Trên cương vị Chủ tịch UBTVQH từ Khóa II đến Khóa VI, đồng chí Trường
Chinh đã thể hiện rõ năng lực, phẩm chất của một nhà lãnh đạo kiệt xuất,
không ngừng góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của QH về mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực lập hiến, lập pháp và
quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của
đồng chí Trường Chinh, QH Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ
mà Đảng và nhân dân giao phó trong thời kỳ muôn vàn khó khăn của đất
nước.
Bảo đảm thực thi có hiệu quả quyền lực Nhà nước
Trong suốt 20 năm trên cương vị
Chủ tịch UBTVQH và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Khóa VII), đồng chí
Trường Chinh đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng 8 đạo luật (bao
gồm cả Hiến pháp 1980); 7 nghị quyết do QH thông qua; 21 pháp lệnh và 34
nghị quyết do UBTVQH thông qua. Đây là bước tiến quan trọng trong chức
năng lập pháp của QH, góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật
ở nước ta, từng bước điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật trong
thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, vừa phải huy động sức người, sức
của cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, vừa phải chống chiến tranh
phá hoại tàn khốc của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, thực hiện thống nhất nước
nhà.
|
Năm 1954, Hiệp
định Geneva được ký kết, đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế
độ chính trị khác nhau. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng, vấn đề đặt ra
lúc này là phải sửa đổi Hiến pháp 1946 cho phù hợp với đặc điểm của giai
đoạn cách mạng mới. Là thành viên của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1946,
đồng chí Trường Chinh đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc trên lĩnh vực luật
pháp, đặc biệt là khả năng tư duy, sự nhạy cảm chính trị trên những vấn
đề hết sức phức tạp cần thể hiện rõ trong Hiến pháp, từ đó có những đóng
góp quan trọng trong việc xây dựng thành công Hiến pháp 1959. Đây là
bản Hiến pháp thể hiện sinh động và tập trung ý chí, nguyện vọng của
nhân dân hai miền Nam - Bắc; định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội; cổ vũ
động viên mạnh mẽ đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước
nhà.
Sau khi có Hiến pháp 1959,
nhiệm vụ lớn đặt ra cho QH là phải xây dựng Nhà nước Việt Nam theo quy
định của Hiến pháp, phù hợp với tình hình mới. Là một trong những nhà
lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trên cương vị Chủ tịch UBTVQH,
đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo đảm
cho quyền lực Nhà nước được thực thi có hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan
trong bộ máy nhà nước hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ và giữ mối quan
hệ theo luật định với các cơ quan dân cử; thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong bộ máy nhà nước; phát huy vai
trò của từng cơ quan, từng cá nhân đứng đầu theo quy định của Hiến pháp
1959.
Đồng chí Trường Chinh đã lãnh
đạo để QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; chỉ đạo sát
sao hoạt động của các cơ quan của QH, đặc biệt là chỉ đạo việc tổ chức
và xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện.
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”
Mùa
xuân năm 1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, đất nước thống
nhất. Thực hiện sự phân công của Bộ Chính trị, ngày 15.11.1975 tại Hội
nghị Hiệp thương chính trị Tổ quốc, trên cương vị Chủ tịch UBTVQH và
Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc, đồng chí Trường Chinh đã đọc bản báo cáo
đầy xúc động và mang tính lý luận về việc “thực hiện thống nhất nước nhà
về mặt nhà nước”. Đây thực sự là công việc hệ trọng trong lịch sử đất
nước, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong xây dựng nhà nước kiểu
mới và bước chuyển mình cơ bản của cả đất nước, từ việc hoàn thành cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tại Kỳ
họp thứ 2, QH Khóa V (tháng 12.1975), đồng chí Trường Chinh đã vui mừng
báo cáo kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc.
QH đã sôi nổi thảo luận và nhất trí thông qua nghị quyết phê chuẩn kết
quả của Hội nghị Hiệp thương, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt
Nam thống nhất.
Kế thừa thành quả
và kinh nghiệm lịch sử của 5 nhiệm kỳ QH, QH Khóa VI - QH chung của cả
nước - đã giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh về QH, về nhà nước
pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tại Kỳ họp thứ 1,
QH Khóa VI đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới và
đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử mới.
Cũng
tại Kỳ họp thứ 1, QH Khóa VI, ngày 2.7.1976, QH đã thông qua Nghị quyết
thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp để xây dựng bản Hiến pháp của nước
Việt Nam thống nhất. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban.
Sau 4 năm nghiên cứu xây dựng, chỉnh lý, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và
chặt chẽ của đồng chí, bản dự thảo Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980 đã
được công bố để lấy ý kiến toàn dân. Tại Kỳ họp thứ 7, QH Khóa VI (ngày
18.12.1980), QH đã thông qua bản Hiến pháp. Riêng với QH, đồng chí
Trường Chinh luôn nhấn mạnh vai trò, vị thế là cơ quan đại biểu cao nhất
của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước và quán
triệt sâu sắc bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, trước đây
rất quan trọng, bây giờ càng quan trọng, đó là bài học lịch sử vô giá
của cách mạng nước ta”.
Nguyễn Thùy Linh (Báo ĐBND)