Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 12/7/2010 21:54'(GMT+7)

Trẻ em nghèo và việc tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em ở nước ta

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước đã tạo điều kiện để trẻ em nước ta được cải thiện đáng kể về thể chất và trí tuệ, được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn, được hưởng đầy đủ hơn các quyền cơ bản của mình. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới trẻ em đã được ban hành. Điều này cũng đã được khẳng định trong các chủ trương, chính sách và trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành theo hướng tiếp cận dựa trên nhu cầu và đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ em.

Tuy nhiên, nước ta vẫn là một nước đang phát triển, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giảm nhanh song chưa thật sự bền vững; điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi có xu hướng gia tăng, vì thế, vấn đề trẻ em nghèo và việc giảm tỷ lệ trẻ nghèo vẫn đang là một thách thức.

Để đánh giá vấn đề nghèo của trẻ em ở Việt Nam với mục tiêu xác định rõ bản chất vấn đề nghèo của trẻ em và tăng cường căn cứ thực tiễn để phục vụ cho công tác hoạch định chính sách quốc gia về tình trạng nghèo của trẻ em, phương pháp tiếp cận đa chiều đã được áp dụng. Việc áp dụng phương pháp đa chiều trong đánh giá tình hình trẻ em cho thấy, khoảng 1/3 số trẻ dưới 16 tuổi, nghĩa là có khoảng 7 triệu trẻ em ở Việt Nam có thể xác định là nghèo, cao hơn tỷ lệ nghèo trẻ em tính theo phương pháp thông thường.

Các lĩnh vực và chỉ số được sử dụng để đánh giá tình hình trẻ em nghèo ở Việt Nam

Lĩnh vực

Chỉ số

1. Nghèo về giáo dục

% trẻ em không được đi học đúng trình độ

% trẻ em không hoàn thành chương trình tiểu học

2. Nghèo về chăm sóc y tế

% trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ

% trẻ em không đến cơ sở y tế lần nào trong 12 tháng qua

3. Nghèo về nơi ở

% trẻ em sống trong nơi ở không có điện

% trẻ em sống trong nơi ở không có mái che đầy đủ

% trẻ em sống trong nơi ở không có lát nền đầy đủ

% trẻ em trong các hộ gia đình nghèo

4. Nghèo về điều kiện nước sạch và vệ sinh

% trẻ em sống trong nơi ở không có điều kiện vệ sinh phù hợp

% trẻ em sống trong nơi ở không có nước uống sạch

5.Trẻ em phải lao động

% trẻ em lao động sớm

6. Nghèo về điều kiện vui chơi giải trí

% trẻ em không có đồ chơi

% trẻ em không có một cuốn sách nào

7. Nghèo về cơ hội tham gia xã hội và được bảo vệ

% trẻ em không được khai sinh

% trẻ em mà người chăm sóc không có khả năng lao động

Như vậy, trẻ em nghèo là trẻ em chưa được đáp ứng đầy đủ 7 loại nhu cầu cơ bản gồm: giáo dục; chăm sóc y tế; nơi ở; nước sạch và vệ sinh; lao động; vui chơi giải trí; cơ hội tham gia xã hội và được bảo vệ.

Trẻ em nghèo ở nước ta và một số vấn đề cần quan tâm

Ở nước ta hiện nay, nếu xét trẻ em nghèo theo 7 lĩnh vực nhu cầu cơ bản nêu trên thì nghèo về dinh dưỡng là vấn đề lớn nhất, với tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng lên tới 35,8%. Nghèo về nơi ở và thường kèm theo đó là thiếu các công trình vệ sinh cơ bản đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba với tỷ lệ 20-30% số trẻ em chịu những thiếu thốn này. Thiếu các phương tiện truyền thông dẫn đến thiếu thông tin tuy đứng vị trí thứ 4 về xếp hạng tỷ lệ trẻ chịu thiếu thốn, song đó là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với trẻ em, vì thông tin không những là phương tiện tạo cơ hội phát triển năng lực cho cuộc sống tương lai của trẻ em, mà còn là phương tiện giải trí trong đời sống hiện tại. Số trẻ em thiếu nước sạch là 8,7%. Nghèo về giáo dục có tỷ lệ thấp, với tỷ lệ trẻ em không đi học 1,6%. Nghèo về chăm sóc sức khỏe cũng có một tỷ lệ tương đối thấp. Số trẻ em thiếu chăm sóc y tế đầy đủ (trong nghiên cứu này là số trẻ không được tiêm chủng phòng ngừa các bệnh hoặc không được chữa trị khi viêm nhiễm đường hô hấp cấp hoặc tiêu chảy) khoảng 1,9%.

Dựa trên phương pháp tiếp cận đa chiều, có thể rút ra một số đặc điểm nghèo của trẻ em Việt Nam như sau:
 
Thứ nhất, sự chênh lệch về mức độ thiếu thốn các dịch vụ cơ bản giữa các vùng, miền, nông thôn, thành thị.

Nếu xem xét trẻ em sống ở khu vực đô thị, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có thể thấy có sự khác biệt rõ rệt về mức độ thiếu thốn các dịch vụ cơ bản. Chẳng hạn, trong khi ở đô thị, tỷ lệ trẻ bị thiếu thốn các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản là rất thấp (trừ nhà ở có tỷ lệ 9,1%), thì ở nông thôn cơ sở vật chất còn thiếu rất nhiều: về nhà ở: 33,5%; về công trình vệ sinh: 24,9%; về nước sạch: 10,7%; về thông tin: 16,5%. Trẻ em các vùng miền núi như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ thiếu cả cơ sở vật chất (nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch) và thông tin, trong khi hai vùng đồng bằng và vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ nghèo về các lĩnh vực này thấp. Trẻ em dân tộc thiểu số sống phân tán ở vùng núi cao có tỷ lệ nghèo cao về tất cả các lĩnh vực.

Nơi có tỷ lệ thấp nhất về trẻ em trải qua ít nhất một thiếu thốn là vùng đồng bằng sông Hồng (12%) và nơi có tỷ lệ cao nhất là vùng Tây Bắc (74%). Vùng Đông Bắc có tỷ lệ trẻ em trải qua thiếu thốn ít nhất một loại nhu cầu cũng khá cao (59%) và đứng thứ nhì. Đáng ngạc nhiên là vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có tỷ lệ cao thứ ba (54%).

Tỷ lệ trẻ em trải qua ít nhất một thiếu thốn nghiêm trọng ở nông thôn cao gấp 3 lần so với đô thị (45% so với 16%), và đối với thiếu thốn 2 loại nhu cầu trở lên thì cao tới gấp 6 lần (19% so với 3%).

Thứ hai, tương quan giữa quy mô gia đình với tỷ lệ nghèo của trẻ em.

Gia đình có quy mô lớn thì tỷ lệ trẻ em có nguy cơ phải chịu đựng các thiếu thốn tăng lên. Tỷ lệ trẻ em trải qua ít nhất một thiếu thốn cao hơn ở các gia đình có số thành viên đông hơn, đặc biệt đối với gia đình có từ 7 thành viên trở lên. Trong các gia đình có 7 thành viên trở lên, 55% trẻ em phải chịu ít nhất một thiếu thốn ở mức nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ này ở gia đình có dưới 3 thành viên là 46%; 3-4 thành viên là 29%; và 5-6 thành viên là 41%.

Ở những gia đình khuyết thiếu, tỷ lệ trẻ em trải qua ít nhất một thiếu thốn cao hơn so với trẻ em trong các gia đình đầy đủ: 43% so với 39%. Sự khác biệt cũng thể hiện đặc biệt rõ ràng giữa những gia đình có số trẻ em phụ thuộc cao (4 em trở lên) và những gia đình có số trẻ em phụ thuộc thấp: 84% so với 39%.

Thứ ba, tương quan giữa tỷ lệ trẻ em bị thiếu thốn với giới tính, trình độ học vấn của chủ hộ.

Ở các gia đình có chủ hộ thất học, tỷ lệ trẻ em trải qua ít nhất một thiếu thốn nghiêm trọng đạt mức cao nhất: 77%, cao gấp 7 lần so với những gia đình có chủ hộ học xong phổ trông trung học trở lên và gần 3 lần so với những gia đình có chủ hộ học xong trung học cơ sở.

Trong các gia đình có phụ nữ làm chủ hộ, tỷ lệ trẻ em phải chịu một thiếu thốn nghiêm trọng thấp hơn so với trẻ em trong các gia đình có nam giới làm chủ hộ: 31% so với 41%.

Dành sự chăm sóc tốt nhất vì tương lai của trẻ em

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu vì trẻ em đến năm 2010, nhân “Tháng hành động Vì trẻ em” năm 2010 với chủ đề: "Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em" các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện:

Một là, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, ban hành mới theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy trình cụ thể về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Hai là, các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện và ưu tiên bố trí nguồn lực, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tập trung chỉ đạo giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị buôn bán, bị bạo lực; tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Ba là, xây dựng Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm của xã, phường trong việc chăm sóc trẻ em, để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và thực hiện các quyền cơ bản. Xây dựng và triển khai thí điểm Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em và mô hình Trung tâm công tác xã hội trẻ em ở các tỉnh, thành phố; tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình này trên phạm vi cả nước. Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện các quyền của trẻ em.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với trẻ em./.

 
 

Các mục tiêu cụ thể của Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em 2011-2015:
1. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, phòng ngừa mọi nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.
 
2. Mọi trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện kịp thời, được hỗ trợ và tiếp cận các dịch vụ phù hợp để giảm thiểu và loại bỏ nguy cơ.
 
3. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại và bóc lột được can thiệp, trợ giúp và hoà nhập cộng đồng.
 
4. Củng cố và phát triển hệ thống Dịch vụ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo Tạp chí cộng sản điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất