Trò chơi hai chiều
- Ông đánh giá những cơ hội và thách thức đến với Việt Nam trong quá trình gia nhập APEC?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: APEC là tổ chức hợp tác kinh tế
và Việt Nam đã tham gia được 15 năm (từ năm 1998). Tổ chức này bao gồm
cả những nền kinh tế rất lớn, chiếm hơn 50% GDP và gần 60% thương mại
toàn cầu.
Đặc biệt, trong khối có những đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc,
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga… Phương hướng của APEC là tự do hóa thương mại
nên thuế suất trong khối cũng giảm dần bình quân từ 16% giảm xuống còn
trên, dưới 5% như hiện nay.
Thành tựu quan trọng nhất là chúng ta là mở rộng được thị trường, tranh
thủ được đầu tư đồng thời tận dụng hợp tác kinh tế kỹ thuật trong khối
(ECOTECH).
Bên cạnh đó APEC có vai trò chính trị rất lớn trên thế giới, qua đây Việt Nam cũng nâng cao được vị thế của mình.
Chúng ta nhắc nhiều đến việc Việt Nam thua ngay trên sân nhà, song tôi
cũng nhắc đến một vế khác là Việt Nam cũng thắng nhiều trên sân người.
Như, sau hội nhập dệt may của Việt Nam xuất khẩu tăng từ 1-2 tỷ USD/năm
lên đến 16 tỷ USD/năm, bên cạnh đó rất nhiều công ăn việc làm được tạo
ra. "Trò chơi" của thế giới không bao giờ được cả mà phải có hai chiều.
APEC bước vào cạnh tranh
- Thưa ông, thế giới sẽ có diện mạo như thế nào sau hậu khủng hoảng và APEC sẽ thay đổi như thế nào để thích ứng?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Từ khủng hoảng năm 2008 cho đến nay cũng chưa thể nói là kết thúc,
theo đó diện mạo thế giới đã có những thay đổi lớn và tác động đến mọi
quốc gia, mọi tổ chức quốc tế; trong đó có APEC.
Đây là vấn đề quá lớn, quá rộng, mới manh nha nên rất khó nhận diện. Tuy
nhiên, theo tôi có bảy nét mới xuất hiện sau hậu khủng hoảng.
Thứ nhất, chúng ta vẫn nghe thấy hàng ngày, tại các nước cũng như Việt
Nam đang có quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát
triển. Cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy, nhiều biểu hiện các mô hình
phát triển thị trường tự do, mô hình thị trường xã hội… trước đó đã vấp
phải thách thức và cần được điều chỉnh. Quá trình này là vấn đề của từng
quốc gia cũng như toàn thế giới và APEC cũng cần tính đến nó trong hoạt
động của mình.
Thứ hai, cơ cấu kinh tế thế giới cũng có nét đổi mới. Trong những thập
kỷ qua nền kinh tế ảo bao gồm cả kinh tế, tài chính tiền tệ, bất động
sản, thị trường chứng khoán… phát triển nhanh đến mức không kiểm soát
được. Nhu cầu giám sát, điều chỉnh nền kinh tế ảo này rất là lớn, thậm
chí là cả các quốc gia phát triển.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ lần này diễn ra đồng thời
với biến đổi khí hậu rất gay gắt, đặt ra yêu cầu về tính bền vĩnh trong
các nền kinh tế mạnh mẽ hơn và xuất hiện đòi hỏi phát triển của kinh tế
xanh.
Thứ ba, trong thời gian dài kinh tế thị trường đóng vai trò quan trọng
và sau khủng hoảng học thuyết đó vẫn còn nguyên giá trị, song bên cạnh
đó cần có sự tìm tòi mới về mối tương quan giữa nhà nước và thị trường
thỏa đáng hơn.
Thứ tư, chúng ta đã biết những năm 60, 70 của thế kỷ trước, một loạt các
nước đã thay thế nền kinh tế từ nhập khẩu sang xuất khẩu rất thành
công, theo đó hàng loạt các rồng châu Á xuất hiện. Nhưng sau khủng
hoảng. cùng với sự trục trặc tại vòng đàm phán Doha, nhiều quốc gia quay
về chú trọng hơn với nhu cầu trong nước. Điều này đặt ra vấn đề tương
quan giữa bảo hộ và tự do hóa, không quản lý khéo chủ nghĩa mậu dịch sẽ
quay trở lại.
Song, tôi cho rằng toàn cầu hóa là xu thế khách quan không thể cưỡng
lại, nhưng những biểu hiện của nó đã thay đổi. Thế giới đang có xu hướng
hình thành các khu vực mậu dịch tự do với hàng trăm sự thu xếp đan chéo
nhau, tạo ra nhiều cơ hội mới cũng như thách thức đồng thời khiến APEC
nằm trong sự cạnh tranh rất lớn.
Thứ năm, sự chuyển mạnh sức mạnh của các quốc gia và vị trí của các khu
vực, bên cạnh ba đầu tầu kinh tế Mỹ, Nhật, châu Âu đang xuất hiện nhóm
quốc gia mới nổi với tiếng nói quan trọng (như Trung Quốc, Ấn độ, Nga…),
sự chuyển dịch này chắc chắn sẽ phản ánh vào hoạt động của APEC.
Thứ sáu là sự chuyển dịch của đồng tiền, hiện tượng mới đồng nhân dân tệ
đang trở thành phương tiện thanh toán và dự trữ quốc tế, dội tới phân
bổ rổ tiền tệ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế… gây ảnh hưởng
rất nhiều đến kinh tế thế giới, trong đó có cả APEC.
Cuối cùng, biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng của thiên nhiên mà
đó là hiện tượng chính trị, xã hội. Nội dung khí hậu đã trở thành điểm
nóng trong chương trình nghị sự của các tổ chức quốc tế. Thế giới đang
diễn ra những sự hợp tác sâu rộng đồng thời là sự cạch tranh gay gắt,
một sự tập hợp lực lượng “khác lạ” mang màu sắc chính trị đang được hình
thành./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
( Vietnam+)