(TG) - Sau 2 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, đơn vị các cấp, các cơ quan báo chí của tỉnh Kon Tum đã thực hiện hàng ngàn buổi tuyên truyền trực tiếp, hàng trăm hội nghị, hàng trăm tin, bài và hàng ngàn tờ rơi, pa nô, áp pích để cung cấp kiến thức, thông tin, tuyên truyền về chủ đương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về khoa học, kỹ thuật; về gương điển hình, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, tiên tiến, hiệu quả cho hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào trên địa bàn toàn tỉnh.
Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Cuộc vận động, lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh- cơ quan thường trực Cuộc vận động cho biết: Triển khai thực hiện Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), UBMTTQVN và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động; Biên soạn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động bằng tiếng Kinh, Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai cung cấp cho đồng bào DTTS; tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, thu hút trên 720 người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo tham dự; tổ chức 84 hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động lồng ghép trong việc duy trì các mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với trên 2.000 lượt người tham dự; phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng các chuyên trang, phóng sự tuyên truyền về Cuộc vận động, đặc biệt là phóng sự về gương điển hình đồng bào DTTS tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Các cơ quan, đơn vị, như: Báo Kon Tum, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh xây dựng hàng trăm tin, bài về các mô hình điểm nuôi dê, nuôi heo, trồng các loại cây công nghiệp giá trị cao, mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng, mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại,… gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các địa phương, đơn vị đăng, phát trên Báo Kon Tum, sóng phát thanh, truyền hình để đồng bào DTTS học tập, làm theo.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền về Cuộc vận động cho hơn 10.000 người dân và đoàn viên thanh niên; đăng tải hơn 2.000 tin, bài trên website, Zalo, mạng xã hội facebook của đoàn, hội; phát hơn 1.050 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền, sách các loại, báo, bản tin thanh niên; tổ chức 13 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn, kỹ năng khởi nghiệp… cho hơn 765 thanh niên vùng đồng bào DTTS. Hội Nông dân tỉnh tuyên truyền trực tiếp tại 04 thôn của xã Mường Hoong, xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) cho 272 lượt người tham gia. Các huyện và cơ sở tổ chức 1.798 buổi tuyên truyền, vận động thu hút 42.380 lượt người DTTS tham gia. Hội LHPN các cấp tổ chức 214 đợt tuyên truyền, vận động, thu hút trên 30.000 hội viên tham dự và tổ chức 2.047 cuộc truyền thông tại cộng đồng về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hội Cựu chiến binh các cấp phối hợp xây dựng và phát sóng 15 bản tin, phóng sự, đăng 17 bài về gương CCB DTTS làm kinh tế giỏi và tổ chức các buổi tuyên truyền thu hút 15.442 hội viên đồng bào DTTS tham gia. Liên đoàn lao động các cấp tổ chức khảo sát 4.787 đoàn viên, người lao động là đồng bào DTTS để tuyền truyền về Cuộc vận động.
Các đơn vị lực lượng vũ trang, như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức 115 buổi tuyên truyền, vận động xây dựng làng văn hoá môi trường, không chăn nhốt gia súc gần nhà tại xã Đăk Ang, Đăk Kan- huyện Ngọc Hồi; xây dựng hàng rào, trồng và chăm sóc “Đường hoa”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei…, thu hút 15.721 lượt người tham gia. Công an tỉnh xây dựng các chuyên mục An ninh Kon Tum phát trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, tổ chức 2.768 đợt tuyên truyền, thu hút 470.741 lượt người tham gia. Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh gắn kết chặt chẽ với 13 xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể, sát thực với phương châm “ba bám, bốn cùng” (Bám trụ, bám dân, bám địa bàn; Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đứng chân trên địa bàn đưa 28 tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về hoạt động triển khai thực hiện Cuộc vận động trên khu vực biên giới tiêu biểu như: Phóng sự “Bộ đội Biên phòng tỉnh đồng hành cùng bà con DTTS phát triển kinh tế”; “Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “Hiệu quả từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm”,… tổ chức 793 buổi tuyên truyền về nội dung Sổ tay, thu hút được 65.012 lượt người tham gia; tuyên truyền qua phương tiện truyền thanh xã, thôn được 213 giờ, qua mô hình Tiếng loa Biên phòng được 528 giờ;…
Từ hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, giới thiệu những mô hình, điển hình tiên tiến, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; sự hỗ trợ về vốn, khoa học, công nghệ, công lao động,… của các địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhận thức của đồng bào DTTS về thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã có những chuyển biến tích cực, đời sông kinh tế- xã hội của đồng bào DTTS dần được nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm từng năm. Đến giữa năm 2023, đã có 12.307 hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 50%) thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn (làng) đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi, dạy con cháu, tự nguyện đưa con, em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, thay đổi dần cách thức lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất; Có 25.035 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo (đạt trên 99%) trên địa bàn tỉnh được tuyên truyền, phổ biến về nội dung Cuộc vận động; Có 13.646 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo (đạt gần 50%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; Có 10.992 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân tộc thiểu số trong tỉnh, có mô hình sản xuất ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti vi, xe gắn máy, điện thoại thông minh,…; Có 3.583 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo (đạt gần 13%) tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; Có 6.115 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo (cuối năm 2022, đạt trên 17%) và 2.149 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát hộ cận nghèo (đạt trên 3%).
Đánh giá chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, qua 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đồng tình, hưởng ứng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, từng bước đưa Cuộc vận động đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dần đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Việc xây dựng mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động hiệu quả đã tạo ra sức lan toả đối với các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi cách thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính nội lực của mình.
Lê Văn Châu
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum