Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 30/5/2019 13:47'(GMT+7)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ lão thành cách mạng Huy Cận

(Ảnh: VGP)

(Ảnh: VGP)

Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành, TP. Hà Nội, các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Các câu chuyện, tham luận tại lễ kỷ niệm đã đánh giá, tôn vinh những đóng góp nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà, đồng thời nhìn nhận lại quá trình nghiên cứu, tiếp nhận Huy Cận và tiếp tục tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại.

Nhà thơ Huy Cận sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học và truyền thống yêu nước ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Thuở nhỏ, ông được gia đình cho ăn học bài bản, khi học hết bậc trung học và đậu tú tài Pháp thì ông ra Hà Nội học Trường Cao đẳng Canh nông...

Từ năm 1936-1941, ông vừa học, vừa sáng tác thơ và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Hà Nội và đến năm 1942 thì tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh.

Khi Cách mạng tháng Tám thành công ông lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng. Ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời (gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận) đi vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Khi mới 26 tuổi, ông làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ đó, ông liên tục giữ các trọng trách trong Chính phủ cho đến lúc nghỉ hưu như Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ; Bộ trưởng đặc trách Văn hóa - Thông tin...

Từng là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới, nhưng kể từ khi tiếp nhận ánh sáng của lý tưởng cộng sản, cuộc đời Huy Cận đã rẽ sang một bước ngoặt lịch sử mới. Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã trở nên đằm thắm, sâu nặng nghĩa tình, ấm áp, tươi vui...

(Ảnh: VGP)

Trong lĩnh vực nghệ thuật, nhà thơ Huy Cận từng đảm nhận các vị trí như: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Chủ tịch Hội Nhà văn Á - Phi; đồng Chủ tịch Đại hội Văn hóa toàn Thế giới; Ủy viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; Phó Chủ tịch tổ chức hợp tác văn hóa - kỹ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp (ACCP), thành viên Viện Hàn lâm thơ thế giới.

Thời gian càng ngày càng chứng tỏ Huy Cận không chỉ là một nhà thơ lớn mà còn là nhà văn hóa, nhà hoạt động văn hóa xuất sắc với những đóng góp không nhỏ cho cách mạng, đất nước.

Phong cách và tầm vóc nhà thơ Huy Cận qua từng thời kỳ, toàn bộ hành trình thơ cùng những đóng góp của Huy Cận cho thơ Việt Nam hiện đại đã được thể hiện qua những đóng góp trên phương diện lý thuyết, hoạt động thực tiễn, ứng xử trước yêu cầu của thời đại, dân tộc và quốc tế.

Qua đối ngoại văn hóa, ông đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng của nhà hoạt động chính trị, kiến thức uyên bác của nhà hoạt động văn hóa tài ba, góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn thế giới và đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc.../.

(VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất