Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 9/7/2010 21:2'(GMT+7)

Truyền thông phải hấp dẫn mới vận động được thanh thiếu niên

Đó là những nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo đóng góp ý kiến dự thảo chuyên đề và đề xuất chính sách cho Chương trình điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY 2) của dự án phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên diễn ra chiều 8/7/2010 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng Cục dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế tổ chức.

Các đại biểu đã thảo luận đóng góp ý kiến xung quanh các chuyên đề: Thanh thiếu niên Việt Nam với việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; sức khoẻ tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam; chấn thương và bạo lực ở thanh thiếu niên Việt Nam; sự thay đổi của các giá trị xã hội. Các báo cáo chuyên đề đều cho thấy sự thay đổi khá rõ rệt của thanh thiếu niên Việt Nam sau 5 năm (kể từ lần điều tra đầu tiên SAVY 1), đặc biệt là trong việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng của thanh thiếu niên Việt Nam.

SAVY là tên viết tắt tiếng Anh (Survey Assessment of Vietnamese Youth) của Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam. Đây là cuộc điều tra đầu kỳ của Dự án phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên.

Cuộc điều tra SAVY 2 được thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 10.044 đối tượng (nam 51% và nữ 49%) trong nhóm vị thành niên và thanh niên từ 14 đến 25 tuổi tham gia. Các đối tượng được phỏng vấn là những người đã hoặc chưa kết hôn; học sinh hoặc đang đi học hoặc những người đã đi làm; ở thành thị hoặc nông thôn, kể cả vị thành niên và thanh niên dân tộc thiểu số. SAVY 2 do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thực hiện đưa ra nhiều số liệu cho thấy sự thay đổi đặc biệt của giới trẻ Việt sau 5 năm.

Thanh thiếu niên làm gì khi rảnh rỗi?

Theo cuộc điều tra, khi rảnh rỗi, 96,8% thanh thiếu niên xem ti vi, 90,8% nghe nhạc, 85,4% đi chơi với bạn bè/người yêu, 77,1% đọc sách, 60,9% chơi thể thao, 45% sử dụng Internet, 44% tham gia các hoạt động xã hội, 38,2% chơi game, 27,5% uống rượu bia, 25,5% đi xem phim, văn nghệ, 21,8% đến các trung tâm giải trí, 20,3% tham gia các câu lạc bộ thể thao, 3,3%đánh bạc.

Những vấn đề được thanh niên quan tâm nhất hiện nay là: Cơ hội kinh tế, việc làm, tiếp đến là cơ hội học hành. Có 42% thanh thiếu niên được hỏi vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền. Tuổi trung bình thanh niên đi làm thêm là 17,4 tuổi.

9,5% thanh niên Việt Nam đã từng có QHTD trước hôn nhân , Tuổi QHTD lần đầu trung bình của thanh niên là 18,1. Ở SAVI 1, tỉ lệ thanh niên QHTD trước hôn nhân là 7,5% và tuổi QHTD lần đầu trung bình là 19,6 tuổi.

Điều kiện tiếp cận thông tin cao hơn nhiều

Điều tra cho thấy tỷ lệ sở hữu các phương tiện truyền thông của giới trẻ ngày càng cao, đặc biệt là ti vi, đầu VCD/DVD, máy tính và điện thoại di động. Tỷ lệ hộ gia đình sở hữu các phương tiện truyền thông trên ở SAVY 2 cao hơn hẳn so với SAVY 1. Điều đó cho thấy thanh thiếu niên có điều kiện tiếp cận và tiếp nhận các nguồn thông tin tốt hơn nhiều so với người cùng lứa tuổi với họ 5 năm trước đó.

Hiện tại, ở Việt Nam có 4 loại hình truyền thông đại chúng chính cung cấp thông tin đến cho thanh thiếu niên: Truyền hình, đài phát thanh, báo in và Internet. Cho tới nay, kết quả của tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng truyền hình vẫn là phương tiện nghe nhìn phổ biến và được thanh thiếu niên Việt Nam yêu thích nhất, với 97,2% có xem ít nhất một lần/tuần, và 84,9% xem hàng ngày. Sau đó là Internet. Nếu như ở SAVY 1, chỉ có 17% thanh, thiếu niên sử dụng Internet thì 5 năm sau, tỷ lệ này ở SAVY 2 đã tăng lên đến 61%.

Đối với việc tiếp cận nguồn thông tin, kết quả SAVY 2 cho thấy truyền thông đại chúng vẫn là nguồn thông tin phổ biến nhất, được thanh, thiếu niên ưa thích nhất, đặc biệt trong việc chuyển tải các thông tin liên quan đến tuổi dậy thì, mang thai, kế hoạch hoá gia đình, tình dục, tình yêu và HIV/AIDS. Nhiều thanh thiếu niên tìm hiểu các vấn đề họ quan tâm qua các phương tiện thông tin đại chúng còn nhiều hơn từ nhà trường hay gia đình.

Cần đổi mới hình thức truyền thông theo hướng hấp dẫn và thân thiện hơn

Tuy điều kiện tiếp cận thông tin cao hơn nhiều, nhưng theo ý kiến của một số đại biểu tham gia hội thảo, nghiên cứu cho thấy nhận thức của thanh niên về kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ sinh sản và phòng chống HIV/AIDS vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ. Vẫn có sự không đồng đều về mức độ tiếp cận thông tin giữa các nhóm thanh, thiếu niên khác nhau về độ tuổi, khu vực sống, tiếp cận phương tiện truyền thông…Trong một số câu hỏi trắc nghiệm của SAVY 2, tỷ lệ các câu trả lời sai có xu hướng tăng so với SAVY 1.

Nguyên nhân là do các biện pháp truyền thông, đặc biệt là trên Internet chưa thực sự hấp dẫn để đủ sức mạnh thu hút thanh niên, dẫn tới chuyển biến trong nhận thức và hành động.

Thanh thiếu niên nghe đài, đọc báo, xem tivi, sử dụng Internet để thoả mãn nhu cầu hiểu biết các thông tin mới, phản ánh đúng thực tiễn, để học được các tri thức và kinh nghiệm xã hội… Truyền thông đại chúng phải hấp dẫn mới thoả mãn được nhu cầu nhận thức và thẩm mỹ của họ.

Báo cáo chuyên đề của SAVY 2 cũng đã tập trung đánh giá sự tác động của truyền thông đại chúng lên kiến thức về biện pháp tránh thai hiện đại và HIV/AIDS của thanh, thiếu niên. Kết quả phân tích cho thấy, đối với hiểu biết về các biện pháp tránh thai hiện đại, trong các phương tiện thông tin đại chúng như đài, báo, tivi và Internet, chỉ có đọc báo và sử dụng Internet là có tác động nhiều lên kiến thức về các biện pháp tránh thai hiện đại của thanh thiếu niên. Tỷ lệ những thanh thiếu niên đọc báo có kiến thức về các biện pháp tránh thai hiện đại cao gấp 1,5 lần so với những thanh, thiếu niên không đọc báo. Tỷ lệ này ở những thanh thiếu niên sử dụng Internet cũng gấp 2 lần so với thanh thiếu niên không sử dụng Internet. Với kiến thức về các đường lây truyền HIV, các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ có xem tivi, đọc báo và sử dụng Internet là có tác động mạnh. Tỷ lệ những thanh thiếu niên xem ti vi thường xuyên có kiến thức gấp 1,3 lần so với những thanh, thiếu niên không xem ti vi thường xuyên. Tỷ lệ này ở những thanh thiếu niên đọc báo thường xuyên là 1,2 lần; sử dụng Internet là 1,4 lần.

Tuy nhiên, có một điều thật đáng tiếc là bộ câu hỏi SAVY 2 đã không đề cập đến việc sử dụng mạng xã hội của thanh niên như Facebook, Twiter… một kênh truyền thông tuy khá mới mẻ nhưng có sự phát triển rất nhanh chóng ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, đẩy mạnh và đổi mới hình thức truyền thông DS-KHHGĐ theo hướng thân thiện hơn với trẻ vị thành niên, thanh niên là cần thiết. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cần chú ý nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống cho con em về tình yêu, tình dục, hôn nhân, KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS.

TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhận định những số liệu SAVI 2 cung cấp là thông tin bổ ích cho các ngành, các nhà hoạch định chính sách có một cách nhìn mới, số liệu mới để xây dựng các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, chiến lược trong giai đoạn tới.

Dương Ngọc


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất