Thứ Sáu, 22/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 20/12/2021 11:11'(GMT+7)

Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số và đào tạo từ xa trong giáo dục nghề nghiệp

Thí sinh tham gia kỳ thi kỹ năng tay nghề quốc gia môn thiết kế kỹ thuật cơ khí bằng hình thức trực tuyến.

Thí sinh tham gia kỳ thi kỹ năng tay nghề quốc gia môn thiết kế kỹ thuật cơ khí bằng hình thức trực tuyến.

ĐỔI ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, sự bùng nổ công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã và đang hình thành nên hạ tầng số hóa GDNN.

Theo Tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), chuyển đổi số trong GDNN gắn với ba khái niệm: đổi mới kỹ thuật số, thích ứng kỹ thuật số và đẩy nhanh kỹ thuật số. Đổi mới kỹ thuật số mô tả cách thức công nghệ cho phép các hình thức dạy-học mới, bao gồm cả các phương pháp sư phạm mới. Thích ứng kỹ thuật số xem xét cách thức công nghệ yêu cầu giảng dạy các kỹ năng mới, để thích ứng với nhu cầu thay đổi của xã hội và thị trường lao động. Tăng cường kỹ thuật số xem xét các chính sách hoặc xu hướng hiện tại, bao gồm đại chúng hóa, và tăng cường việc học thế nào nhờ vào sự phát triển công nghệ trong xã hội.

Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức phục vụ chuyển đối số và đào tạo từ xa (online và off-line) trong GDNN, bao gồm: 1) Đào tạo từ xa (hay giáo dục từ xa, cũng là đào tạo mở và từ xa); 2) Mô phỏng (Simulation); 3) Lớp học đảo ngược (Flipped Classrooms); 4) Trò chơi hóa (gamification); 5) Tài nguyên giáo dục mở (OER); và 6) Cá nhân hóa (Personalization).

Trước đại dịch Covid-19, đa số các quốc gia chưa có những chính sách cụ thể để tăng khả năng ứng phó của GDNN đối với cuộc khủng hoảng. Việc học từ xa đã không được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Nguyên nhân của sự thiếu tính sẵn sàng cho học tập từ xa (trực tuyến/online và ngoại tuyến/off-line) là: Thiếu/hạn chế truy cập các thiết bị và công cụ kỹ thuật số; Không đủ cơ sở hạ tầng Internet (bao gồm các gói dữ liệu); vấn đề kết nối mạng, đặc biệt ở các vùng nông thôn; nguồn lực giáo dục trực tuyến hạn chế, không có hệ thống học tập trực tuyến hiệu quả tại chỗ; giáo viên, người đào tạo trong doanh nghiệp và cơ sở giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề (TVET) không có đủ năng lực để chuyển giao các hoạt động trực tuyến và giới thiệu việc học từ xa (bao gồm xây dựng và thực hiện các khóa học); người học không có đủ kỹ năng số và năng lực để sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như phương tiện để có kiến thức và quản lý việc học.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và tác động mạnh mẽ đến giáo dục và đào tạo, trong đó có GDNN, chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đào tạo trực tuyến, ví dụ:

Tại Canada, Bangladesh và Mauritius, việc học tập dựa trên công việc, học nghề hoặc nội dung thực hành đã được chuyển giao (một phần) thông qua các nền tảng trực tuyến và cũng đang phát triển các gói đào tạo trực tuyến.

Tại Chile, các cơ sở GDNN sử dụng công cụ Padlet để đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên thông qua các bản ghi video khi thực hiện các kỹ năng, và sử dụng mô phỏng kỹ thuật số.

Tại một số quốc gia như Ý, Ukraine và Kazakhstan, các nền tảng số được phát triển cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến bằng ngôn ngữ bản địa.

Các quốc gia như Hoa Kỳ, các nước EU, Malaysia, Philippin, El Salvador… phát triển nền tảng quản lý học tập tại nhà, mô phỏng hóa, thực tế ảo hỗ trợ việc học trực tuyến.

Nhiều quốc gia đang cung cấp các biện pháp hỗ trợ đa dạng cho giáo viên và giảng viên thông qua đào tạo, hội thảo và hội nghị trực tuyến. Những hoạt động này nhằm nâng cao các kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) của giáo viên và giảng viên và hỗ trợ chuẩn bị các tài liệu học tập điện tử, cụ thể:

 Một số quốc gia sử dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) mã nguồn mở và miễn phí như Moodle “Modular Object-Oriented Dynamic Learning Environment” (“Môi trường học tập năng động hướng tới đối tượng mô-đun), một nền tảng học tập được tạo ra để cung cấp cho giáo viên, giảng viên, giám sát viên và người học tùy chỉnh cài đặt lựa chọn học tập cho mình (Ai Cập, Hoa Kỳ);

 Các quốc gia khác cung cấp hỗ trợ về cách tiến hành các buổi học trựctuyến thông qua cố vấn của các nhóm giảng viên và công nghệ thông tin (Ấn Độ). Các biện pháp hỗ trợ cũng bao gồm nguồn tài liệu bằng video, hỗ trợ công nghệ 24/7 của hệ thống quản lý học tập (Hoa Kỳ); các công cụ trực tuyến khác, phòng thí nghiệm CNTT, Internet chất lượng tốt, kỹ thuật viên sản xuất phim và dựng phim (Ai Cập, Thái Lan), nâng cấp công nghệ và liên tục hỗ trợ kỹ thuật liên quan (Canada).

 Một số quốc gia cung cấp hỗ trợ cho giáo viên và giảng viên để trao đổi chiến lược và thực tiễn của họ thông qua các chương trình cố vấn bởi các giáo viên có nhiều kinh nghiệm và có thể hỗ trợ các đồng nghiệp của họ (Canada).

Tại Philippin, giáo viên đang nhận được hỗ trợ vật chất dưới dạng thiết bị, do việc thiếu hụt thiết bị đặt ra thách thức lớn cho việc học từ xa. Ngoài ra, các nhà cung cấp viễn thông hỗ trợ cho giáo viên dưới hình thức giảm thuế đối với băng thông dữ liệu. Tại Malaysia, các nền tảng thuộc sở hữu tư nhân đang cung cấp quyền truy cập miễn phí vào các nền tảng học tập trong thời kỳ khủng hoảng.

KINH NGHIỆM CỦA SRILANKA TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GDNN ỨNG PHÓ ĐẠI DỊCH COVID-19

Srilanka là nước có nhiều trải nghiệm thành công nhất ở châu Á trong GDNN đối phó đại dịch Covid. Tổng thống SriLanka Gotabaya Rajapaksa tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ phát triển kỹ năng”, với mục tiêu đầy tham vọng là giảm dân số lao động không có kỹ năng xuống còn 10%. Điều này phù hợp với khung chính sách phát triển quốc gia "Vistas of Prosperity and Splendour” (Government of Sri Lanka 2020a). Giáo dục và đào tạo kỹ thuật- nghề (TVET) sẽ đóng một vai trò quan trọng để hiện thực hóa “Thập kỷ phát triển kỹ năng”.

Sau bầu cử quốc hội tháng 8 năm 2020, chính phủ đã tăng cường sắp xếp lại thể chế bằng cách tích hợp trách nhiệm về TVET vào Bộ Giáo dục để tất cả các tiểu lĩnh vực giáo dục (giáo dục phổ  thông, phát triển kỹ năng nghề nghiêp và giáo dục đại học) có thể hướng tới phát triển kỹ năng một cách toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư [1].

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức đáng kể cho giáo dục đào taọ nghề và việc làm. Các giảng viên và sinh viên đào tạo nghề hiện tại đã phải vật lộn với giáo dục trực tuyến và từ xa, được giới thiệu đột ngột theo chuẩn mực mới của cách ly xã hội. 

Tác động của Covid-19 đến giáo dục và đào tạo kỹ thuất và dạy nghề trực tuyến: Covid-19 buộc học sinh, sinh viên phải tiếp tục giáo dục và đào tạo trực tuyến, một cách tiếp cận học tập không hoàn toàn mới đối với đào tạo nghề ở Sri Lanka. Ủy ban Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nước này đã triển khai ICT nhằm nỗ lực đạt được hệ thống đào tạo từ xa bền vững cho giáo dục sau trung học thông qua Dự án hiện đại hóa giáo dục từ xa từ năm 2003 (ADB 2016). Tuy nhiên, dự án tập trung nhiều vào các cơ sở giáo dục đại học hơn là TVET, và việc áp dụng đào tạo từ xa bị hạn chế trong trường hợp không có hồ sơ theo dõi tốt và kiểm định công nhận thích hợp cho các khóa học đào tạo từ xa.

Trước dịch Covid-19, chỉ 36% cơ sở TVET triển khai dạy học từ xa. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để cung cấp đào tạo tăng tốc trong đại dịch cho thấy các dịch vụ trực tuyến rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lây truyền Covid-19 và TVET đã tạo điều kiện cho việc truy cập mở vào các tài nguyên điện tử trong đại dịch. Ngoài ra, trong khi các cơ sở đào tạo nghề tiếp tục đào tạo trực tiếp vào tháng 6/2020, một số trường vẫn đóng cửa do lệnh phong tỏa một phần và vẫn tiếp tục dựa vào công nghệ trực tuyến. Kỳ vọng rằng TVET có thể tiếp tục trong đại dịch là rất cao, mặc dù theo thống kê chỉ có 1/5 hộ gia đình sở hữu một máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay ở Sri Lanka (Government of Sri Lanka 2019). Các cơ sở đào tạo nghề đã trải qua thách thức đáng kể trong việc cung cấp đào tạo thực hành bằng cách sử dụng các công cụ và máy móc thông qua đào tạo trực tuyến. Sự hỗn loạn trong thị trường việc làm của Sri Lanka do COVID-19 tạo ra (Hayashi và Matsuda 2020) sẽ có tác động tiêu cực đến kết quả việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Đào tạo nghề.

Tác động đại dịch Covid-19 đến các khóa học trực tuyến đối với lĩnh vực TVET: Theo kết quả khảo sát các khóa học trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid-19 ở Srilanka từ ngày 21/7 đến ngày 18/8/2020 cho thấy: có 60% - 70% các khóa học đào tạo nghề chính qui tiếp tục trong thời gian đại dịch; 92% các tổ chức nhà trường cung cấp ít nhất một khóa đào tạo nghề trực tuyến và 93% sinh viên được hỏi tham dự học trực tuyến chủ yếu thông qua các giải pháp công nghệ thấp sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Trong số các dịch vụ khóa học, 82% các trường đào tạo nghề có thể cung cấp đào tạo nghề trực tuyến cho các khóa học CNTT. Tuy nhiên, các khóa học chính khác, chẳng hạn như cơ khí ô tô, làm đẹp, xây dựng dân dụng, kỹ thuật điện, điện tử viễn thông, và du lịch và khách sạn nằm trong khoảng 60% và 70%.

Các tổ chức nhà trường đã bị đóng cửa. Đào tạo nghề trực tuyến đòi hỏi chương trình giảng dạy, nội dung học tập và tiêu chí đánh giá phù hợp nhưng không có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi như vậy đã diễn ra. Không có gì đáng ngạc nhiên, đào tạo thực tế không thể được cung cấp trực tuyến, vì đào tạo thực tế trong nhiều ngành đòi hỏi phải sử dụng các công cụ, máy móc và cơ sở vật chất. Một số môn học như CNTT có thể tiến hành đào tạo thực tế trực tuyến thông qua các giải pháp công nghệ trung bình nếu học sinh, sinh viên có quyền truy cập Internet tốt và máy tính cá nhân. Tuy nhiên, đối với hầu hết các môn học đào tạo nghề, chẳng hạn như cơ khí ô tô và kỹ thuật điện, rất khó để cung cấp đào tạo thực tế mà không cần thiết bị và công cụ chuyên ngành. Cũng không có bằng chứng cho thấy các giải pháp công nghệ cao như thực tế ảo và thực tế tăng cường được sử dụng cho các TVET thực tế trong đại dịch. Ngay cả khi các cơ sở công nghệ cao được cung cấp cho các TVET thực tế trực tuyến, người hướng dẫn.

Cuộc khảo sát định lượng cho thấy 86% giảng viên, giáo viên có kiến thức và kinh nghiệm cung cấp TVET trực tuyến, nhưng các giảng viên, giáo viên lớn tuổi không phải lúc nào cũng được trang bị kỹ năng thích hợp cho TVET trực tuyến. Các giảng viên cao cấp có nhiều khả năng thể hiện sự thiếu quan tâm và động lực cũng như khả năng chống lại sự thay đổi. Các cuộc thảo luận nhóm tập trung giữa các sinh viên cho thấy một số trường hợp trong đó các giảng viên chỉ cần đọc ghi chú bài giảng và làm như vậy một cách nhanh chóng để bao gồm các chủ đề.

Trong tương lai, khoảng 60% các cơ sơ đào tạo nghề nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ mua thiết bị và đào tạo giảng viên cho đào tạo nghề trực tuyến. Nếu không có cơ sở hạ tầng và năng lực nền tảng này, sẽ rất khó để cung cấp các khóa học đào tạo nghề hiện có trực tuyến. TVET trực tuyến cung cấp cơ hội mới để sử dụng các khóa học trực tuyến mở lớn (MOOCs) để đào tạo chuyên nghiệp của giảng viên và thậm chí để hoàn thành khóa học sinh viên thông qua chuyển giao tín chỉ của MOOCs hoặc nội dung đào tạo nghề trực tuyến được tạo ra bởi các chuyên gia TVET ở SriLanka. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, các điều kiện thiết yếu cần phải được đưa ra. Hơn 45% các tổ chức đào tạo nghề hỗ trợ giới thiệu các khoản vay sinh viên được trợ cấp hoặc hỗ trợ tài chính cho sinh viên mua thiết bị. Trong khi tư duy cho việc học kết hợp cần phải thay đổi, các giảng viên đang bắt đầu nhận ra những lợi thế của việc tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, và tăng cường tính linh hoạt trong việc chia sẻ tài nguyên. Các giảng viên nhấn mạnh rằng học tập kết hợp cần phải cân bằng giữa đào tạo trực tuyến, giảng dạy trên lớp trực tiếp và đào tạo thực tế, tùy thuộc vào bản chất của môn học.

NHỮNG BÀI HỌC ĐƯỢC RÚT RA

Cùng với xu thế dạy học từ xa, Online cho GDNN trên thế giới, qua xem xét tác động của Covid-19 đối với TVET ở SriLanka thông qua các nghiên cứu theo dõi, khảo sát trực tuyến và phỏng vấn của ADB, việc nghiên cứu tháng 11/2020 được thực hiện qua điện thoại để đánh giá tác động của thị trường lao động đối với sinh viên tốt nghiệp TVET. Hai cuộc khảo sát trực tuyến định lượng đã được thực hiện vào ngày 21/7 đến ngày 18/8/2020 với các nhà trường và sinh viên TVET để hiểu đào tạo trực tuyến trong đại dịch để đánh giá tâm lý về sự thay đổi đột ngột sang các khóa học đào tạo nghề trực tuyến trong đại dịch.

Tác động của Covid-19 đối với thị trường lao động đã khiến giờ làm việc giảm đáng kể trong làn sóng đầu tiên ở giai đoạn đầu của đại dịch (tháng 3 đến tháng 6/2020). Hầu hết sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo nghề không thể làm việc hoặc chỉ có thể làm việc ít hơn 05 giờ mỗi tuần trong tháng 3 đến tháng 6/2020. Trong khi giờ làm việc đã trở lại mức trước Covid-19 vào tháng 11/2020, một số sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo nghề bị mất việc làm hoặc phải đối mặt với thu nhập giảm, đặc biệt là những người trong lĩnh vực du lịch và khách sạn và tự khởi nghiệp. Trong số các ngành công nghiệp, ngành du lịch và khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề nhất về việc làm. Ngoài ra, sự sụt giảm thu nhập trung bình hàng tháng là đặc biệt nghiêm trọng đối với sinh viên tốt nghiệp TVET tự làm chủ. Tuy nhiên, một số công nhân bị sa thải đã bắt đầu kinh doanh riêng trong đại dịch, thay vì chờ đợi cơ hội việc làm tiền lương quay trở lại. Các cơ sở đào tạo nghề đã nỗ lực để bắt đầu hoặc mở rộng cung cấp đào tạo trực tuyến trong đại dịch nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên và quan trọng nhất, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên đào tạo nghề không phải lúc  nào cũng có quyền truy cập vào Internet và các thiết bị phần cứng để đào tạo trực tuyến. Đào tạo thực hành thực tế là rất khó khăn để cung cấp trực tuyến. Nền tảng trực tuyến này không phải là cách tiếp cận lấy sinh viên làm trung tâm vì các giảng viên phải cung cấp ghi chú và bài tập bài giảng thông qua phương tiện truyền thông xã hội như WhatsApp. Các giảng viên dạy nghề phải vật lộn để cung cấp các bài giảng trực tuyến, trái ngược với các cơ sở  giáo dục đại học ở SriLanka, nơi sử dụng các công cụ công nghệ cộng tác trực tuyến chẳng hạn như Zoom đã tăng tốc đáng kể trong đại dịch.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy một thực tế là các nước đều đang nỗ lực thay đổi phương pháp dạy và học trực tiếp sang các hình thức học tập trực tuyến (Online), pha trộn (Blended) và lai ghép (Hybrid) thông qua ứng dụng công nghệ số. Tương tác trực tiếp không phải là phương pháp duy nhất, việc kết hợp phương pháp, hình thức học tập trở thành một lựa chọn lâu dài cho học tập trong GDNN nhằm đảm bảo đào tạo liên tục trong các tình huống.

Thách thức hiện này là phải tạo khung pháp lý cho việc học tập kết hợp trong GDNN. Chuyển đổi số trong GDNN là một quá trình đòi hỏi lập kế hoạch và chuẩn bị cẩn thận. Chương trình, giáo trình phát triển theo các mô-đun học tập với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Học sinh, sinh viên phải được chuẩn bị để trở thành người học độc lập, học cách thức và phương pháp học. Giáo viên, giảng viên cần linh hoạt hơn để tạo ra các phương pháp và tài liệu mới. Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông rất quan trọng cho cả giáo viên, giảng viên, giảng viên cũng như học sinh, sinh viên. Đầu tư, phát triển và cung cấp các nền tảng học tập miễn phí, hội nghị trực tuyến và các công cụ thực tế ảo (VR tools) phải đáp ứng nhu cầu và năng lực của người học cũng như các yêu cầu của các cở sở GDNN./.

TS. Mai Hữu Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu-chuyển giao KHCN Giáo dục (CETSTR) thuộc Hiệp hội đại học, cao đẳng



[1] Báo cáo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) tóm tắt, số 168, tháng 3/2021.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất