Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 2/12/2013 12:26'(GMT+7)

Văn hóa, những điều trông thấy...

Nhà vườn An Hiên ở Cố đô Huế là địa điểm tham quan thích thú của du khách. (Ảnh: Mai Linh/QĐND)

Nhà vườn An Hiên ở Cố đô Huế là địa điểm tham quan thích thú của du khách. (Ảnh: Mai Linh/QĐND)

Trong hành trình đi đến tương lai, dân tộc ta luôn đề cao việc giữ gìn, tôn vinh và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Chính vì thế, sau nhiều lần, nhiều năm bị các nước lớn ở phương Bắc và phương Tây xâm lược đô hộ, dân tộc ta đã ngoan cường đấu tranh giành lại độc lập và vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đồng thời, cũng biết chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nước ngoài để làm giàu có thêm vốn liếng văn hóa của nước nhà. Làm được điều ấy chẳng dễ dàng chút nào vì kẻ xâm lược thường áp dụng chính sách ngu dân với nước thuộc địa để dễ bề cai trị và sâu xa hơn là họ muốn nuốt chửng những giá trị văn hóa truyền thống của ta. Ở Việt Nam, không xảy ra tình trạng “kẻ đi xâm lược bị xâm lược” về văn hóa nhưng may mắn và tuyệt vời thay, nhìn chung, những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc ta cũng không bị nghiền nát, hòa tan, hay đồng hóa dưới tác động khá bạo liệt và dữ dội của văn hóa “ngoại bang”. Điều ấy nói lên sức mạnh tiềm tàng của văn hóa dân tộc; có những thời kỳ chúng ta bị mất nước nhưng phải khẳng định rằng, chưa có kẻ thù nào dù mạnh bạo hung tàn đến đâu, chinh phạt, chiếm cứ được nền văn hóa dân tộc ta.

Chính vì lẽ đó, mà hôm nay, không ít người trong chúng ta bị giật mình, cảm thấy không yên ổn chút nào khi những dấu hiệu, hành vi làm tổn hại đến những giá trị văn hóa truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều. Lẽ nào, trong văn hóa thời nay lại có "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du) như vậy.

1. Lợi dụng tiền nhân để mua danh cho mình

Sự tôn vinh của nhân dân đối với các anh hùng cứu nước, các danh nhân văn hóa thuộc về tư tưởng và tình cảm của số đông các thành viên trong cộng đồng xã hội. Không ít trường hợp, các nhân vật lịch sử đó được nhân dân huyền thoại hóa nhưng yếu tố hiện thực vẫn là phôi liệu chính. Tư tưởng yêu nước thương dân nồng nàn, cống hiến tài năng cho đất nước là điểm chung quan trọng bậc nhất có ở các anh hùng, danh nhân này. Đó là niềm tự hào và tấm gương để noi theo của hậu thế. Tuy nhiên, nếu ai đó mượn tên tuổi tiền nhân để mua danh cho mình là điều không thể chấp nhận được. Chúng ta hẳn chưa quên một người làm thơ làng nhàng đã dám lấy đức độ, tài danh của vị minh quân thời Trần, cũng là một thi nhân, một Đức Phật Việt-người sáng lập ra Trúc Lâm thiền phái để gán vào tập thơ của mình. Thơ ấy, dù đã được một số kẻ du dương tụng ca nhưng theo tôi, không phải là thơ Thiền, càng không phải là hồn cốt, anh linh của bậc tiền nhân đáng kính nhập vào. Tiền nhân “dùng bút” của kẻ hậu thế để bày tỏ tấm lòng hay kẻ hậu thế đã dám lấy tên tuổi của tiền nhân "đánh bóng" danh phận mình? Thử hỏi, hành vi ấy là để gìn giữ tôn vinh giá trị văn hóa của ông cha hay là bôi lem, phá hoại những điều tốt đẹp đã được định danh từ hàng trăm năm nay?

2. Trùng tu hay phá hoại?

Theo thời gian, không ít công trình văn hóa của cha ông ta để lại bị mai một, xuống cấp hay hư hỏng. Việc trùng tu, khôi phục các di tích lịch sử ấy là cần làm, nên làm. Mỗi công trình văn hóa cổ, kể từ mái đình, ngôi chùa, nhà thờ, văn bia, bức tượng... đều mang trong nó dấu ấn, hồn vía, tiếng nói của lịch sử. Đó là một phần tinh hoa quá khứ dân tộc được bảo lưu lại trong những vật thể và cả những cái phi vật thể. Trùng tu công trình văn hóa cổ không có nghĩa là làm sai lệch những giá trị đã có và càng không phải lấy mới thay cũ. Vật liệu mới, công nghệ mới, con người thực hiện của hôm nay nhưng tiêu chuẩn bất di bất dịch của công việc khôi phục trùng tu là phải giữ được nét xưa, hồn cũ. Thế mà, có những công trình cổ sau khi trùng tu, người ta không còn nhận ra đấy là gì nữa. Những giá trị văn hóa của quá khứ bị bức tử, người làm công việc trùng tu trở thành kẻ phá hoại.

3. Lễ hội: Nhiều - nhàm - nhạt

Mấy năm gần đây, rất nhiều lễ hội được tổ chức ở nước ta. Có những lễ hội mang tầm vóc quốc gia và có cả những lễ hội của vùng miền. Văn hóa truyền thống, trong đó có phong tục tập quán, sinh hoạt cộng đồng, yếu tố tín ngưỡng, tâm linh... được thể hiện rõ nét trong các lễ hội. Có lễ hội từ xưa để lại và có lễ hội là sản phẩm của thời nay. Tôi có cảm giác nước ta đang bị lạm phát lễ hội trong khi nền kinh tế đang muôn vàn khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp. Khá nhiều màn khai hội na ná nhau về kịch bản, cách thể hiện. Xem một vài lần, xem một vài nơi còn thấy hay hay, chứ lặp đi lặp lại nhiều lần cái kiểu biểu diễn tích tuồng như sân khấu ấy mãi cũng nhàm, nhạt và chán.

4. Hòm công đức khắp nơi

Ở đâu có đình chùa... ở đó có hòm công đức. Điều ấy thiết nghĩ, chẳng có gì sai trái. Đồng tiền đóng góp vào hòm công đức mang tâm nguyện của người đến đình chùa cầu khấn điều may mắn an lành. Giá trị của nó nằm ở sự thiện nguyện, tấm lòng thành tâm của người đóng góp chứ không phải ở số tiền nhiều hay ít. Một nghìn đồng của người nghèo bỏ vào hòm công đức cũng có giá trị ngang bằng một tỷ đồng của người giàu có, nếu cả hai đều thành tâm trước các đấng thiêng liêng. Điều đáng buồn hiện nay là không ít đình chùa có quá nhiều hòm công đức. Những chiếc hòm vuông vuông đặt nơi thờ tự nghiêm ngắn vừa vô tình phá vỡ không gian chốn linh thiêng vừa có cái gì đó thực dụng trần tục. Theo tôi, mỗi đình chùa nên chỉ có một hòm công đức mà thôi. Lại còn có cái kiểu nhét tiền vào tay, vào chân tượng nữa chứ. Người ta đem cái trần tục đặt vào nơi thoát tục, thật không đẹp chút nào.

5. Tín ngưỡng và mê tín: Ranh giới mong manh

Thờ cúng tổ tiên là một nét văn hóa truyền thống rất tốt đẹp của dân tộc ta. Nó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tôi không hình dung nổi mỗi ngôi nhà Việt sẽ ra sao khi không có bàn thờ tổ tiên ông bà. Có thể nói, dù sang hèn khác nhau nhưng gia đình nào ở nước mình cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở vị trí trang trọng nhất. Rất nhiều người tin rằng, có một thế giới khác ngoài thế giới ta đang sống. Đó là thế giới của người âm. Tục gọi hồn, áp vong xuất phát từ quan điểm như vậy. Tôi tin đến một lúc nào đó, khoa học sẽ có những kiến giải rành mạch về thế giới khác ấy. Linh hồn là gì, phải chăng nó là một dạng vật chất đặc biệt có thể phát sóng theo những tần số nào đó mà những nhà ngoại cảm xuất sắc có thể thu nhận được (?!). Thế mới có những cuộc giao lưu, trò chuyện giữa người sống và người chết. Nhưng mà thôi, đó là chuyện khoa học. Điều tôi muốn nói ở khía cạnh khác. Đừng nên lẫn lộn chuyện tín ngưỡng với mê tín dị đoan. Tôi thấy, dân ta bây giờ sao thích đốt đồ hàng mã đến thế. Hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng tiền thật mua hàng giả (nhà lầu, xe hơi, xe máy, ti vi, máy tính... cả người đẹp nữa làm bằng giấy) bị hóa thành lửa khói. Lửa tắt, khói bay và cuối cùng chỉ còn lại những đống tàn tro. Tổ tiên, ông bà ta chắc chẳng vui gì khi con cháu lãng phí như thế.

Mới thấy, ranh giới giữa tín ngưỡng với mê tín mới mong manh làm sao!./.

Thanh Khê (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất