Khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc"(1). Quyền của dân chúng được đề cập là quyền lực chính trị, quyền lợi (lợi ích) kinh tế và quyền làm chủ đất nước, xã hội, làm chủ cuộc sống của mình tức là quyền tự do, dân chủ: không thực hiện triệt để điều đo,á để những điều căn bản và thiêng liêng đó trong sự thao túng, lộng quyền của một số ít người thì cách mạng có thể đổ vỡ, hy sinh nhiều lần, tức cách mạng phải làm lại. Thực tế của cách mạng một số nước trên thế giới đã diễn ra điều đó.
Hơn một tháng sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ trong bộ máy chính quyền có nhiều người làm đúng theo chương trình của Chính phủ và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lỗi lầm nặng nề như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Những lỗi lầm ấy là trái với bản chất của chính quyền nhân dân, không theo đúng mục tiêu của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân"(2). Lần đầu tiên ở Việt Nam xây dựng chính quyền là để phục vụ dân chứ không phải để cai trị dân.
Khi trở thành Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo chủ yếu thông qua vai trò quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền từ Trung ương tới cơ sở, thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc trong bộ máy chính quyền. Các cơ quan chính quyền có thật sự là công bộc của dân, phục vụ nhân dân hay không chủ yếu cũng từ việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy chính quyền. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006) nhấn mạnh, dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhà nước đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân. "Xây dựng một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân"(3).
Về bản chất, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc; Nhà nước Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bản chất đó thể hiện tính ưu việt của xã hội dân chủ ở Việt Nam và là sự bảo đảm chắc chắn quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Bản chất và mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa rất rõ ràng, nhưng tại sao trên thực tế vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có trách nhiệm trước nhân dân không làm đúng bổn phận là công bộc của dân, phục vụ dân, vì dân. Ngay những ngày đầu của chính quyền nhân dân (1945) đã có những lỗi lầm của cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Và hiện nay bên cạnh nhiều cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tuỵ phục vụ nhân dân vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mắc vào tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm hoặc vô cảm trước cuộc sống, yêu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân, hống hách, ức hiếp dân để mưu lợi ích riêng cho mình. Đặc biệt là tệ tham nhũng vẫn chưa bị đẩy lùi.
Cần phải tìm rõ nguyên nhân của tình trạng đó mới có thể đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả và bền vững. Mọi sự hô hào chung chung hay lên án gay gắt mà không thấy rõ cội nguồn và đề ra giải pháp thích hợp đều không mang lại kết quả như mong muốn. Việt Nam đã trải qua chế độ phong kiến hàng ngàn năm với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kinh tế tiểu nông, lại trải qua chế độ thuộc địa hàng trăm năm, hiện trạng xã hội đó có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tâm lý, phong cách sống và làm việc của cộng đồng, của mỗi người. Ý thức về dân chủ và thực hành dân chủ còn rất hạn chế. Tâm lý ham muốn vật chất, ham muốn quyền lực, thích ra oai, làm việc bằng uy quyền mà không bằng uy tín còn rất nặng. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, không chỉ người có chức vụ, quyền hạn cao mà cả những nhân viên hành chính bình thường, cũng có thể có lời nói, hành vi tỏ rõ uy quyền cá nhân. Lênin đã từng chỉ rõ, cải tạo tâm lý, thói quen đã từng nằm sâu trong một nước tiểu nông là một quá trình khó khăn, có thể phải trải qua nhiều thế hệ. Ngay ngày đầu tiên của chế độ mới (3-9-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp". Chế độ cũ đã nuôi dưỡng trong con người nhiều thói xấu "lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta phải giáo dục lại nhân dân chúng ta"(4). Chủ nghĩa quan liêu và những thói xấu có nguồn gốc từ chế độ tư hữu bóc lột, áp bức, chuyên chế cần phải cải tạo, giáo dục một cách căn bản và lâu dài. Giáo dục trước hết là giáo dục ý thức về dân chủ, thực hành dân chủ trong toàn xã hội, nhất là đối với cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Đảng và chính quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phụ trách trước nhân dân. "Có người nói, mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy, nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ"(5). Người cho rằng "việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân", "có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn"(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thật tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình"(7).
Để cán bộ thật sự là công bộc của dân thì việc lựa chọn cán bộ là đặc biệt quan trọng. Vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều về sự lựa chọn cán bộ. Lựa chọn cán bộ phải dựa trên những tiêu chuẩn, những yêu cầu của nhiệm vụ. Đó phải là những người rất trung thành với lý tưởng, mục đích cách mạng, hăng hái trong mọi công việc, liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, có tinh thần phụ trách, giải quyết các vấn đề nhất là những lúc khó khăn, có sáng kiến, thất bại không hoang mang, thắng lợi không kiêu ngạo, luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Người nhấn mạnh: "Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo". "Để lựa chọn đúng cán bộ còn phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù", "Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi"(8). Thực tế cũng cho thấy, lựa chọn cán bộ không kỹ, giao việc không đúng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công việc, đến uy tín của Đảng, chính quyền đối với nhân dân.
Đại hội X của Đảng nêu rõ kinh nghiệm qua 20 năm đổi mới là phải chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ. "Phải tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng các chính sách. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài"(9). Vấn đề đánh giá cán bộ phải đặt lên hàng đầu. Đánh giá đúng thì lựa chọn đúng cán bộ, từ đó mà quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Đại hội X cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: "Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn có tình trạng "chạy chức", "chạy quyền", "chạy tội", "chạy bằng cấp". Thoái hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ"(10).
Để ngăn chặn nguy cơ đó, làm cho Đảng và chế độ mạnh lên, cần phải xiết chặt kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Một mặt, cần phải biểu dương, nêu gương, khen thưởng xứng đáng, có chính sách đúng đắn về đãi ngộ đối với những cán bộ, đảng viên, công chức tận tuỵ và có trách nhiệm trong công việc, hết lòng vì nước vì dân. Mặt khác, phải thi hành kỷ luật nghiêm với những cán bộ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu dân. Việc Uỷ ban kiểm tra Trung ương thông báo công khai những cán bộ, công chức bị thi hành kỷ luật vừa qua là rất cần thiết và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, được nhân dân đồng tình. Việc Hội đồng thi đua khen thưởng và Ban thi đua khen thưởng Trung ương sẽ không xét khen thưởng những cơ quan, đơn vị không tích cực cải cách thủ tục hành chính còn gây phiền hà đối với doanh nghiệp và nhân dân, cũng làm cho các cơ quan, cán bộ, đảng viên, công chức đề cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phải cất nhắc cán bộ cho đúng. "Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc"(11). Muốn cất nhắc, đề bạt cán bộ đúng cần phải đánh giá đúng cán bộ. Đại hội X của Đảng nêu rõ: "Đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Đánh giá cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, quan liêu và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí quan liêu. Không bổ nhiệm, đề bạt những người không đủ phẩm chất và năng lực, khoan dung những người thành thật sửa chữa sai lầm, khuyết điểm"(12).
Trong những năm qua, công tác cán bộ có một số đổi mới về nội dung và cách làm, trong đó đã "bước đầu tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào công tác cán bộ, nhất là ở cơ sở"(13). Việc làm đó là rất cần thiết vì cán bộ ở cơ sở là những người trực tiếp với nhân dân, nên nhân dân hiểu rõ hơn về họ. Đảng đã từng nêu cách làm là Đảng cử, dân bầu. Cách làm đó cần gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị cách đây 10 năm, cần được tiếp tục thực hiện nghiêm túc. Nhân dân cần được thảo luận dân chủ để lựa chọn cán bộ cho đúng. Ngay cán bộ lãnh đạo cấp trên, kể cả ở cấp Trung ương cũng cần có ý kiến của nhân dân. Đây cũng là chủ trương thực hiện thí điểm việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch xã. Cũng cần có sự tổng kết vấn đề này. Năm 2010 tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp. Bộ Chính trị đã có chủ trương thí điểm việc Đại hội Đảng bộ bầu trực tiếp bí thư. Đó là những đổi mới quan trọng trong công tác cán bộ. Làm sao để Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, thật sự lựa chọn được những người có đức, có tài hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Về việc nhân dân tham gia vào công tác cán bộ cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm. Người cho rằng, đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh vì họ nghe nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều. "Đối với cán bộ cũng vậy. Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng". "Vì vậy để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Đồng thời do sự dùi mài của dân chúng, cán bộ và dân chúng đều tiến bộ, lại do đó, cán bộ và dân chúng đoàn kết chặt chẽ thêm"(14). Người cũng nêu rõ, dân chúng không nhất loạt như nhau, có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu. Phải biết lắng nghe và phân tích chứ không được theo đuôi quần chúng. "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta"(15).
Để cán bộ, đảng viên, công chức thật sự là công bộc của dân, cùng với việc tăng cường giáo dục ý thức và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân coi trọng sự giám sát của nhân dân, và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, công chức tự tu dưỡng, rèn luyện mình còn phải tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng và tăng cường kỷ cương, pháp luật. Việc tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có tầm quan trọng đặc biệt.
Đạo đức Hồ Chí Minh có nội dung rất rộng lớn nhưng trước hết là hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Yêu nước, thương dân, suốt đời làm công bộc của dân là điều cốt lõi trong đạo đức Hồ Chí Minh.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức sẽ không ngừng tự bồi đắp cho mình biết bao điều tốt đẹp và cũng tự mình loại bỏ những gì là hư hỏng, để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân./.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
-------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.2, tr.270.
(2), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.56, 8
(3), (9), (10), (12), (13) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.125, 277, 263-264, 295-296, 266
(5), (6), (7), (8), (11), (14), (15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294, 295, 295, 275-276, 234, 274, 296, 297