Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 19/2/2012 8:23'(GMT+7)

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Hoàng Tích Chù (18/2/1912 – 18/2/2012)

Có mặt trong lễ kỷ niệm, họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu: “Trong suốt cuộc đời hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình, Họa sĩ Hoàng Tích Chù đã có rất nhiều đóng góp lớn lao cho nghệ thuật Hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam trong việc cách tân sử dụng màu sắc, bố cục và phản ánh cuộc sống con người Việt Nam. Là một trong số ít các tác giả được ghi nhận và nổi tiếng ở thể loại sơn mài cả trong nước và thế giới.”

Họa sĩ Hoàng Tích Chù sinh ngày 18/2/1912 (mùng 1 tết Nhâm Tý) tại Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Lên 10 tuổi ông ra Hà Nội ở trọ nhà người họ hàng. Năm 20 tuổi ông làm cho một gánh kịch để lấy tiền học vẽ. Sau khi diễn vở “Con Mèo đen” ông bị nhà trường bắt thôi học.

Năm 24 tuổi ông vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 11 (1936 – 1941) cùng học với ông còn có các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Tỵ, Bùi Trang Chức, Trần Văn Lắm. Ngày từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường ông đã sớm bộc lộ tài năng của mình. Ông đã được mời đi vẽ ở Campuchia về Ăngco, Xiêm Riệp và đã đoạt giải thưởng Ăngco.

Trong thời gian đi học, ông đã tham gia hoạt động cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Bình dân trong Hội truyền bá quốc ngữ, làm công tác trí thức vận và công vận đỏ ở xưởng in. Sau khi tốt nghiệp ra trường ông mở xưởng vẽ sơn mài ở Hà Nội. Cách mạng tháng Tám thành công,cả nước sục sôi trong tinh thần khởi nghĩa giành chính quyền, họa sĩ Hoàng Tích Chù đã tham gia vào Hội Văn hóa cứu quốc và sáng tác nhiều tranh cổ động như :”Độc lập hay là chêt”, kỷ niệm 1 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ông vẽ tác phẩm Nữ sinh cắp tráp Vịnh Hạ Long và đã đoạt giải thưởng của Chính phủ.

Năm 1946 ông cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ được Nhà nước giao thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Toàn quốc kháng chiến ông lại cùng các văn nghệ sĩ khác lên Việt Bắc hoạt động trong xưởng tranh khắc mộc, ban kịch Phương Đông, vào Vệ quốc đoàn. Năm 1949, ông theo bạn vào Hà Nội làm việc, theo Nguyễn Bắc, hoạt động bí mật tại nội thành Hà Nội. Ngày 1/5/1953, ông được kết nạp Đảng. Ngày 23/4/1953, ông bị địch bắt nhưng vẫn giữ được lòng kiên trung với Đảng, quyết không khai báo để rồi cuối năm đó địch phải trả tự do cho ông. Trở về, dù bị quản thúc ông vẫn tiếp tục hoạt động bí mật cho tới ngày giải phóng.Tháng 9/1955, ông được cử đi dự Liên hoan Thanh niên Thế giới Vác - sơ – vi (Ba Lan), ông nhận được bằng khen trong triển lãm đồ họa ở Ba Lan và CHDC Đức, được đi giao lưu văn hóa với các nước Liên Xô, Trung Quốc.

Năm 1956, ông về công tác giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, làm chủ nhiệm khoa Sơn mài từ 1965 – 1966. Cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, họa sĩ Hoàng Tích Chù đã sáng tác được rất nhiều tác phẩm đoạt được giải thưởng Nhà nước như: Cảnh chùa Thầy năm 1943; Tổ đổi công cấy lúa (100x70) 1958; ba tác phẩm sơn dầu sáng tác năm 1957: Dốc bản Cang (60x50) Núi Na Bun (Đồng Mỏ) (khổ 73x60), sinh hoạt bản Cang (khổ 61x47), Tổ đội sửa chữa ôtô (85x120) 1959. Tại cuộc triển lãm 12 nước XHCN ở Mat-xơ- cơ- va 1958 – 1959 và triển lãm các nước xã hội chủ nghĩa anh em ở Đông Âu 1959 – 1960 ông đã được trưng bày 03 tác phẩm: Tổ đổi công cấy lúa, Sinh hoạt bản Cang, Người đánh giặc – Người gặt chiêm vẽ trên giấy Điệp; Các tác phẩm tranh sơn mài: Cấy lúa, Bác Hồ trồng cây với các cháu thiếu nhi, Đêm hậu cứ (165x89) – 1966, Bác hồ vui tết Trung thu, Gặt lúa giúp dân, Mùa gặt 1970, giã gạo (50x40) – 1972; Thiếu nữ và tranh dân gian – sơn dầu, Ra bãi tập – Khắc gỗ màu. Tiếng hát hòa bình, Giã gạo, Xóm ngoại thành đã đoạt giải thưởng Thăng Long của hội LH VHNT VN 1990, Nhịp điệu – sơn mài đoạt giải nhì triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Ngoài ra còn nhiều tác phẩm hội họa khác của ông trong thời gian qua.

Ghi nhận những công lao đóng góp không biết mệt mỏi, Ngày 1/9/2000, nguyên Chủ tích nước Trần Đức Lương đã kí quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2) cho họa sĩ Hoàng Tích Chù cho các tác phẩm: Tổ đội công cấy lúa – sơn mài (1958), Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi – sơn mài (1966), Đêm hậu cứ - sơn mài (165x89) – 1966. Những sáng tác của ông thể hiện bằng chất liệu sơn mài về Bác Hồ, về kháng chiến, phong cảnh quê hương với tình cảm trong sáng và có công phu khai thác vốn nghệ thuật sơn mài Việt Nam, đạt tính nghệ thuật cao. Ông có công lao giảng dạy, đào tạo nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trở thành những họa sĩ tên tuổi của Việt Nam ngày nay.

Tuấn Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất