Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 28/2/2010 22:28'(GMT+7)

Kinh tế hóa ngành để đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho hay sẽ đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ; thương mại hóa thông tin, dữ liệu để nộp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, sau 10 năm nữa, ngành Tài nguyên-Môi trường sẽ đóng góp cho ngân sách quốc gia bằng hoặc hơn ngành dầu khí.

Đó là một ý tưởng mang tính đột phá, có thể khiến nhiều người nghi ngờ về tính thực tiễn của nó. Từ trước đến nay chưa nghe ai bàn đến câu chuyện đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá quyền khai thác mỏ. Cũng như vậy, chưa nghe ai bàn đến vấn đề thương mại hoá thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên môi trường. Và như thế, có thể hiểu là bấy lâu nay, khi nền kinh tế nước nhà vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và những thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản liên quan đến tài nguyên môi trường vẫn theo lối bao cấp xin-cho, thiếu minh bạch.

Hệ quả có thể thấy rõ là giá trị nguồn tài nguyên khoáng sản và những sản phẩm từ điều tra cơ bản không được đánh giá đúng, dễ dẫn đến lãng phí; lợi nhuận rơi vào một số ít cá nhân và doanh nghiệp; ngân sách quốc gia thất thu; những người tạo ra các sản phẩm có giá trị không được thụ hưởng xứng đáng…

Khi nêu vấn đề thị trường hoá, thương mại hoá, minh bạch hoá nguồn tài nguyên khoáng sản và những dữ liệu liên quan, dễ đụng chạm đến quyền lợi cục bộ của nhóm người, hay bị quy vào nhóm các vấn đề nhạy cảm. Cho nên việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường đặt vấn đề này ra có thể nói là mạnh bạo. Mạnh bạo và có căn cứ:

Thứ nhất, khi nền kinh tế đất nước vận hành theo quy luật kinh tế thị trường thì những hoạt động mang tính kinh tế, trong đó có việc thăm dò, khai thác tài nguyên, không thể đứng ngoài quy luật.

Thứ hai, tài nguyên khoáng sản cũng như thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên môi trường thuộc về tài sản quốc gia; là tài sản của toàn dân, phải được sử dụng công khai minh bạch, sát đúng giá trị thực của nó.

Thứ ba, như thông tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường cung cấp, các nước trên thế giới có dạng tài nguyên như Việt Nam, nguồn lợi khai thác từ tài nguyên qua đấu giá đóng góp từ 30 - 40% cho tăng trưởng kinh tế.


Thứ tư, chúng ta đã có kinh nghiệm từ việc chuyển đổi từ cấp đất sang đấu giá đất tạo ra hiệu quả to lớn nhiều mặt. Chỉ tính riêng về kinh tế, nguồn thu từ đất từ năm 2005 trở về trước chỉ xấp xỉ 3.000 đến 5.000 tỉ đồng mỗi năm; khi Bộ Tài nguyên - Môi trường chuyển sang cơ chế đấu giá đất, mỗi năm thu trên 30.000 tỉ đồng.

Từ việc đấu giá quyền sử dụng đất chuyển sang đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ; bán thông tin, dữ liệu để nộp cho ngân sách nhà nước nhiều hơn, là quyết định sáng tạo của những người đứng đầu ngành Tài nguyên-Môi trường, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước lợi ích quốc gia, chắc chắn sẽ được xã hội ủng hộ. Với chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành để ngành mình đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế đất nước, ngành Tài nguyên-Môi trường thực sự có bước đột phá về nhận thức và hành động, để sau 10 năm nữa, như dự tính của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, ngành Tài nguyên-môi trường sẽ đóng góp cho ngân sách quốc gia bằng ngành Dầu khí hoặc hơn ngành Dầu khí./.

(Theo: Uông Ngọc Dậu/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất