Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 15/2/2012 19:6'(GMT+7)

Về Quảng Nam xem Rước cộ Bà

Lễ hội ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết về một người con gái họ Nguyễn tên Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Dần (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Khi sinh ra, Bà có những điểm khác lạ, là con nhà giàu có, dáng người khỏe mạnh đẹp người, đẹp nết, được nhiều người yêu mến, quý trọng… Bà mất ngày 19 tháng 1 năm Đinh Sửu (1817), dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình. Trước cảnh “sa thủy hữu tình” Bà hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp, làm nghề đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh và kêu gọi nhân dân lập chợ. Lâu ngày dân chúng đến mua bán đông đúc và trở thành chợ, tên gọi Chợ Được ra đời từ đó.

Để tri ân công đức Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ ngày đêm hương khói. Năm Mậu Tuất (1898), triều đình Huế ban sắc phong “Tề Thực Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”; năm 1924 Vua Khải Định lệnh tặng cho Bà “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”; năm Đinh Mão (1927) vua Bảo Đại gia tặng “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”. Hằng năm vào ngày mồng mười và mười một tháng Giêng âm lịch (ngày nhận sắc phong đầu tiên), làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà và khoe sắc (rước sắc phong), người dân khắp nơi về dự xem và tham gia các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống…

Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng những nghi thức cúng bái lễ hội rước cộ Bà vẫn không hề thay đổi. Vào những ngày trước khi diễn ra lễ hội người dân các thôn xóm của xã Bình Triều ai cũng tất bật với việc dựng cộ của làng mình, kẻ góp công người góp của để tạo lên Cộ với những nét riêng độc đáo nhất. Ngoài các nghi thức cúng tế được tổ chức buổi sáng thì rước cộ là nghi lễ cuối cùng trong diễn trình lễ hội Bà được tiến hành vào tối 11 tháng giêng âm lịch. Cộ được rước từ đền thờ Bà đi một vòng xung quanh chợ cho mọi người chiêm bái sau đó tiếp tục diễu hành qua 13 tổ của 4 thôn trong xã trước khi quay về lại lăng Bà. Đi trước là đội lân mở đường theo sau lần lượt gồm Cộ của các thôn với những trang trí, hóa trang tái hiện lại các trích đoạn lịch sử như Quang Trung đại phá quân Thanh, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo … do các em thiếu nhi trong làng hóa trang đóng vai, đi sau cùng là kiệu rước tượng Bà và các bậc bô lão chức sắc dân làng theo hầu. Có thể nói, Cộ là sự kết tinh tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa, trang trí, tạo hình, diễn xướng … đậm chất dân gian.

Năm nay lễ hội diễn ra quy mô lớn với 6 Cộ diễu hành gồm: Cộ hoa trang trí thành tựu 15 năm tái lập tỉnh Quảng Nam; Cộ “Bác Hồ ở Bắc Pó”; Cộ “Hai Bà Trưng cỡi voi đánh trận”, Cộ “Lý Công Ẩn dời đô về Thăng Long”; Cộ “Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống” và Cộ nghinh rước Bà. Nét độc đáo của lễ rước cộ thể hiện ở sự thành tâm kính cẩn của mỗi người dân nơi dây khi tất cả các gia đình đều bày hương án, hoa quả nghinh đón khi đoàn rước cộ ngang qua.

Tái hiện cảnh Hai Bà Trưng đánh giặc. Ảnh: VL


Tuy đời sống của người dân làng Phước Ấm đã thay đổi nhiều nhưng sản vật dâng lên Bà vẫn đơn sơ thành kính; những mâm hoa quả vẫn là chủ đạo. Những cụ già dù bước chân đã run vẫn kính cẩn quỳ lạy 2 tay dâng lên hòm công đức số tiền ít ỏi tằn tiện của mình. Hầu như những tệ nạn ăn theo lễ hội, chặt chém khách, mâm cao cỗ đầy rượu thịt không hề xuất hiện nơi đây dù con cháu, khách thập phương giàu có bao nhiêu. Với họ, lễ rước cộ Bà là một nghi thức tín ngưỡng tâm linh thuần túy là dịp để tỏ lòng tri ân công đức tiền nhân, những người đã có công khai sơn phá thạch vùng đất này.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, bô lão của làng thì lễ vật cốt ở lòng thành đâu cần phải mâm cao cỗ đầy “heo, bò làm gì khi mà lòng không tịnh, tiền bạc vung vãi trên hòm công đức mà tâm không thành thì khác gì báng bổ thần linh”.

Còn ông Trần Ngọc Đội, Trưởng Phòng VHTT huyện cho biết, điều cốt yếu nhất của Lễ Rước cộ Bà không chỉ là hoạt động tâm linh văn hóa truyền thống của người dân thể hiện sự hoài vọng về mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp; tri ân những bậc tiền nhân có công khai phá đất đai, lập làng lập chợ mà còn là một hoạt động mang tính cộng đồng sâu sắc nhằm cố kết những người dân quê, con cháu lại với nhau sau một năm tất bật với những công việc của mình. Dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại nhưng những giá trị tâm linh của lễ hội vẫn được người dân làng Phước Ấm gìn giữ, phát huy trở thành chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ người dân nơi đây.
“Trước khi lễ hội diễn ra chúng tôi đã có những quy định rõ ràng về điều gì được làm và không được làm từ đó có những chấn chỉnh kịp thời nhằm đảm bảo lễ hội diễn ra một cách trọn vẹn nhất”- Ông Đội cho biết. Tuy nhiên, cũng theo ông Đội, sự thành kính và ý thức của người dân mới chính là điều quan trọng nhất để đảm bảo lễ hội diễn ra thành công công.

Việc gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội rước cộ Bà góp phần để lễ hội thật sự là một hoạt động tín ngưỡng tâm linh của người dân vào mỗi dịp đầu năm.

Vĩnh Lộc (Quảng Nam)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất