Thứ Bảy, 27/7/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Ba, 22/6/2021 9:21'(GMT+7)

Lạm dụng từ “giải cứu” nông sản: thái quá bất cập

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện từ “giải cứu” liên quan đến nông sản, nông dân. Khi vào công cụ tìm kiếm Google đánh cụm từ “giải cứu nông sản”, chỉ trong 0,46 giây cho ra gần 40 triệu kết quả. Điều đó cho thấy sức “nóng” cũng như sự quan tâm của dư luận xã hội đối với vấn đề tìm đầu ra cho nông sản của người nông dân.

Lướt qua các mặt báo, nhất là báo điện tử thấy nhan nhản những cái tít rất mạnh khi nói về giải cứu nông sản. Nào là: “Đại khủng hoảng” thịt lợn và cuộc giải cứu chưa từng có”; “Giá thịt gà rẻ hơn rau: Lại lo giải cứu”; “Trứng gà rớt giá thê thảm, nguy cơ phải giải cứu”; “Sát Tết, dưa hấu “giải cứu” xuống đường, giá rẻ như cho”; “Khóc ròng trên ruộng, “vương quốc khoai lang” miền Tây kêu cứu”; “Kêu gọi người tiêu dùng giải cứu gia cầm vì rớt giá quá thấp”; “Xoài Úc khổng lồ rớt giá, dân mạng hô hào “giải cứu”; “Vải Bắc Giang vượt “vòng vây” về Hà Nội, dân gọi nhau giải cứu”…

Có thể nói rằng, việc đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi cộng đồng, xã hội cùng chung tay góp sức giúp đỡ người dân tiêu thụ nông sản dư thừa, xuống giá là việc cần thiết. Và trên thực tế, nhờ có sự thông tin, tuyên truyền kịp thời của báo chí truyền thông, bà con nông dân ở nhiều địa phương phần nào đã tiêu thụ được nông sản bị ứ đọng, thu hồi được một phần vốn và giảm bớt khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi và cuộc sống.

Tuy nhiên, một phần vì mải mê chạy theo tâm lý xã hội, tâm lý đám đông, phần khác do hồn nhiên quá mức mà một số người cầm bút giật tít quá đà về việc kêu gọi cộng đồng giúp đỡ nông dân tiêu thụ nông sản dư thừa. Ví như, dùng từ “đại khủng hoảng”, “thịt gà rẻ hơn rau”, “rớt thê thảm”, “kêu cứu”, “vải vượt vòng vây”… là có phần cường điệu. Cách dùng từ như vậy đã vô hình trung làm cho nông sản của bà con bị dồn vào “bất lợi kép” - vừa giảm giá cả (do cung nhiều hơn cầu), vừa giảm giá trị (do thông tin nông sản bị ứ đọng lâu ngày tại ruộng vườn, chuồng trại). Việc báo chí, truyền thông lạm dụng quá nhiều từ “giải cứu” nông sản cho người nông dân đã vô tình tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng tình hình này để mua gian, bán lận, ép giá nông sản nhằm trục lợi.

Theo nghĩa gốc từ điển Hán Việt, “giải” có nghĩa “gỡ ra, tách ra, cởi ra”, “cứu” nghĩa là “cứu vớt”. Còn theo giải thích của từ điển tiếng Việt, “giải cứu” nghĩa là “cứu thoát khỏi tai nạn”. Như vậy, việc báo chí dùng từ “giải cứu” nông sản với hàm ý hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tìm lối thoát tháo gỡ nông sản dư thừa, là điều nên làm. Thế nhưng, những người cầm bút đừng quên câu “thái quá bất cập”, nghĩa là cái gì làm quá so với chuẩn mực thông thường cũng đều không hay, không tốt, thậm chí lợi bất cập hại.

Trở lại câu chuyện “giải cứu” nông sản xuất hiện tràn lan trên báo chí. Có lẽ nhận thấy sự bất cập của từ “giải cứu” nông sản mà mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang chính thức đã ra văn bản đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông không dùng từ “giải cứu” khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều ở Bắc Giang nói riêng. Vì đại diện lãnh đạo địa phương này cho rằng, sau các tin, bài có từ “giải cứu”, giá nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và thu nhập của nông dân.

Cách đây mấy năm, báo chí từng có những bài học “để đời” khi vội vàng đưa ra những thông tin sai về nông sản như: Ăn vải thiều Lục Ngạn bị ngộ độc; ăn nhiều bưởi da xanh, bưởi Năm Roi làm gia tăng nguy cơ ung thư vú; ăn xoài Tiền Giang có nguy cơ ngộ độc vì túi bọc lạ,… Những thông tin thất thiệt đó từng khiến nhiều bà con nông dân lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn!

Nông dân là đối tượng dễ bị thiệt thòi, tổn thương do quá trình trồng trọt, chăn nuôi luôn phải đối mặt với nhiều bất lợi, rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát hiện nay. Việc báo chí truyền thông sát cánh cùng nông dân để đồng hành, chia sẻ giúp đỡ bà con gỡ khó trong tiêu thụ nông sản dư thừa là điều đáng làm. Tuy vậy, để truyền thông không trở thành “con dao hai lưỡi” trong cuộc đồng hành này, người làm báo ngoài có “trái tim nóng” để động viên, hỗ trợ nông dân bằng những thông tin kịp thời, lành mạnh, nhân văn, thì còn phải có “cái đầu lạnh” để phân tích, bình luận và cung cấp cho công chúng những tác phẩm báo chí chính xác, chuẩn mực, khoa học nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại và mang lại lợi ích tối đa cho bà con./.

Phúc Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất