Thứ Bảy, 21/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 13/9/2013 22:29'(GMT+7)

Ninh Thuận: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ngày 13/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy Ninh Thuận thống nhất đề ra phương hướng, mục tiêu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2014-2015 là: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6-7%/năm; tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh (nho, táo, mía, sắn, hành tỏi) và nuôi bò, dê, cừu; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cân bằng sinh thái; phát triển khai thác hải sản xa bờ theo hướng bền vững; quản lý, sử dụng diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất theo hướng bền vững, phấn đấu độ che phủ của rừng đạt 45% vào năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến muối và sản xuất các sản phẩm sau muối, bảo đảm đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến muối. Chuyển dịch lao động nông, lâm, thủy sản sang công nghiệp, dịch vụ còn 60% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020; tỉ lệ lao động có chuyên môn, kỹ thuật qua đào tạo, tự học, truyền nghề... đạt trên 45% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020; cơ bản giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng tỉ lệ thời gian sử dụng lao động của lực lượng lao động trong độ tuổi ở nông thôn trên mức 85%; giảm tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn xuống dưới 9% vào năm 2015 và còn 5% vào năm 2020; phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân nhân khẩu nông thôn đạt trên 22 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 và 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2020...

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, hội nghị xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cư dân nông thôn, gắn với phát triển làng nghề, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; xây dựng liên minh liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức nông dân, ngư dân gắn với chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Chương trình xây dựng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề bức xúc ở nông thôn; khẩn trương hoàn thành xây dựng, phê duyệt Quy hoạch chi tiết các xã thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện qui trình sản xuất các loại cây trồng đặc thù của tỉnh; nghiên cứu thử nghiệm các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nhằm gia tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...

Xác định rõ tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Dũng chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền phải luôn đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời đề xuất những chủ trương, giải pháp triển khai các chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; chọn ra những khâu đột phá và chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện; phát huy tốt vai trò Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia thực hiện và giám sát, phản biện việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nhân dân quan tâm; qua đó bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường phát triển bền vững khu vực nông thôn./.

Đức Ánh (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất