Thứ Tư, 30/10/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 18/2/2017 15:0'(GMT+7)

Kinh nghiệm từ huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước theo tiêu chí mới

Trước tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, niềm vui lớn đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoa Lư khi vinh dự được đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập huyện và trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước theo tiêu chí mới.


Chúng tôi về với Hoa Lư hòa trong không khí người dân nô nức xuống đồng gieo cấy cho vụ Xuân 2017. Tại cánh đồng thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, người dân đưa ra đồng các loại máy công cụ lớn mà không gặp bất cứ trở ngại nào về giao thông, bởi tại đây giao thông nội đồng đã được kiên cố hóa bằng bê tông một cách rất hiện đại. Đường trục chính ra đồng quy mô rộng 7 mét, đổ bê tông bề mặt rộng 5 mét đã phục vụ những nhu cầu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của người dân; cạnh đó là hệ thống kênh mương cũng được cứng hóa.


Theo quan niệm xưa nay, trong nông nghiệp luôn coi trọng và đề cao công tác thủy lợi, nay hệ thống kênh mương được kết nối đồng bộ, đổ bê tông cứng hóa càng chủ động hơn về nguồn nước tưới, tiêu, nên người dân càng yên tâm gắn bó, đầu tư cho đồng ruộng.


Ông Vũ Hoạt, thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang chia sẻ, bây giờ đường bê tông về tận cổng nhà, ra đồng thì không phải đi những con đường lầy lội như xưa khiến chúng tôi phấn khởi lắm, từ ngày có chương trình xây dựng nông thôn mới, có những con đường sạch sẽ đã làm cho đời sống văn minh hẳn lên, mà những cái này rất thiết thực với người dân chúng tôi.


Nhớ lại thời gian 6 năm trước, khi Hoa Lư cùng cả nước bắt đầu thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều cán bộ và nhân dân xã Ninh Giang không nghĩ rằng quê hương sẽ có nhiều đổi thay như ngày nay, bởi mọi thứ bắt đầu đều bỡ ngỡ, trong khi đó Ninh Giang khi đó chỉ đạt 8/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khó khăn chồng chất, công việc bộn bề nhưng họ đã biết nắm bắt những cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để đến nay đã được hái quả ngọt.


Theo ông Tống Vạn Tường, Chủ tịch UBND xã Ninh Giang: Có thể nói, Ninh Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Ninh Giang đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội về sau. Cụ thể, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để người dân hiểu, nắm được nội dung xây dựng nông thôn mới, từ đó thấy được lợi ích của mình và tự nguyện tham gia; cùng với đó, xã xác định phải lấy sức dân để lo cho dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.


Bên cạnh đó, xã Ninh Giang xác định việc nào dễ, việc nào gắn với lợi ích thiết thực nhất cho dân thì làm trước như việc đầu tư cho điện, đường, trường, trạm... việc nào khó thì làm sau. Đồng thời, vận dụng chủ trương của cấp trên, Ninh Giang đã làm tốt công tác huy động nguồn vốn, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới; thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, Ninh Giang đã huy động được trên 400 tỷ đồng, tạo nguồn lực để Ninh Giang hoàn thành tốt các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu như: Đường giao thông, trường học, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa... Năm 2014, tức chỉ sau 3 năm phát lệnh xây dựng nông thôn mới, Ninh Giang trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Hoa Lư cũng như tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới.


Sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tất cả các xã của huyện Hoa Lư đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, là tiền đề để Hoa Lư trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Ngày nay đến Hoa Lư, điều dễ nhận thấy nhất là những nếp nhà ngói lá của người dân đã dần được thay bằng những ngôi nhà mái bằng kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi; hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đồng bộ, đường bê tông được trải dài từ trung tâm các xã đến tận cánh đồng.


Ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư tự hào cho biết, sau 6 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện chương trình, tạo nên không khí thi đua sôi nổi, phong trào lan tỏa sâu rộng. Năm 2011, bình quân Hoa Lư chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã, khi triển khai chương trình, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông thôn chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ, duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống. Từ đó, thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm...


Xác định xây dựng nông thôn mới cũng để đạt mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập và đời sống người dân, đây là mục tiêu khó nhất đối với Hoa Lư cũng như các địa phương khác của cả nước. Do vậy song song với tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, Hoa Lư đã chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, gắn phát triển sản xuất làng nghề với phát triển du lịch, dịch vụ.


Hiện Hoa Lư đã có nhiều cánh đồng mẫu lớn từ 30 đến 100 ha, đưa giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, Hoa Lư có trên 70 mô hình phát triển sản xuất, 170 mô hình trang trại, gia trại được người dân đầu tư, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; giá trị canh tác bình quân đạt 86 triệu đồng/ha, tăng gần 20 triệu đồng/ha so với thời gian đầu xây dựng nông thôn mới.


Nói đến phát triển kinh tế huyện Hoa Lư không thể không nói đến hai làng nghề truyền thống thêu ren Ninh Hải và đá mỹ nghệ, đá xây dựng Ninh Vân. Hai làng nghề này có trên 110 doanh nghiệp và trên 1.200 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho gần chục nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, Hoa Lư đã phát huy tối đa tiềm năng du lịch của Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư... để phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động; riêng khu vực này đã giải quyết việc làm cho trên 11.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/năm. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nhờ sự đồng lòng của người dân, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của huyện đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,7%.


Theo nhiều cán bộ, công chức huyện Hoa Lư, phấn đấu để Hoa Lư đạt được danh hiệu huyện nông thôn mới đã khó, việc gìn giữ, phát triển, tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu còn khó hơn. Trước mắt, huyện Hoa Lư tiếp tục thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống để tăng trưởng về kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.


Với tiềm năng sẵn có, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của cán bộ, nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn rằng trong tương lai không xa Hoa Lư sẽ tiếp tục vươn mình trở thành đô thị văn minh, hiện đại./.


Đức Phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất