Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 17/6/2010 16:28'(GMT+7)

KonPlông nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện huyện KonPlông

Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện huyện KonPlông

KonPlông là 1 trong 2 huyện nghèo của tỉnh Kon Tum được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm hộ nghèo nhanh và bền vững. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,23% tổng dân số toàn huyện.

Sau khi tái lập huyện (năm 2002), cùng với những khó khăn chung, Trung tâm Y tế huyện chuyển về trụ sở mới trong điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn; đội ngũ bác sỹ, cán bộ y tế cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn (ban đầu toàn huyện mới có 3 bác sỹ đa khoa, chưa có bác sỹ chuyên khoa); trang thiết bị phục vụ cho công tác khám chữa bệnh còn sơ sài, chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân còn hạn chế. Tình trạng mê tín dị đoan trong khám, chữa bệnh của nhân dân còn tồn tại nhiều; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao, tuổi thọ trung bình thấp…

Trước tình hình đó, cùng với sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của cấp trên, huyện đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân như ban hành Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện (Nghị quyết 07-NQ/HU của BCH khoá XV, Nghị quyết 04-NQ/HU của BCH khoá XVI); xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX về “củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Chương trình 94-CTr/TU của Tỉnh uỷ và Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.

Đồng thời, huyện đã có nhiều chính sách thu hút cán bộ ở các địa phương, sinh viên tốt nghiệp ở các trường y tế trong cả nước về công tác tại huyện; cử cán bộ y tế công tác ở các xã và tại Trung tâm y tế huyện đi đào tạo và đào tạo lại; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh của Trung tâm tâm y tế huyện và các trạm y tế xã…

Đến ngày 31/12/2009 đội ngũ cán bộ y tế toàn huyện đã có 123 người (bao gồm cả tuyến xã), trong đó có 06 Bác sĩ (02 Bác sĩ chuyên khoa I), 24 y sĩ đa khoa, 02 y sĩ sản nhi, 03 y sĩ Y học dân tộc, 21 điều dưỡng trung học, 18 điều dưỡng sơ học, 10 nữ hộ sinh sơ học, 05 dược sỹ trung học, 13 dược tá, 04 kỹ thuật viên, 17 cán bộ khác. Tổng số cán bộ y tế tuyến xã là 45 người. Bình quân mỗi trạm có 5 cán bộ y tế, trong đó 1 - 2 y sỹ. Số cán bộ dược có trình độ sơ học là 07 người/09 xã, 04/09 trạm có nữ hộ sinh sơ học và trung học, 01/09 trạm có y sỹ sản nhi.

Trong 03 năm từ 2007-2009 Trung tâm y tế huyện đã cử 41 cán bộ đi học chuyên môn ở các trường trong và ngoài tỉnh, trong đó có 20 cán bộ đi học các lớp đại học và chuyên khoa. Hiện tại có 34 cán bộ ngành y tế huyện đang theo học tại các trường, trong đó có 01 y sỹ đưa đi đào tạo Bác sĩ pháp y tại Hà Nội, 02 điều dưỡng trung học đi đào tạo lên cử nhân điều dưỡng và 14 y sĩ học chuyên tu lên bác sĩ. Qua đó, đã từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện. 100% các thôn, làng đều có cộng tác viên y tế hoạt động, hỗ trợ đắc lực cho các trạm y tế xã trong công tác vận động nhân dân thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Tính đến ngày 31/12/2009 trên địa bàn huyện có 74 nhân viên y tế thôn được đào tạo 03 tháng trở lên, nhờ đó đã góp phần không nhỏ trong công tác truyền thông bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Ngoài sự đầu tư về nhân lực cho các tuyến, Trung tâm y tế huyện còn thường xuyên tăng cường cán bộ về các trạm y tế cơ sở để hỗ trợ chuyên môn và các mặt hoạt động khác.

Đặc biệt, từ năm 2006-2009 được Dự án SIDA của Chính phủ Thụy Điển đầu tư; năm 2008-2012 được sự quan tâm đầu tư của Dự án chăm sóc sức khỏe của người nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (HEMA) triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, đã tổ chức được 14 lớp tập huấn về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Dự án GAVI hỗ trợ công tác y tế cơ sở. Dự án Quỹ toàn cầu đã triển khai phun hóa chất, tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống Sốt rét… tại 9/9 xã.

Bệnh viên huyện hiện đang được đầu tư xây dựng thêm các khoa điều trị cho bệnh nhân.

Hiện nay, toàn huyện đã có 11 cơ sở y tế khám chữa bệnh, trong đó có 01 bệnh viện, 09 trạm y tế xã và 01 phòng khám đa khoa khu vực. Trung tâm y tế huyện được xây dựng kiên cố đạt tiêu chuẩn của một bệnh viện hạng III với đầy đủ các khoa, phòng quy mô trên 50 giường bệnh, được trang bị 01 máy chụp X - quang, 02 máy siêu âm, 01 máy thở ôxy, 02 máy điện tim, 02 máy tạo ÔXY và một máy nén ÔXY; 01 lồng ấp sơ sinh, máy nội soi cổ tư cung. Có 08 trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, 01 trạm xây dựng bán kiên cố (trạm y tế ĐăkTăng do chưa quy hoạch được đất nên chưa xây dựng kiên cố) và được trang bị các thiết bị y tế cơ bản phục vụ cho công tác khám, cấp cứu và điều trị bệnh. Đến cuối năm 2009, trên địa bàn huyện đã có 1/9 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (trạm y tế xã Đăk Long).

Nhờ được đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh, cùng với nguồn nhân lực được nâng lên cả về số lượng và chất lượng; do vậy công tác chữa bệnh trên địa bàn huyện ngày càng đáp ứng nhu cầu trong nhân dân; số lượt bênh nhân đến trạm xá, bệnh viện để khám bệnh và điều trị ngày càng tăng. Công tác phòng, chống dịch bệnh sau các đợt thiên tai bão lũ, trong các mùa mưa, rét … được triển khai mạnh mẽ, kịp thời, nên không để xảy ra các vụ ngộ độc, dịch bệnh. Đặc biệt, giữa năm 2009, dịch cúm A (H1N1) diễn biến phức tạp trên toàn cầu và trong nước ta, trên địa bàn huyện có ca nghi nhiễm, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách phòng chống cúm A (H1N1) và đã kịp thời điều trị và dập tắt.

Công tác truyền thông - giáo dục sức khoẻ được tổ chức dưới nhiều hình thức: nói chuyện chuyên đề, panô, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức mít tinh, và các hình ảnh trực quan sinh động… để mọi người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: nằm mùng (màn), khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường, tự bảo vệ sức khoẻ; khi bị đau ốm phải đến trạm xá, bệnh viện để khám và điều trị kịp thời; hạn chế được tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về chữa bệnh. Trẻ em dưới 01 tuổi được đưa đi tiêm chủng 7 loại vắc xin phòng chống các bệnh thường gặp đạt tỷ lệ cao, năm 2009 có 91% trẻ em dưới 01 tuổi được đưa đi tiêm chủng, 95% số em trong độ tuổi 7-20 tuổi tham gia tiêm phòng sởi, số trẻ em sinh ra được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt tỷ lệ 89%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở huyện KonPlông cũng còn những khó khăn, hạn chế: đội ngũ cán bộ y tế có tăng về số lượng và chất lượng qua các năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp công tác khám chữa bệnh trong thời kỳ mới, nhất là việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào khám chữa bệnh còn hạn chế; 09/09 xã chưa có bác sỹ nên chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân chưa đảm bảo; sức thu hút của trạm y tế trong khám chữa bệnh còn thấp. Đội ngũ cán bộ y tế thôn làng chưa được đào tạo cơ bản theo yêu cầu; số cán bộ y tế thôn thay đổi liên tục qua các năm, do các khoản phụ cấp cho cán bộ y tế thôn còn quá thấp (70.000 đồng/người/tháng) một số cán bộ y tế thôn được đào tạo, bồi dưỡng qua các lớp lại bỏ việc, nên hoạt động chưa hiệu quả. Biên chế bác sỹ của huyện còn thiếu nhiều (6 bác sỹ/20.000 dân) so với số bác sỹ trung bình trong cả nước (7 bác sỹ/10.000 dân), đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa còn quá ít (02 bác sỹ chuyên khoa I), chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn, trong những năm tới huyện Kplông đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của Đảng bộ và chính quyền các địa phương về tầm quan trọng của y tế cơ sở; phấn đấu đến năm 2015 có 9/9 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Làm cho cộng đồng dân cư và từng gia đình nắm được những kiến thức cơ bản về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ, những hiểu biết về phòng chống suy dinh dưỡng, về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi; những thói quen giữ gìn vệ sinh cộng đồng, gia đình và bản thân; bảo vệ và cải thiện môi trường sống.

- Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, làm tốt công tác phát triển Đảng, nhất là đối với cán bộ y tế trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về ngành y; thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

- Thực hiện phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; công tác phòng chống dịch bệnh ở cơ sở phải chủ động, kịp thời không để các bệnh truyền nhiễm bộc phát thành dịch. Tăng cường công tác thông tin, giáo dục truyền thông và quản lý chặt chẽ các bệnh xã hội; từng bước loại trừ và thanh toán các bệnh xã hội trong cộng đồng ở cơ sở.

- Đổi mới phương thức hoạt động trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân của Trung tâm y tế và các trạm y tế xã; nâng cao năng lực quản lý cho các trưởng trạm y tế. Kế hoạch hoạt động của ngành y tế từ huyện đến xã được xây dựng trên cơ sở những nguồn lực sẵn có và giải quyết cụ thể những vấn đề sức khoẻ của nhân dân. Xây dựng và quản lý tốt hoạt động của nhân viên y tế thôn, làng, tiến tới thực hiện phương thức quản lý sức khoẻ theo hộ gia đình. Tiếp tục có kế hoạch đưa đi đào tạo, hoặc đào tạo lại đội ngũ nhân viên y tế từ huyện đến xã, thôn nhằm thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

- Hằng năm có kế hoạch tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo giải quyết kịp thời những khó khăn trong vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Lồng ghép công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Trước mắt, KonPlông còn không ít khó khăn, song bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cả về y thuật và y đức, tạo sự hài lòng ngày càng cao của người bệnh ở tất cả các tuyến. Cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, KonPlông tiếp tục coi trọng công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhất là hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Võ Thị Mỹ Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất