Ngày 2/10/2010 vừa qua, dưới tượng đài Lý Thái Tổ, trong chương trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bức thư pháp "Thiên đô chiếu" đã được công bố và trao tặng chính quyền và nhân dân Hà Nội. Từ công trình tuyệt mỹ này, tôi lại nghĩ đến tình trạng viết sai, viết ẩu chữ Hán tại các di tích trong cả nước hiện nay.
Trong buổi lễ trang trọng, công bố và trao tặng bức thư pháp "Thiên đô chiếu" tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân chen nhau để tận mắt chiêm ngưỡng công trình đặc biệt này. Bức thư pháp bằng đồng mạ vàng, gắn trên bức bình phong bằng gỗ hương, chạm trổ bằng họa tiết rồng, phượng, lá đề thời Lý. Phần chữ được cụ Nguyễn Văn Bách viết bằng thể hành thư, uyển chuyển mà vẫn nghiêm túc, mạch lạc. Chữ được mạ vàng 24K, gắn trên bức bình phong do họa sĩ Trần Tuy thiết kế, và đội thợ giỏi nghề của Đồng Kỵ thực hiện. Trong những tiếng trầm trồ cảm thán, một người từ đơn vị tài trợ Công trình là Ngân hàng Vietcombank nói: "Đẹp lạnh cả người. Không ngờ có thể làm đẹp đến như vậy". Ngay tại buổi lễ, công trình cũng đã được trao kỷ lục Việt Nam.
Ông Ngô Vinh, 75 tuổi, từ TP HCM ra Hà Nội dự Đại lễ nói: "Tôi thấy bản chữ Hán này đạt đến vẻ đẹp cổ điển, chuẩn mực, xứng đáng là công trình để đời, sánh vai với các công trình thư pháp của cha ông ta để lại. Thú thật là tôi rất xúc động. Chiêm ngưỡng công trình này, nhìn chữ của cụ Nguyễn Văn Bách bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm, có Đền Ngọc Sơn với hoành phi, câu đối thể hiện nét bút tài hoa của tiền nhân, của cụ Nguyễn Văn Siêu, tôi nghĩ rằng mạch nguồn văn hóa của cha ông còn chảy mãi, dù đã trở nên hiếm hoi".
Trò chuyện một lát với vị khách từ phương Nam xa xôi, tôi được biết ông đã đi nhiều nơi, thăm nhiều di tích. Lý giải tại sao ông nói đây là công trình hiếm hoi, ông Vinh nhận xét: "Nhiều di tích được trùng tu, xây dựng mới hiện nay sai sót, cẩu thả về việc chữ Hán, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, thậm chí xúc phạm đến tiền nhân, đến nền văn hiến của dân tộc…".
Quả thật, nhận xét của ông Ngô Vinh cho thấy một thực trạng đáng buồn. Chữ Hán là phần quan trọng, không thể thiếu trong các di tích. Ngoài giá trị tín ngưỡng, mỹ thuật, chữ Hán còn chuyển tải thông tin về di tích… Tuy nhiên, hoạt động trùng tu, phục chế di tích trong thời gian qua đã để xảy ra những sai sót đáng tiếc.
|
Chứ Hán bị viết sai ở Lăng Bố Cái Đại Vương. |
Nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một đền thờ Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) được xây ngay bên cạnh lăng mộ ông tại Giảng Võ - Hà Nội đã được khánh thành. Khu di tích lăng mộ Phùng Hưng không lớn nhưng cây cổ thụ rợp bóng, công trình theo kiến trúc cổ khá hài hòa, tạo thành một quần thể di tích quý giá, gắn với vị anh hùng kiệt xuất, xuất thân từ Đường Lâm, Sơn Tây.
Phùng Hưng (? - 791) là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường ở Việt Nam thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905), đuổi được quân Đường và trông coi chính sự đất nước một thời gian.
Với một nhân vật lịch sử như vậy nhưng đến khu di tích, chúng tôi giật mình vì dòng chữ đại tự "Lăng Bố Cái Đại Vương" lại được viết một cách nghuệch ngoạc, "bất thành tự", thậm chí chữ Lăng viết nhầm thành "năng", nhưng cũng không thành chữ "Năng" nữa.
Bên cạnh đó, lẽ ra phải viết theo truyền thống, từ phải sang trái thì họ viết trái sang phải.
Ông Nguyễn Quốc Toàn (Quảng Bình) là một người thông hiểu Hán văn nhận xét: "Chữ bên trái ngoài cùng không phải là chữ năng. Chữ Năng (?) gồm bộ NHỤC, hai chữ CHUY, một chữ KHƯ. Chữ viết ở di tích gồm một chữ KHẨU, hai chữ CHUY và một nét loằng ngoằng. Tôi đã tra thử bộ KHẨU, bộ VI, bộ CHUY mà không ra chữ nào cả, gọi nó "bất thành tự" là phải. Người viết quá cẩu thả, chữ Đại thấp, bé hơn chữ Cái và chữ Vương, nhìn thấy xộc xệch mất nghiêm trang. Chữ Hán viết ở lăng miếu người xưa để đọc từ phải sang trái, ở đây lại viết để đọc theo lối chữ nôm hoặc chữ quốc ngữ, tức là đọc từ trái sang phải. Có lẽ người viết muốn nói "LĂNG BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG" nhưng do nói ngọng LĂNG thành ra NĂNG, lại quên mất tự dạng chữ NĂNG nên viết na ná chữ Năng thành "bất tự dạng" như vậy?".
Ông Phạm Ngọc Hiệp (TP HCM) nói: "Đối chiếu với Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, trong 5 chữ có 3 chữ đúng hoàn toàn, đó là chữ Bố - Đại - Vương, chữ cho là Năng "giông giống" chữ Năng (khả năng), chữ Cái (chắc chắn phải đọc chữ này là Cái) cũng tương tự như chữ Năng, chỉ cũng giông giống thôi chứ không đúng hẳn chữ Cái của từ điển. Chưa kể chữ viết cẩu thả, chân phương không ra chân phương, thảo chẳng phải thảo, màu sắc xanh, hồng, vàng sơn nước tươi rói… Thật là "lão lề".
Cụ Nguyễn Văn Bách, xem tấm ảnh chụp di tích này thì thở dài thất vọng.
Tình trạng viết chữ Hán sai trong thời gian qua đã diễn ra khá phổ biến. Ngay trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tấm biển "Lê triều tiến sĩ" được phục chế, để trong nhà Thái Học cũng bị viết sai chữ Triều. Bộ Viết trong chữ này mất nét ngang, thành ra bộ Khẩu.
Ở Văn Miếu Xích Đằng - Hưng Yên có hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thiếp vàng chói lọi nhưng chất lượng chữ cũng chưa thật ổn. Một tờ báo đã phản ánh bức hoành phi "Phúc tư văn" của di tích này viết sai chữ Tư, nên bức hoành có nghĩa là "Phúc thay nền văn hiến ấy" thành ra "Phúc thay cái công văn ấy". Nhờ sự phát hiện của báo chí, bức hoành phi đã được sửa chữa nhưng vẫn bằng những nét chữ ngô nghê như cũ.
Ở một di tích lớn là Đền Hai Vai tại Nghệ An, người ta đã viết sai chữ Tế trong bức đại tự "Tế như tại" nên nghĩa gốc là "Cúng tế thần như thần đang hiện diện" thành ra "Cứu vớt thần như thần đang kêu cứu" chăng (?!) …
Ở di tích Đền Bạch Hạc - Phú Thọ, bức cuốn thư "Dực Bảo Trung Hưng" cũng viết không thành chữ. Tại ban thờ Trần Nhật Duật, người ta lại treo bức hoành phi danh hiệu của Hưng Đạo Đại Vương là "Trần Triều Hiển Thánh"…
Từ bức thư pháp "Thiên đô chiếu" đến "Năng" Bố Cái đại vương và một vài dẫn chứng nêu trên đây, ta thấy lo cho hiện trạng viết chữ Hán tại các di tích, đền chùa miếu mạohiện nay. Vẫn biết, người biết chữ Hán, giỏi chữ Hán không còn nhiều nhưng cũng không phải quá khó để tìm được chuyên gia. Viện Hán Nôm, Khoa Hán Nôm - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn là những địa chỉ tin cậy.../.
(Theo: Nguyễn Phan Khiêm/CAND)