(TG)- Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có
những chuyển biến tích cực; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát
triển đảng viên được các cấp uỷ đảng quan tâm; chức năng, nhiệm vụ, mối
quan hệ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố,
hoàn thiện...
Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt Nghị quyết, đồng thời xây dựng Chương trình hành động số 56-CTr/TU để triển khai thực hiện thực hiện, và xác định xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ. Hầu hết các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc đã tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động triển khai thực hiện ở cấp mình cụ thể và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực; công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên được các cấp uỷ đảng quan tâm; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của từng loại hình tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố, hoàn thiện; nội dung, hình thức hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng từng bước được đổi mới, nâng cao; nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến, ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, nhiều tổ chức cơ sở đảng tiến hành nội dung sinh hoạt chuyên đề để đánh giá vai trò của tổ chức đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ.
Công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên ở địa bàn dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo được quan tâm, đem lại những kết quả cụ thể; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ được lãnh đạo thực hiện, mang lại kết quả bước đầu, nhất là chú ý đến số lượng, cơ cấu tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên được đã bám sát thực hiện theo kế hoạch, chương trình của cấp uỷ; đã chú trọng công tác tự kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên, trong đó chú trọng công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm. Việc thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp uỷ - Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã bước đầu đã đem lại kết quả, trong đó, quy chế dân chủ cơ sở tiếp tục được tăng cường và phát huy; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tiền phong gương mẫu, thực hành tiết kiệm của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng lên…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, đó là: Trên địa bàn tỉnh, vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa thực sự coi trọng vai trò, vị trí then chốt của công tác xây dựng đảng, nên chưa dành thời gian hợp lý cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng; công tác học tập, quán triệt chưa sâu, kỹ, thường xuyên; việc sắp xếp, hoàn thiện các mô hình tổ chức cơ sở đảng còn chậm; năng lực lãnh đạo ở một số tổ chức cơ sở đảng, chi bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là năng lực cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương chưa tốt. Có nơi vai trò lãnh đạo của chi bộ, tổ chức đảng ở cơ sở chưa được phát huy; sức chiến đấu ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao, chưa đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ đảng, nhất là cấp uỷ cơ sở chưa được quan tâm thường xuyên, chất lượng còn thấp, chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đảng viên vi phạm; chất lượng đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên chưa cao.
Chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa cao, chưa quan tâm xây dựng, rèn luyện toàn diện năng lực, phẩm chất, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lớp cán bộ trẻ kế thừa ở các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở, vùng khó khăn, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc; tỷ lệ đảng viên là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố còn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 31,9%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, song có thể nói có nguyên nhân khách quan, đó chính là sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, cơ chế chính sách có mặt chưa bảo đảm và cả những khó khăn trong sinh hoạt, công tác… Tuy nhiên, về mặt chủ quan cho thấy, chất lượng giáo dục; quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ; việc tạo môi trường để cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện, phấn đấu; công tác quản lý, đánh giá cán bộ đảng viên; xây dựng ý thức nêu gương và tự giác rèn luyện phấn đấu, cống hiến trong cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp…còn những tồn tại cần phải khắc phục kịp thời.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW và Chương trình hành động 56-CTr/TU trong thời gian tới, các cấp ủy đảng trong toàn tỉnh xác định và tập trung vào những vấn đề trọng yếu sau:
Trước hết, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tổ chức cơ sở đảng - cầu nối giữa Đảng và nhân dân, có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; lấy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở để làm thước đo kết quả công tác xây dựng Đảng. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, chọn những nội dung, cách tổ chức quán triệt Nghị quyết cho phù hợp với yêu cầu thực tế ở từng địa phương, đơn vị, bằng các hình thức phù hợp. Đối tượng quán triệt ngoài diện rộng cho tất cả cán bộ đảng viên, trong đó, xác định trọng điểm là cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Thứ hai, rà soát lại chương trình, kế hoạch về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những mặt hạn chế, khuyết điểm tồn tại trong thời gian qua để bổ sung cho phù hợp. Trên cơ sở đó, phân công, theo dõi tổ chức thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp uỷ đảng, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ trong điều kiện hiện nay, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện trên tất cả các hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở.
Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các tổ chức đảng cho phù hợp với thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động, quy chế phối hợp hoạt động để có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Các huyện, thành uỷ có kế hoạch chỉ đạo đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, tổ dân phố để tập trung tăng cường các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, giải quyết các mối quan hệ của loại hình này. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá hoạt động Đảng uỷ cơ quan chính quyền, Đảng uỷ cơ quan đảng, đoàn thể mới thành lập, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và các nguyên tắc khác trong sinh hoạt đảng. Tập trung quản lý, phân công, giao nhiệm vụ cho đảng viên, tạo điều kiện để đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm của mình; động viên quần chúng giám sát, đóng góp ý kiến đối với đảng viên theo quy định. Thực hiện việc đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm đúng quy định, đúng thực chất.
Thứ năm, gắn thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), nhất là nâng cao nhận thức, có biện pháp, lộ trình khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm, tạo điều kiện để thực hiện cơ chế giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, gắn với yêu cầu nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào quần chúng ở địa phương. Qua thực hiện để xây dựng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm nảy sinh để uốn nắn, rèn luyện cán bộ, đảng viên...
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp; thực hiện công tác giám sát trước, kiểm tra sau nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để có hướng xử lý, khắc phục. Chú trọng công tác kiểm tra đảng viên chấp hành điều lệ trước khi kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Trong kiểm tra, lấy xây dựng là chính, nhưng đồng thời nghiêm túc kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định của Đảng. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sai phạm có kế hoạch, biện pháp, thời gian sửa chữa khuyết điểm cụ thể để làm cơ sở cho việc phúc tra khắc phục khuyết điểm sau kiểm tra.
Thứ bảy, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện có; đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá, thể chế hoá và từng bước nhất thể hoá chức danh cán bộ, gắn với việc kiện toàn các cấp uỷ đảng trong toàn Đảng bộ. Xác định rõ chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của từng cấp uỷ viên, tạo cơ sở để đánh giá đúng thực chất cán bộ, đảng viên thông qua hoạt động tại cơ quan, địa phương, đơn vị.
Thứ tám, xây dựng lộ trình và thực hiện có hiệu quả các đề án về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trong các ban đảng, các doanh nghiệp, khu dân cư, vùng đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo; phấn đấu sớm đạt mục tiêu xoá chi bộ ghép và kiên quyết không để hiện tượng tái trắng đảng viên ở những nơi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa...
Lê Khắc Phượng
Văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng