Thứ Tư, 27/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 20/5/2015 10:50'(GMT+7)

Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hoạt động thiết thực

Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc”. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật “Cha, con và Tổ quốc”. (Ảnh: Ly Kha/TTXVN)

Tổng kết 4 năm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác

* Chiều 18/5, tại Hà Nội, Ðảng ủy Công an T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðại tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Công an chủ trì hội nghị.

Qua bốn năm thực hiện Chỉ thị 03 trong lực lượng CAND, nội dung này trở thành việc làm thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực; được gắn kết với phong trào "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy", thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Trần Ðại Quang nhấn mạnh, cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng Ðảng, xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.

* Ngày 19/5, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua bốn năm thực hiện Chỉ thị 03, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 404 tập thể và 677 cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng ở cấp huyện và tương đương; ba tập thể và năm cá nhân có hình ảnh, việc làm cụ thể, tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác được Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị Bảo tàng Hồ Chí Minh chọn để trưng bày tại triển lãm cấp Trung ương năm 2014-2015.

Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác; tiếp tục sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tổ chức giảng dạy chính khóa trong nhà trường chương trình giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh.

* Ngày 19/5, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03, Tỉnh ủy Bình Thuận biểu dương 30 tập thể và 52 cá nhân tiêu biểu, điển hình đại diện cho 15 Đảng bộ trực thuộc. Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở Bình Thuận ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với nhiều nội dung, phương thức phong phú và đa dạng, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc,... của địa phương. Những tập thể, cá nhân được biểu dương lần này chính là những điểm sáng để được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

* Ngày 19/5,  tỉnh Điện Biên tổ chức hội nghị tổng kết bốn năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Theo đánh giá của Tỉnh ủy Điện Biên, qua bốn năm thực hiện, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã thay đổi, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện làm theo tấm gương của Bác, góp phần rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong việc xử lý các vấn đề nổi cộm ở cơ sở, mỗi địa phương, cơ quan đơn vị đã lựa chọn 1-2 vấn đề bức xúc để giải quyết, bước đầu thực hiện có kết quả. Điển hình như huyện Tuần Giáo với công tác quản lý bảo vệ rừng; thành phố Điện Biên Phủ tập trung giải quyết những khó khăn, bức xúc trong công tác giải phóng mặt bằng; huyện Mường Nhé giải quyết tốt việc thực hiện sắp xếp ổn định dân cư vùng biên giới…

Từ năm 2011 đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 03 gắn với các phong trào thi đua yêu nước đã tạo không khí thi đua sôi nổi. Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác”; Hội Nông dân với phong trào “Xây dựng nông thôn thôn mới"; Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với khẩu hiệu “Mỗi cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên mỗi ngày làm một việc tốt”…Tại hội nghị, nhiều tấm gương tiêu biểu đã giao lưu, phổ biến kinh nghiệm, những cách làm hay của đơn vị, cá nhân mình với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ghi nhận kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã tặng Bằng khen cho 14 tập thể, 24 cá nhân. Đáng chú ý là phần lớn các tập thể, cá nhân được vinh danh đều là những chi bộ, cơ quan đơn vị và cá nhân công chức, viên chức, người lao động từ cơ sở.

Phong phú hoạt động kỷ niệm ở trong nước

* Chiều 18/5, UBND TP. Cam Ranh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tổ chức triển lãm “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 100 bức ảnh tư liệu về Bác Hồ (cùng 20 bức ảnh về Cam Ranh) được sắp xếp theo hành trình con đường cách mạng của Người, từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước... 
 
* Tối cùng ngày, tại Tượng đài Bác Hồ, TP. Cam Ranh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn chương trình nghệ thuật kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời ca, điệu múa ca ngợi công ơn Bác Hồ, cùng những hình ảnh về cuộc đời sự nghiệp của Bác đã bồi đắp thêm tình yêu của người dân đối với vị lãnh tụ kính yêu.

* Tối 19/5, tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã công diễn chương trình nghệ thuật “Ca ngợi Tổ quốc”. 
Chương trình quy tụ gần 100 nghệ sỹ và diễn viên múa chuyên nghiệp, giới thiệu hai tác phẩm đồ sộ về lĩnh vực nhạc giao hưởng và ballet mới được hoàn thành trong năm 2015 là bản giao hưởng bốn chương “Miền Đông thành đồng” của nhạc sỹ Vĩnh Lai và Tổ khúc múa “Tổ quốc,” biên đạo nghệ sỹ Hà Thế Dũng, Lương Xuân Thành, Tạ Thùy Chi.

Phần một gồm bốn chương nhạc, “Miền Đông thành Đồng” tái hiện bức tranh lịch sử về quá trình đấu tranh khốc liệt với tinh thần quật cường của dân tộc qua các thời kỳ chống quân xâm lược giải phóng đất nước. Đặc biệt, qua âm điệu đặc trưng của vùng miền Đông Nam Bộ,  sự anh dũng, quả cảm vượt qua gian khó đã được các nghệ sỹ khắc họa một cách sâu sắc và ấn tượng. Bên cạnh đó, các nghệ sỹ còn thể hiện được tinh thần hào sảng, khí thế hiên ngang, đậm tình đồng bào, đồng chí, vững tin từng bước xây dựng cuộc sống mới với niềm tin tươi sáng về tương lai dân tộc, về Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.

Phần hai là Tổ khúc múa “Tổ quốc” gồm 4 phần, tái hiện bức tranh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổ khúc múa đưa khán giả đến với nhiều hoạt cảnh sinh động, tinh tế, khắc họa rõ nét tinh thần bất khuất của nhân dân cả 3 miền trong quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc.

* Ngày 19/5, tại Hội trường trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, chương trình nghệ thuật được tổ chức công diễn, khắc họa giai đoạn lịch sử quan trọng, mang nhiều dấu ấn trong cuộc đời của Bác cùng với thân phụ tại vùng đất Bình Định. Người dân Bình Định tự hào vì là địa phương mà 2 cha con Bác Hồ đã gặp nhau, tạm biệt nhau trước khi Bác lên đường tìm đường cứu nước. Khắc họa giai đoạn quan trọng này trong cuộc đời của Bác, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo để công diễn, quảng bá cho người dân Bình Định và đồng bào cả nước biết đến.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người đã soạn, đạo diễn nhiều vở diễn thành công về Bác Hồ được chọn làm tác giả kịch bản, tổng đạo diễn của chương trình. Chương trình chỉ gói gọn trong khoảng 2 giờ trên sân khấu, nhưng đã khắc họa khá sâu sắc, đậm nét và nhiều cảm xúc cho người dân về thời kỳ Bác Hồ sinh sống và học tập tại phủ Quy Nhơn cùng với thân phụ của Người, Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Tri huyện Bình Khê. Sau nhiều tháng chuẩn bị, luyện tập, chương trình đã được công diễn thành công và đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với người dân Bình Định.

Qua chương trình nghệ thuật này, nhiều người dân Bình Định càng hiểu thêm về Bác, càng có thêm điều để tự hào về Bác và về vùng đất quê hương Bình Định mà sử sách cho đến nay vẫn ít đề cập đến....Những diễn biến dồn dập diễn ra trong vòng hơn một năm Nguyễn Tất Thành sinh sống tại Quy Nhơn, Bình Định đã góp phần tạo nên khí phách thiên tài của Bác mà cho đến nay vẫn ít người biết.
 
Kỷ niệm sinh nhật Bác ở nước ngoài

* Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), ngày 18/5, Đại sứ quán nước ta tại Mexico phối hợp với Đại học Tự trị Quốc gia của Mexico (UNAM) đã tổ chức tọa đàm và chiếu phim tài liệu về thân thế và sự nghiệp Bác Hồ tại hội trường mang tên Hồ Chí Minh thuộc Khoa Kinh tế, với sự tham đông đảo của sinh viên và giáo viên UNAM.

* Cùng ngày, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh cùng đông đảo cán bộ Đại sứ quán và đại diện ban liên lạc Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore, cộng đồng người Việt tại Singapore, hội sinh viên và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại đã làm lễ dâng hoa tại tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Công viên bảo tàng văn minh châu Á bên bờ sông Singapore nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người.

* Cũng nhân dịp này, tại thành phố Zalaegerszeg, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã lọng trọng tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện chính quyền địa phương, lãnh đạo Đảng bộ Đảng Xã hội Hungary thành phố Zalaegerszeg, Hội hữu nghị Hung – Việt, cán bộ nhân viên Đại sứ quán, đại diện các tổ chức hội, đoàn người Việt Nam tại Hungary, cùng đông đảo nhân dân thành phố Zalaegerszeg.

Lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được kết hợp tổ chức khánh thành công trình tôn tạo và nâng cấp quần thể tượng tài Bác Hồ. Đây là công trình nghệ thuật của một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất của Hungary, Maron László (1925 - 2008). Từ năm 1976, công trình này đã trở thành một phần không thể thiếu của kiến trúc thành phố Zalaegerszeg, biểu tượng của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary...

* Ngày 19/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phối hợp với Hội hữu nghị Nga-Việt, các tổ chức hội đoàn của người Việt, cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga đã long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Nguyễn Thanh Sơn cùng toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán kính cẩn dâng hương tại Phòng thờ Bác trong khuôn viên Đại sứ quán. Tiếp đó, tại Tượng đài Hồ Chí Minh trên Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga cùng đông đảo bà con cộng đồng, lưu học sinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại Nga, các em nhỏ là học sinh trường Phổ thông 282 (nay là Đơn vị số 3 thuộc Trường Trung học số 1500 mang tên Pushkin) và các bạn bè Nga đã làm lễ đặt hoa, kính cẩn nghiêng mình trước tượng đài Bác Hồ. 

Tại khuôn viên Khoa Phương Đông trường Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg, Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch. 

* Chiều 19/5, nằm trong chương trình “Theo dấu chân Bác” nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Hội hữu nghị Việt Nam-Thái Lan đã phối hợp với Hội hữu nghị Lào-Việt Nam, Hội hữu nghị Thái Lan-Việt Nam tổ chức thăm và dâng hương tại Khu lưu niệm Người tại làng Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, Lào.

* Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lễ dâng hương được tiến hành tại nhiều nơi: trước bàn thờ Bác tại trụ sở Đại sứ quán, số 9 ngõ Compoint và trước tượng Bác tại công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Paris.

Sau lễ dâng hương tại Đại sứ quán, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu đã tới thăm và đặt hoa trước cửa nhà số 9 ngõ Compoint, nơi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1921-1923 vì độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Tiếp đó, với sự tham dự của lãnh đạo thành phố Montreuil và một số bạn bè Pháp, đoàn đã đến đặt hoa trước tượng Bác tại Bảo tàng Lịch sử sống, trong khuôn viên công viên Montreau. Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã ôn lại chặng đường gian khó tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi rời quê hương để làm phụ bếp trên còn tàu “Đô đốc Latouche Tréville”.


TG tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất