án để tổ
chức thi tuyển khách quan, minh bạch, Hải Phòng quyết định tổ chức thi
tuyển theo phương án: thông báo công khai, rộng rãi, mời cả ứng viên
đang làm việc tại các đơn vị ngoài thành phố trước 1 tháng để các ứng
viên đủ thời gian tìm hiểu, đăng ký. Số lượng ứng viên thi phải có ít
nhất 3 người. Hình thức thi gồm chấm đề án và chấm bảo vệ đề án, kiểm
tra sát hạch trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ.
Hội
đồng chấm thi có 9 người, trong đó chỉ có 3 người đến từ các cơ quan
trực tiếp quản lý đơn vị thi tuyển. Những thành viên khác đa số là những
chuyên gia đầu ngành có học hàm, học vị đến từ trung ương và các ban,
ngành của thành phố. Quyết định thành lập Hội đồng chấm thi được bảo mật
và chỉ công bố sát ngày thi. Các thành viên tham gia hội đồng thi tuyển
không ai biết ai. Vào ngày thi, ngay đầu giờ công bố Hội đồng, Hội đồng
chấm thi tập trung, thảo luận phương án chấm điểm, thang điểm trong
khoảng 1 giờ, sau đó tiến hành chấm thi quyển đề án. Đề án này phải đảm
bảo yêu cầu thống nhất theo mẫu trình bày của ban tổ chức, không được để
dấu hiệu riêng, chỉ đề tên tác giả ở phía ngoài bì thư khi gửi đến cho
ban giúp việc hội đồng thi tuyển. Chủ tịch Hội đồng thi tuyển sẽ đánh số
phách cho các đề án và tiến hành chấm.
Sau khi chấm xong, Ban
thư ký sẽ tổng hợp điểm phần chấm tuyển đề án. Hội đồng chuyển sang phần
chấm bảo vệ đề án. Các ứng viên trình bày trực tiếp trước Hội đồng. Bài
trình bày tối đa trong thời gian 30 phút bằng trình chiếu trên máy
tính. Sau đó Hội đồng chấm thi và những người tham dự buổi thi đặt câu
hỏi để ứng viên trả lời. Việc chấm và hoàn thành bảo vệ đề án trong
ngày. Tiếp đó, ứng viên sẽ qua kiểm tra 4 kỹ năng nghe nói đọc viết
ngoại ngữ do các giảng viên giàu kinh nghiệm của các trường ngoại ngữ
chấm trực tiếp.
* Sự ưu việt của thi tuyển lãnh đạo
Theo
đánh giá ban đầu của Thành ủy Hải Phòng, việc tuyển chức danh chủ chốt
đạt được các yếu tố rất tích cực. Thứ nhất là tạo được sự đổi mới căn
bản trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Việc thi tuyển tránh tình
trạng “sống lâu lên lão làng”, khắc phục hạn chế của việc bổ nhiệm theo
truyền thống, dựa nhiều vào việc lấy phiếu tín nhiệm. Khi mở rộng đối
tượng thi tuyển từ bên ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh. Do vậy, tất cả ứng
viên đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đều coi đây là một trong những hoạt
động “lửa thửa vàng”, là môi trường phải thể hiện kiến thức, trình độ
năng lực, kinh nghiệm, bản tính của người lãnh đạo trước sự đánh giá của
Hội đồng chấm thi và các khách mời tham dự.
Thứ hai là chọn được
con người mới với cách nhìn mới để giải quyết những vấn đề tồn tại của
đơn vị. Trong 2 đợt thi tuyển đầu tiên, người trúng tuyển đều là ứng
viên đến từ các trường học khác. Vì thế, họ không chỉ nhìn nhận vấn đề
theo cách nhìn mới mà còn có khả năng vận dụng những kinh nghiệm hay từ
quá trình công tác ở các đơn vị khác để xử lý vấn đề của đơn vị mới. Thứ
3 là tạo niềm tin về việc bổ nhiệm lựa chọn đúng cán bộ. Việc thi cử
diễn ra công khai, các ứng viên đều biết khả năng của từng “đối thủ” nên
họ dễ đồng thuận với kết quả thi tuyển.
Sau 2 kỳ thi tuyển thí
điểm vừa qua, các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ sẽ báo cáo với Ban
Thường vụ Thành ủy Hải Phòng để đánh giá việc thi tuyển cán bộ, từ đó
sẽ hoàn thành đề án tổng thể. Trong nhiều lần chỉ đạo về công tác cán bộ
và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Hải
Phòng Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: thi tuyển sẽ là hình thức lựa chọn cán
bộ lãnh đạo tốt nhất trong thời gian tới. Từng ban, ngành nên thí điểm
tổ chức ở một số đơn vị, sau đó triển khai rộng rãi hơn./.
TTX