Thứ Ba, 24/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 25/4/2010 14:17'(GMT+7)

Lách luật hay thực thi yếu kém?

Nhan nhản điểm bán hàng vi phạm

Trường Đại học Y tế cộng đồng vừa công bố kết quả nghiên cứu “Điều tra tình hình thực hiện quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá ở Việt Nam” trên 10 tỉnh, thành phố tại 3 miền của cả nước, gồm: Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Đồng Tháp. Theo đó, tại các tuyến phố và điểm công cộng, tình hình thực thi qui định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá rất tốt, bằng chứng là hầu như không có trường hợp vi phạm. Ngược lại, tại các điểm bán, tỷ lệ vi phạm qui định hiện hành về cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá rất cao, khoảng 95%. Trong đó, tỷ lệ vi phạm về quảng cáo cao (67,2%), gấp 2,4 lần tỷ lệ vi phạm đồng thời về quảng cáo và khuyến mại thuốc lá (28,1%); còn tỷ lệ điểm bán không vi phạm quảng cáo hay khuyến mại thuốc lá tương đối ít (4,6%).

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trưng bày quá 1 bao (gói) hoặc quá 1 tút (hộp) của một nhãn thuốc là hình thức vi phạm quảng cáo có tỷ lệ vi phạm cao nhất (91,2%); quầy/tủ trưng bày thuốc lá có gắn/in biểu tượng/logo/màu sắc nhãn hiệu thuốc lá đứng thứ hai (41,5%), tiếp theo là các loại thuốc lá có nhiều loại hương vị (20,5%), mẫu sản phẩm có nhiều màu sắc chỉ thị (19,2%), đóng gói hai bao dính liền (15,9%).

Về các hoạt động khuyến mại thuốc lá, tỷ lệ vi phạm quy định cấm khuyến mại thuốc lá phổ biến tại các điểm bán là gói nhỏ ít hơn 20 điếu (18,8%), giá khuyến mại (5,9%), mua nhiều giảm giá (5,2%). Ngoài ra, các công ty thuốc lá cũng tiến hành nhiều hoạt động tài trợ như: hoạt động tài trợ cho đội bóng, cho buổi biểu diễn nghệ thuật, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ lũ lụt, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá và cấp học bổng cho học sinh nghèo.

Chúng ta có thể thấy tất cả các hộp bán hàng ở các quầy hàng do các công ty thuốc lá tài trợ có in những màu sắc rất giống màu vỏ bao thuốc lá và kèm theo các khẩu hiệu để quảng bá cho sản phẩm của họ. Việc người ta quảng cáo như vậy sẽ rất hấp dẫn đối với giới trẻ, nhìn màu sắc bắt mắt, hình ảnh đẹp của bao thuốc thì các em rất tò mò, muốn hút thuốc. (ThS. Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ WHO tại Việt Nam)

Theo nghiên cứu của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH), đối tượng tham gia quảng cáo thuốc lá nhiều nhất chính là người bán thuốc lá tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng các tủ bán và xe đẩy mang màu sắc, nhãn hiệu của các sản phẩm thuốc lá, không có đăng ký kinh doanh, cũng không am hiểu nhiều quy định của pháp luật và phần lớn trong số họ là những người nghèo. Vì vậy, việc áp dụng các chế tài để xử lý hầu như không thực hiện được và dường như không có hoạt động thanh tra, kiểm tra về quảng cáo thuốc lá của cơ quan chức năng tại cửa hàng của họ và vì thế, họ cũng chưa bao giờ bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt về quảng cáo thuốc lá trong trường hợp họ vi phạm.

Những “lỗ hổng” cần khắc phục

Nghị quyết 12 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đã ghi rõ, cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả việc sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của các sản phẩm thuốc lá với các sản phẩm và dịch vụ không liên quan tới thuốc lá; Nghiêm cấm tổ chức các hoạt động tiếp thị và các qui định có liên quan.

Năm 2005, Việt Nam tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo quy định của FCTC, đến năm 2010, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ Điều 13 của FCTC - cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.

Tuy nhiên, theo Ths. Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ của WHO, so với Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá thì Việt Nam còn hổng mảng tài trợ - chúng ta chưa cấm hoàn toàn mảng tài trợ. Thêm vào đó, theo ông Lâm, phương pháp hiệu quả mà thế giới đã áp dụng là cấm hoàn toàn việc trưng bày, tức là ở điểm trưng bày người ta chỉ ghi: ở đây có bán thuốc lá. Còn ở Việt Nam, việc quy định cho trưng bày 1 bao (gói) hoặc quá 1 tút (hộp) của một nhãn thuốc cho thấy chưa có hiệu quả. Trong khi đó, việc thực thi pháp luật gặp không ít khó khăn do không đủ lực lượng để kiểm tra và xử phạt.

Nhiều chuyên gia cũng đề xuất, nên tiếp tục xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, trong đó qui định cụ thể về cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá và xây dựng một cơ chế thực thi hiệu quả giữa các ban, ngành. Mặt khác, cần nâng cao ý thức, nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá./.

(Theo: Khương Lực/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất