Tôi thích xem phim Việt Nam và từng có cảm giác môi trường điện ảnh VN rất lạc hậu, giống như điện ảnh Hàn Quốc cách đây 20 năm. Nhưng hiện nay, suy nghĩ của tôi đã thay đổi hoàn toàn và tôi cũng bất ngờ với những thay đổi ở đất nước các bạn!
Đây là lời của bà Cho Bock Rey – nhà phê bình điện ảnh Hàn Quốc và là chuyên gia tổ chức các LHP. Nhận định của bà cũng là nhận định của nhiều nhà làm phim nước ngoài khi nói về môi trường làm phim hiện nay của VN.
Thuế và phép
Điện ảnh VN những năm vừa qua đã có những bước phát triển, dù ít, dù nhiều. Nhà nước cũng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển bằng những chính sách đặc biệt ưu ái dành cho các nhà đầu tư, các nhà làm phim quốc tế. Mời gọi được càng nhiều nhà làm phim quốc tế đến VN hợp tác thì điện ảnh VN càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Hiện tại, VN có 29 hãng sản xuất phim Nhà nước và các đoàn thể xã hội, 30 hãng phim tư nhân, 2 trường quay, 3 công ty xuất nhập khẩu phục vụ sản xuất phim, 3 hãng phát hành phim lớn. Trong những năm qua, số dự án hợp tác sản xuất và số dự án cung cấp dịch vụ cho sản xuất phim cũng có sự gia tăng. Năm 2005, có 3 dự án hợp tác sản xuất và 9 dự án cung cấp dịch vụ cho sản xuất phim. Đến năm 2008, con số tương ứng và 5 và 18 dự án.
|
Ông Đỗ Duy Anh cho rằng điều kiện làm phim ở VN đã cởi mở hơn rất nhiều. |
Sở dĩ có sự gia tăng như vậy, một phần là nhờ những chính sách hỗ trợ đáng kể của Nhà Nước. Ông Đỗ Duy Anh – trưởng ban hợp tác quốc tế, Cục Điện ảnh cho biết: “Nhà nước hỗ trợ điện ảnh bằng cách miễn thuế đối việc sản xuất phim và cải cách nhiều thủ tục hành chính trong vấn đề cấp phép, nhanh gọn, thuận tiện hơn cho các nhà làm phim. Các nhà làm phim chỉ cần gửi hồ sơ, gồm kịch bản hoàn chỉnh, danh sách đoàn làm phim (kèm nhân thân), danh sách thiết bị quay phim và chương trình quay phim tại VN. Sau 30 ngày, Cục điện ảnh sẽ có quyết định cấp phép hoặc nếu không cấp phép thì trả lời rõ lý do với nhà làm phim.”
Đối với các nhà làm phim nước ngoài khi sản xuất phim tại VN, một vấn đề cần quan tâm là việc nhập trang thiết bị sản xuất phim. Về vấn đề này, ông Đỗ Duy Anh cho biết, việc nhập sẽ thực hiện theo cách tạm nhập tái xuất và thủ tục cũng đã tối giản xuống thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Chia sẻ về kinh nghiệm này, bà Hồng Ngát – Giám đốc Hãng phim Hội điện ảnh, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện cho rằng: Các nhà làm phim nước ngoài nên tìm một đối tác tin cậy trong nước . Đối tác này sẽ lo toàn bộ các thủ tục trong nước, bao gồm cả thủ tục hải quan liên quan đến việc tạm nhập tái xuất thiết bị làm phim.
Bà cũng đồng tình với quan điểm cho rằng: Những chính sách ưu đãi về thuế và những cải cách về thủ tục cấp phép là những điều kiện rất thuận lợi để các nhà làm phim sản xuất phim tại VN.
Chi phí sản xuất rẻ
Cùng với những ưu đãi về thuế và thủ tục cấp phép nhanh chóng, thuận tiện, chi phí sản xuất phim rẻ cũng là những điều kiện khiến VN trở thành một môi trường làm phim thuận lợi cho các nhà sản xuất phim quốc tế.
|
Nhà sản xuất phim Phước Sang |
Ông Phước Sang – Giám đốc hãng phim Phước Sang – một người có kinh nghiệm làm phim với các nhà làm phim nước ngoài nhận định: “ VN là một môi trường làm phim hết sức thuận lợi. VN có rất nhiều địa danh đẹp nổi tiếng và còn hoang sơ để có thể quay phim như: Phú Quốc, Cam Ranh, Hạ Long, Sapa…Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất phim của VN không hề thua kém các nước trên thế giới với việc đầu tư những thiết bị hiện đại. Điều đặc biệt là chi phí để sản xuất một bộ phim tại VN rẻ hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một bộ phim sản xuất ở Hàn Quốc có thể lên đến 5 – 7 triệu đô la nhưng sản xuất ở VN chỉ hết có 1 triệu đô la. Đây là những con số hoàn toàn thực tế bởi nó được rút ra từ dự án hợp tác làm phim kinh dị Mười của Hàn Quốc và hãng Phước Sang. Chi phí rẻ còn bởi nguồn nhân công rẻ nhưng lại có chất lượng cao.”
Thêm vào đó, tiếp lời bà Cho Bock Rey, bà cho rằng: “Sự bất ngờ không chỉ về vấn đề thủ tục, việc duyệt kịch bản, duyệt kế hoạch được thực hiện một cách nhanh gọn mà còn bất ngờ với ekip làm phim VN. Nếu ai đã từng đến Trung Quốc, dù làm việc ở ngay những phim trường hoàng tráng nhất như Hoành Điếm thì chắc cũng hiểu điện ảnh Trung Quốc quá lớn mạnh, quá uy quyền và như thế nhân sự ở đó cũng có nhiều quyền uy lắm lắm, khiến cho không ít các nhà làm phim phải khóc dở mếu dở khi có thể đang quay gấp rút, nhân viên sẽ tắt điện, tắt máy để …ra về vì tự nhiên họ thấy đói, thấy mệt. Điều này thì không hề thấy ở VN. Người làm điện ảnh VN thể hiện rõ sự đam mê, chăm chỉ và có trách nhiệm.”
Không thể thiếu trường quay hiện đại
Để VN trở thành một môi trường làm phim hấp dẫn hơn nữa, các nhà làm phim có kinh nghiệm trên thế giới đều chia sẻ rằng, một trong những điều kiện quan trọng, có tính quyết định là cần xây dựng được một trường quay thực sự hiện đại, thực sự lớn để đáp ứng được nhu cầu của các nhà làm phim. Có một trường quay hiện đại, các nhà làm phim sẽ không phải lo tìm địa điểm quay, sẽ tút bớt được thời gian quay phim và chi phí làm phim cũng sẽ rẻ hơn.
|
Trường quay Cổ Loa đang được xây dựng tại VN và nếu hoàn thiện, đây sẽ là trường quay lớn nhất của VN |
Ông Michael Digregorio – cựu chuyên viên của Quỹ Ford VN – một người gắn bó 12 năm với điện ảnh VN cũng góp ý một số giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cho điện ảnh VN là: Một trường quay chuyên nghiệp, tăng năng lực cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ cho các đối tác nước ngoài và đặc biệt cần bảo tồn những di sản kiến trúc thật tốt để có những địa điểm quay phim thích hợp.
Ông Francois Cantonné – nhà quay phim người Pháp – người nổi tiếng với những thước phim Đông Dương từng đoạt giải Oscar năm 1993 cũng cho rằng, điều kiện tiên quyết để điện ảnh VN thu hút thêm nhiều nhà sản xuất phim nước ngoài là phải cải thiện vấn đề trường quay. Điều này sẽ giúp có những bối cảnh thích hợp truyền tải được những ý tưởng của nhà làm phim./.
Theo Lao Động