Thứ Sáu, 29/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/2/2010 20:56'(GMT+7)

Văn hoá nhân văn!

Chương trình Nối vòng tay lớn Vì người nghèo năm 2009 - Ảnh minh họa

Chương trình Nối vòng tay lớn Vì người nghèo năm 2009 - Ảnh minh họa

Thế nhưng trong xã hội vẫn còn những người nghèo, những gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Họ bị vơi đi niềm vui, thậm chí có những người không có niềm vui xuân, bởi những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Với truyền thống đạo lý của dân tộc và trách nhiệm đối với dân, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chính sách lo tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình chính sách.

Trong dịp tết, hàng nghìn tỉ đồng, hàng vạn tấn gạo và nhu yếu phẩm khác… của Nhà nước đã được chuyển đến bà con. Không những thế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương cả tháng qua đã tổ chức các đoàn công tác đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để thăm và tặng quà tết cho bà con.

Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và các phó thủ tướng đã đi đến các địa phương, đến tận từng gia đình nghèo, gia đình chính sách để thăm hỏi, chúc tết và tặng quà tết. Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TPHCM và nhiều người đứng đầu các tỉnh, thành khác đã đến với người dân nghèo để tặng những món quà tết đầy ý nghĩa.

Đáng nói nữa là việc chăm lo tết cho người nghèo đã được xã hội hoá, trở thành một phong trào sâu rộng, một nếp văn hoá cao đẹp. Các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp, báo chí trong những ngày này đã và đang đến tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, các bệnh nhân nghèo đang phải đón tết trong bệnh viện…

Khi chia vui, niềm vui sẽ được nhân lên, được cộng hưởng thành niềm vui lớn. Khi được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vợi đi. Tất cả những việc làm trên đều xuất phát từ cái tâm của mỗi công dân, mỗi cán bộ viên chức, mỗi người lãnh đạo. Có thể có những món quà tết không có giá trị cao bằng tiền, nhưng giá trị tinh thần của nó lại không thể tính bằng tiền.

Vì đó là tấm lòng của con người với con người, là nét đẹp văn hoá “lá lành đùm lá rách”. Niềm vui xuân được con người mang đến cho nhau với sự cảm thông đã ít nhiều làm vợi đi nỗi buồn của những người nghèo, tăng lên niềm vui cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Với gia đình chính sách thì đó là sự tri ân, là cái tâm “uống nước nhớ nguồn”. Mỗi gia đình có thêm một niềm vui thì cả xã hội có niềm vui lớn. Vui thêm một lần, chất lượng sống của con người cũng tăng thêm một lần.

Tuy trong xã hội vẫn còn không ít người có thái độ bàng quan, dửng dưng trước hoàn cảnh khó khăn của người khác, nhưng thẳm sâu trong tâm hồn tuyệt đại đa số người Việt Nam, mạch ngầm văn hoá cội nguồn “lá lành đùm lá rách” vẫn chảy mãi không ngừng. Dòng chảy đó như chất bổ nuôi dưỡng niềm tin, niềm hạnh phúc được sống và làm việc trên một đất nước có chiều dày văn hoá nhân văn.

Bởi vậy, tặng quà tết cho người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…, không chỉ đơn giản là món quà, mà đó là văn hoá nhân văn của người Việt Nam. Khi nhiều niềm vui được nhân lên thì văn hoá nhân văn vượt trội và nó đẩy lùi những thứ văn hoá phi nhân văn khác./.

(Theo Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất