Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 11/9/2016 9:23'(GMT+7)

Lạc Thủy vận dụng sáng tạo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống


Sau hơn 1 năm tổ chức thành công Đại hội lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng bộ huyện Lạc Thủy ( tỉnh Hòa Bình) đã sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tạo ra chuyển động mới ở vùng đất sơn thủy hữu tình này. 

Lạc Thủy đang là huyện đứng trong tốp đầu 11 huyện, thành phố ở tỉnh Hòa Bình về phát triển du lịch, thu hút đầu tư và mở rộng vùng cây ăn quả có múi. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hai đợt mưa lũ vừa qua, nhưng 8 tháng đầu năm 2016, huyện mien núi Lạc Thủy vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Các điểm thắng cảnh, di tích đón gần nửa triệu lượt khách du lịch. Huyện có 6 nhà đầu tư thuê đất sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư 82,3 tỷ đồng và tổng diện tích thuê đất trong cụm là 20,72 ha. 

Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Phạm Tiến Dũng cho biết: Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2020, Lạc Thủy cơ bản đạt mức khá của tỉnh Hòa Bình. Để thực hiện được điều này, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ huyện được tổ chức thành công vào đầu tháng 8/2015, Huyện ủy đã quán triệt tới 15 Đảng bộ cơ sở với hơn 5.000 đảng viên là không nghỉ “xả hơi”, mà xắn tay ngay vào việc, xây dựng chương trình hành động cụ thể với những đề án, nghị quyết khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mang tính đột phá, có tính khả thi cao và được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Với tiềm năng, thế mạnh từ hệ thống sông, suối, hồ, đập và núi, hang động hùng vĩ của hàng chục di tích văn hóa lịch sử..., huyện Lạc Thủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Nghị quyết đã được cụ thể hóa bằng các đề án về quy hoạch, quản lý các hoạt động du lịch, lễ hội; thu hút đầu tư và huy động mọi nguồn lực xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, thắng cảnh, tâm linh. Theo đó, những điểm đến quen thuộc, hấp dẫn như: Di tích lịch sử cách mạng địa điểm Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê; Di tích khảo cổ học hang Đồng Thớt, động Tiên; Di tích danh lam thắng cảnh quần thể hang động Chùa Tiên (Phú Lão); Di tích thắng cảnh hang Luồn, Nhà thờ xứ đạo Khoan Dụ, Nhà thờ Đồng Danh (Phú Thành); các khu du lịch sinh thái hồ Đồng Tâm, Minh Ngọc, làng Đá Bạc đang từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, tôn tạo để đưa vào phục vụ du khách. Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng về du lịch, chú trọng nâng cao các loại hình dịch vụ. 

Lạc Thủy có dân số trên 6,5 vạn người, trong đó trên 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn, trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trước đây, cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, khoai, sắn nên thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn. Huyện đã xây dựng và triển khai Dự án “Phát triển vùng cây có múi, cải tạo vườn tạp” trên địa bàn huyện. Theo đó, dự án lựa chọn các xã: Phú Thành, Hưng Thi, Liên Hòa để xây dựng mô hình điểm với cây trồng chính là cam lòng vàng và cam Canh đường. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 220 ha cam, 13 ha bưởi đỏ, bưởi da xanh, 45,4 ha bưởi Diễn và 7 ha nhãn chín muộn. Từ khi cho thu hoạch đến nay, năng suất, sản lượng, chất lượng cam trên địa bàn huyện luôn ổn định, đầu ra cho sản phẩm thuận lợi. Từ hiệu quả của dự án, nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn trong huyện đã xoá bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích cây có múi để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, kinh tế trang trại phát triển mạnh, toàn huyện có nhiều mô hình cho thu nhập cao, có 42 trang trại đạt tiêu chí mới, thu nhập bình quân hàng năm đạt 620 triệu đồng/trang trại; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.645 lao động địa phương. 

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản phù hợp với các địa bàn có diện tích chân ruộng trũng, ao, hồ, đập và nằm ven con sông như: Yên Bồng, Khoan Dụ, Phú Thành, Thanh Nông, Thanh Hà, Đồng Tâm, Liên Hòa, An Lạc được khuyến khích phát triển... Hiện nay, trên 600 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của huyện đem lại sản lượng khai thác hàng năm bình quân trên 630 tấn, với giá trị sản xuất bình quân đạt 100 -120 triệu đồng/ha. 

Lạc Long là xã “vùng lõi” của huyện, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, dịch vụ manh mún, nhỏ lẻ, nông nghiệp vẫn được xác định là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế- xã hội của xã. Đồng chí Bùi Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Long, cho biết: Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã, Đảng ủy xã đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, chi tiết để triển khai Nghị quyết đến 147 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ. Đặc biệt, sau khi nghiên cứu nghị quyết về phát triển cây ăn quả của Huyện ủy, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nông dân, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải tạo vườn tạp, phát triển vườn cây ăn quả phù hợp với tình hình thực tế mang lại giá trị thu nhập cao. Với sự chỉ đạo sát sao, hướng về cơ sở, nhiều đảng viên tại các chi bộ đã tiên phong đi trước, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. 

Hiện tại, toàn xã đã chuyển 5 ha đất vườn tạp sang trồng cây có múi như cam, bưởi, chanh đào. Đảng ủy cũng chỉ đạo các chi bộ không nên triển khai nghị quyết một cách máy móc, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân phá bỏ vườn tạp, phát triển cây ăn quả, các xóm căn cứ vào chất đất, dựa trên thực tế để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mạnh dạn tìm tòi đưa vào những cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, nhiều diện tích đất bãi, ruộng 1 vụ được người dân chuyển sang trồng ngô lai, bí xanh, thanh long... Đa dạng cây trồng, tận dụng tối đa diện tích đất, năm 2015, kinh tế xã Lạc Long có bước phát triển đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 25,2 triệu đồng/năm, đạt 101,2% so với kế hoạch huyện giao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,4%, đời sống nhân dân từng bước cải thiện. 

Ở xã Phú Lão, xã đầu tiên của huyện Lạc Thủy, cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã ghi nhận tính tiên phong gương mẫu của của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ hiến đất làm đường giao thông nông thôn đến việc làm giàu chính đáng. Chủ tịch UBND xã Phú Lão Đinh Văn Lục cho biết: Đảng viên Trần Hoài Nam, Nguyễn Thị Kim Oanh ở xóm 7 làm kinh tế vườn đồi , trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi gia cầm cho thu nhập mỗi năm từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng; đảng viên Mầu Quế Dương ở xóm Lão Ngoại kinh doanh du lịch đạt doanh thu trên 2,5 tỷ đồng. 

Tiếp tục đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy Phạm Tiến Dũng cho biết: Trong những tháng cuối năm 2016, Lạc Thủy tiếp tục củng cố, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Huyện tập trung vào các lĩnh vực như: giải ngân nguồn vốn các dự án; chủ động xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017; quản lý môi trường, xử lý rác thải; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao vào đầu tư; hoàn thiện các thủ tục để Lạc Thủy trở thành điểm du lịch cấp quốc gia theo đúng lộ trình. 

TTXVN 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất