Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ hai mũi vaccine, yêu cầu Hà Nội kịp thời điều chỉnh bất cập trong việc cấp giấy đi đường.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 7/9 đến 17 giờ ngày 8/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.680 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh; 12.663 ca trong nước.
Số ca nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao (7.308 ca); tiếp đó là Bình Dương (3.172 ca); Đồng Nai (814 ca); Long An (372 ca); Tiền Giang (171 ca)... Trong số này có 7.851 ca trong cộng đồng.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 563.676 ca mắc COVID-19; trong đó 325.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 14.135 ca đã tử vong.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 4.053 ca; thở oxy dòng cao HFNC 1.210 ca; thở máy không xâm lấn 257 ca; thở máy xâm lấn 930 ca; ECMO 29 ca.
Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 6263/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Có thể tiêm hai mũi vaccine khác loại
Tối 8/9, Bộ Y tế cho biết, để thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất).
Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng, chống dịch, ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: “Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.
Thần tốc xét nghiệm phòng, chống dịch
Ngày 8/9, Bộ Y tế đã có công điện 1346/CĐ-BYT gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng về việc thần tốc xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; hạn chế phong tỏa trên phạm vi rộng và thực hiện tốt việc chăm sóc điều trị người nhiễm COVID-19.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đến ngày 15/9/2021, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác: lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình.
Tiếp tục xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.
Thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Xem xét, tổ chức thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu; tăng cường hướng dẫn người dân tự thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đã được tập huấn.
Khi tổ chức thực hiện lấy mẫu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Thực hiện việc gộp mẫu làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR phù hợp với tình hình thực tế.
Hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19
Ngày 8/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị COVID-19 để được điều trị theo yêu cầu, cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách nhà nước.
Các cơ sở y tế đề nghị cho phép được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Từ thực tế này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 1/9, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám, chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở y tế tư nhân, đảm bảo nguồn lực tài chính để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, cũng như kịp thời cứu chữa cho người dân bị mắc COVID-19, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.
Tình hình dịch bệnh đến 17h ngày 8/9
Trong nước:
- Số ca nhiễm: 563.676
- Số ca tử vong: 14.135, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 11.206, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 325.647
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.
Thế giới:
- Số ca nhiễm: 222.903.649
- Số ca tử vong: 4.603.035
- Số ca hồi phục: 199.461.542
Theo TTXVN