Như tin đã đưa, sáng 17/8, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” dưới sự chủ trì và điều hành của các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, tại Hội nghị, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.
Các đại biểu dự Hội nghị.
Hội nghị thống nhất, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp nhằm khơi dậy khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Hai là, xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tham luận.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; đa dạng nội dung và cách thức công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, các nền tảng truyền thông hiện đại; số hóa dữ liệu trong quản lý, lưu trữ, khai thác các tư liệu, ấn phẩm lịch sử. Nghiên cứu xây dựng chuyên đề phù hợp, phổ biến, sinh hoạt chính trị tại các chi bộ, tổ chức đảng.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử. Có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác. Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm chủ động, kịp thời, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử cũng như các hoạt động khác.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác; phát huy, nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, tạo sức lan tỏa trong xã hội về lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng của dân tộc, ý thức đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu tham luận.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG "KHOÁN TRẮNG" CÔNG TÁC LỊCH SỬ ĐẢNG CHO BAN TUYÊN GIÁO CẤP ỦY CÙNG CẤP
Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, qua Báo cáo sơ kết và những ý kiến tham luận của các đại biểu cho thấy, 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn do tình hình quốc tế, khu vực biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt là những tác động tiêu cực do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với đời sống mọi mặt của nhân dân ta, nhưng các cấp ủy đảng địa phương đã nhận thức sâu sắc và kịp thời triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW phù hợp với tình hình mới. Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Đến nay, chúng ta đã có hàng nghìn công trình lịch sử Đảng các thể loại được xuất bản với chất lượng ngày càng cao. Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực thông qua nhiều hoạt động và được đưa vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân...
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, những thành quả đạt được trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ; bồi dưỡng lý tưởng và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái và luận điệu phản động của các thế lực thù địch…
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị.
Cùng với khẳng định những kết quả đã đạt được, Hội nghị đã nghiêm túc nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW. Trong đó có tình trạng một số cấp ủy vẫn còn "khoán trắng" công tác lịch sử Đảng cho ban tuyên giáo cấp ủy cùng cấp; chồng chéo về chỉ đạo, hướng dẫn đối với cấp ủy và ban tuyên giáo cấp ủy cấp dưới; số công trình có chất lượng cao chưa nhiều; việc tổ chức biên soạn, xuất bản các bộ văn kiện lịch sử đảng bộ địa phương và việc số hóa tư liệu triển khai còn chậm, gặp nhiều khó khăn; việc sử dụng các ấn phẩm lịch sử Đảng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác lịch sử Đảng còn mỏng, nghiệp vụ chưa cao, thiếu chuyên sâu; chưa có văn bản hướng dẫn về chế độ tài chính trong công tác lịch sử Đảng…
Từ kết quả của Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh ủy, thành ủy, Viện Lịch sử Đảng và Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy cần tiếp tục tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; coi đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trọng tâm, cấp bách và lâu dài…
Các đại biểu dự Hội nghị.
Thứ hai, thường trực cấp ủy các cấp phải coi công tác lịch sử Đảng là một nhiệm vụ chính trị, đưa vào kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy nhằm tạo sự chuyển biến rõ hơn về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Cấp ủy đảng mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần chỉ đạo xây dựng đề án riêng về công tác này, nhằm tạo ra bước đột phá, có tính bài bản, hệ thống… góp phần làm cho lịch sử Đảng thực sự trở thành "Pho lịch sử bằng vàng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và "thấm sâu vào tâm trí cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ" như Chỉ thị 20-CT/TW đã chỉ rõ. Đồng thời chỉ đạo nghiêm túc, đầy đủ các quy định, quy trình về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản công trình lịch sử Đảng; chấn chỉnh tình trạng một số địa phương "thuê khoán" các tổ chức tư nhân (dưới những tên gọi như công ty, viện nghiên cứu…) không có chuyên môn sâu về lịch sử, dẫn tới tình trạng thương mại hóa trong nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các công trình lịch sử…
Các cơ quan, ban, bộ, ngành chức năng của Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác trao đổi, phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo trong chỉ đạo, hướng dẫn về nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Thứ ba, các cơ quan chuyên môn và cơ quan tham mưu cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm để tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy đảng về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị…
Quang cảnh Hội nghị.
Thứ tư, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể: 1) Nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác lịch sử Đảng theo hướng gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. 2) Quan tâm nghiên cứu những "khoảng trống" trong lịch sử Đảng và tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực sau 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới; xây dựng và triển khai các đề án số hoá các tư liệu lịch sử Đảng và đề án sưu tầm tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử… 3) Tăng cường sử dụng kết quả nghiên cứu lịch sử Đảng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch… 4) Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng theo hướng ổn định, lâu dài, chuyên nghiệp…/.
Tin, ảnh: THẾ HOÀNG