Tối 20/2, tại Nhà văn hóa Xuân Diệu, huyện Can Lộc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu (2/2/1916-2/2/2016) và chương trình nghệ thuật “Quê mình quê thơ.”
Dự lễ kỷ niệm có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Bình Định; các nhà văn, nhà thơ trong cả nước, thân nhân nhà thơ Xuân Diệu và đông đảo người dân huyện Can Lộc.
Nhà thơ Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, bút danh Trảo Nha, quê ở làng Trảo Nha, xã Đại Lộc nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông sinh ngày 2/2/1916 tại quê mẹ ở làng Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Nổi tiếng tại phong trào Thơ Mới, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới,” “ông hoàng của thơ tình."
Gần 70 năm có mặt với đời và hơn nửa thế kỷ dâng hiến cho thơ ca, Xuân Diệu đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, có giá trị lâu dài, ở nhiều thể loại như thơ, văn xuôi, phê bình nghiên cứu, báo chí, dịch thuật... Ở thể loại nào ông cũng giành được những thành tựu lớn, mang đậm dấu ấn riêng.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983, được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996). Tên của ông đã trở thành tên nhiều con đường, trường học trong cả nước.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi hào Xuân Diệu là dịp để tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn của ông cho nền văn học nước nhà cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cả nước.
Ngay sau lễ kỷ niệm là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quê mình quê thơ” với sự biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng và Đoàn ca múa nhạc Trung ương.
Chương trình nghệ thuật bao gồm những tác phẩm đặc sắc về quê hương Hà Tĩnh và Bình Định, những câu hò ví giặm, điệu bài chòi đã một lần nữa khẳng định mối lương duyên và nghĩa tình sâu nặng giữa hai địa phương, hai miền văn hóa hòa quyện tạo nên nhân cách thơ Xuân Diệu. Nhiều bài thơ của Xuân Diệu đã được phổ nhạc như "Chiều," "Vội vàng" cũng được thể hiện./.
Theo TTXVN