Theo Quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 của cán bộ, công nhân viên chức nói chung (trừ lực lượng trực Tết) sẽ kéo tới 9 ngày (tính cả thứ bảy, chủ nhật), dài hơn hẳn so với mọi năm.
Với các học sinh, sinh viên, thời gian nghỉ Tết còn dài hơn. Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian nghỉ Tết của học sinh phổ thông các địa phương kéo dài từ 11 tới 16 ngày. Đây là năm học sinh phổ thông trong cả nước có thời gian nghỉ Tết dài nhất từ trước tới nay.
Dư luận nhân dân trong cả nước, nhất là với đối tượng cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên đều phấn khởi trước Quyết định của Thủ tướng Chính phủ việc hoán đổi ngày nghỉ vào dịp Tết Canh Dần nhằm nâng cao hiệu quả công việc do làm việc liền mạch vào tuần kế tiếp, giảm tình trạng căng thẳng về tàu xe, đồng thời cũng là một cách kích thích tiêu dùng, du lịch trong dịp Tết.
Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến lo ngại rằng, với thời gian nghỉ Tết dài như vậy, những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như khai sinh, khai tử, giải quyết các thủ tục hành chính… liệu có được kịp thời đáp ứng. Với những doanh nghiệp và cơ quan liên quan đến nước ngoài (họ không nghỉ Tết Nguyên Đán như ta) liệu có được các cơ quan chức năng của ta giải quyết “thuận buồm xuôi gió”. Đó là chưa kể đến những lực lượng phải làm việc thường xuyên trong mấy ngày Tết như quản lí thị trường, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, điện, nước, môi trường, báo chí… sẽ vận hành ra sao nếu con dấu của các cơ quan chức năng cũng được “nghỉ Tết”. Dù trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải tổ chức trực trong những ngày nghỉ Tết nhưng trên thực tế, một số cán bộ công chức vẫn nặng tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”…
Với đối tượng học sinh, sinh viên, thời gian nghỉ Tết dài là điều kiện cần thiết để các em nghỉ ngơi, chuẩn bị cho kỳ học mới, nhưng nếu không quản lí tốt, rất dễ nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như đánh cờ bạc, uống rượu bia, đua xe, tham gia các trò chơi không lành mạnh. Ngay cả với đối tượng cán bộ, công nhân viên chức, thời gian nghỉ Tết quá dài, nếu không có các dịch vụ vui chơi giải trí với quy mô phù hợp cũng có thể dẫn đến các tệ nạn xã hội.
Chính vì các lí do trên, dư luận nhân dân mong muốn, trong những ngày nghỉ Tết, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần tổ chức trực nghiêm túc, giải quyết kịp thời các công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính. Chính quyền các địa phương cần khuyến khích các dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh trong dịp Tết. Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực và chủ động chỉ đạo cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp đầu xuân mới, tăng cường kiểm tra, đáp ứng đủ lượng hàng hóa, bảo đảm chất lượng; tập trung quản lí giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, thực thi quyết liệt các biện pháp về quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, đốt pháo, đèn trời; chỉ đạo chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông trong dịp Tết và mùa lễ hội.
(Theo: ĐỖ PHÚ THỌ/QĐND)