Chủ Nhật, 8/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 26/12/2022 11:33'(GMT+7)

Kỳ vọng từ phương châm cán bộ "có vào, có ra, có lên, có xuống"

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai" luôn là nguyên tắc từ những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta.

Cũng bằng quyết tâm chính trị rất cao, Đảng đang tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” dành cho cán bộ quản lý cấp cao đang nhận được niềm tin, kỳ vọng rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Vì sao nói phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” nhận được nhiều kỳ vọng? Đó là bởi công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, là then chốt của then chốt. Nghĩa là việc thành công hay thất bại đều bởi cán bộ. Chính bởi vậy, quan điểm cán bộ “có vào, có ra, có lên, có xuống” đã được đề cập từ nhiều năm trước.

Tháng 11/2012, khi thảo luận việc ban hành Nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến này. Nghị quyết 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cũng đưa ra định hướng: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ”…

Quan điểm, định hướng đặt ra là vậy. Tuy nhiên, như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu rõ tại Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII rằng “cơ bản là chưa thực hiện được".

Thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, có xu hướng cán bộ khi được sắp xếp quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí trong bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị, dường như rất khó “ra”, rất khó “xuống".

Việc bố trí các chức danh cho cán bộ hầu như đều theo hướng đi “lên” hay ít nhất là đi ngang chứ khó có việc cán bộ đi “xuống", trừ khi bị kỷ luật. Thậm chí đâu đó còn có những cán bộ, đảng viên dù vi phạm kỷ luật nghiêm trọng nhưng vẫn hằng ngày thực hiện công tác lãnh đạo quản lý, bất chấp điều tiếng dư luận xã hội. Chỉ khi bị xử lý, những trường hợp này mới buộc phải “ra, xuống” khỏi vị trí.

Thực tế này đã phản ánh dường như tại một số nơi, một số chỗ, các yếu tố về chất lượng cán bộ như năng lực, phẩm chất và uy tín chưa được coi trọng, chưa đặt ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ đó thuộc “lợi ích nhóm". Bởi vậy, dư luận nảy sinh tâm lý hoài nghi, thiếu tâm phục, khẩu phục, thiếu đồng tình cao. Thậm chí còn "râm ran" mặc định rằng có thế nào thì những cán bộ có khuyết điểm nghiêm trọng đó “rồi cũng sẽ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại".

Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, kể cả cấp chiến lược, sau khi “được vào, được lên” lại có sai phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật về mặt Đảng, thậm chí phải xử lý hình sự.

Điều đó có thể thấy từ báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây: kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, hai Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 7 tổ chức đảng.

Trước thực tế đòi hỏi, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Tại thông báo này, Bộ Chính trị nêu rõ: “Việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ".

Bộ Chính trị cũng hướng dẫn việc bố trí cán bộ bị miễn nhiệm, từ chức thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo các định hướng cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, việc áp dụng không chỉ trong phạm vi cán bộ quản lý cấp cao mà còn áp dụng rộng rãi cho cán bộ tất cả các cấp, không chỉ ở các cơ quan đảng, đoàn thể mà còn ở các cơ quan hành chính.

Không khó để nhận thấy trong Thông báo số 20-TB/TW mà Bộ Chính trị đưa ra, ngoài việc tăng cường tính kỷ luật để bảo đảm sự nghiêm minh, còn là sự trông đợi và đòi hỏi của Đảng đối với bản thân mỗi người cán bộ. Đó là phải có sự tích cực, năng động, cố gắng phấn đấu cao hơn nữa khi được quy hoạch, bổ nhiệm. Trong các cơ quan, đơn vị, mỗi người cũng sẽ có thêm cơ hội được thay thế cấp trên nếu bản thân mình thể hiện rõ sự phấn đấu và khi cấp trên không được bổ nhiệm lại hoặc bị “đưa xuống".

Mặt khác, việc này cũng mở đường cho những cán bộ mắc sai lầm có cơ hội sửa chữa, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung. Đó chính là tính nhân văn trong Thông báo số 20-TB/TW.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây đã khẳng định cùng với xử lý nghiêm sai phạm, phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: "Có vào, có ra, có lên, có xuống". Đó là việc bình thường.

Vừa qua, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Đảng. Ba chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bị miễn nhiệm.

Tinh thần ấy đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã tin tưởng, ủng hộ và cho rằng, đây là một bước tiến mới quan trọng, hứa hẹn tạo nhiều thay đổi tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới đây. Những cán bộ lãnh đạo quản lý rồi đây sẽ không còn chuyên quyền, cậy thế trên cương vị lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị. Và cũng đã đến lúc, việc "có lên, có xuống, có vào, có ra" phải trở thành một điều hết sức bình thường trong công tác cán bộ./.

HẠNH QUỲNH (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất