Ông là trụ cột của một gia đình 3 thế hệ nhưng luôn giữ được sự đầm ấm, thuận hòa, tiến bộ. Nhiều gia đình nghèo khó, già yếu, neo đơn được ông tận tình chia sẻ, giúp đỡ kịp thời. Được chính quyền địa phương tặng nhà tình nghĩa nhưng ông lại dành phần quà quý báu ấy cấp cho những gia đình chính sách khác còn nghèo khó hơn mình.
Đến ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chúng tôi được bà con ở đây giới thiệu về tấm gương mẫu mực của ông Lê Văn Sọl 66 tuổi. Tấm gương ấy càng sáng hơn trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tham gia cách mạng từ năm 1965, bị địch bắt năm 1970 và bị đày ra Côn Đảo cho đến ngày giải phóng miền Nam, ông mới được về lại quê hương. Là thương binh 4/4, một phần sức khỏe còn lại ông dành cho việc tham gia xây dựng chính quyền nhân dân ở xã Hỏa Lựu từ những ngày đầu giải phóng. Khi về với cuộc sống đời thường, bằng bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, một lần nữa ông chiến thắng được cái nghèo, vươn lên khá giả. Nhớ nhất là năm 1994, ông mạnh dạn lên líp trồng 1.600 gốc quít, vậy mà 6 năm sau đó cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Năm 2001, khi quít tàn thì lúc ông kêu thợ về xây căn nhà tường trị giá 5.000 giạ lúa bằng hơn 20 cây vàng hồi đó. Bây giờ đất canh tác ông có trong tay trên 32 công, có 4 công vườn trồng cam sành xen xoài đang chuẩn bị ra trái chiến hứa hẹn cho vụ thu hoạch cao.
Dù tuổi đã cao nhưng ngoài việc chăm lo kinh tế gia đình, ông luôn là người tích cực tham gia đoàn thể ở địa phương. Hiện nay, ông là hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp và cũng là hội viên Hội Người cao tuổi. Là người từng trải qua cuộc sống khó khăn nên ông thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo. Tổ hùn vốn giúp đỡ cho hội viên người cao tuổi, cựu chiến binh nghèo vươn lên trong cuộc sống mấy năm qua hoạt động có hiệu quả cũng chính từ sáng kiến của ông. Hiện tại, tổ hùn vốn của Hội Người cao tuổi ấp có 28 hội viên, huy động được 15 triệu đồng, hội viên có nhu cầu vốn sản xuất, Hội sẵn sàng cho mượn từ 1-2 triệu đồng. Chi hội Cựu chiến binh cũng vậy, đến nay có 32 hội viên huy động hùn được gần 10 triệu đồng để cho những hội viên nghèo vay với lãi suất thấp trang trải cuộc sống. Người ta thấy hàng ngày ông lặn lội đến những gia đình người già, neo đơn thăm hỏi chia sẻ cùng họ. Biết được hoàn cảnh nào khó khăn, thì ông kêu gọi các hội viên đóng góp để giúp đỡ. Thấy ông Nguyễn Văn Gán, 97 tuổi có hoàn cảnh neo đơn, ông Sọl đã vận động các hội viên khác thường xuyên đến thăm hỏi ông Gán và cùng đóng góp tiền mua thuốc khi ông Gán bị ốm đau. Ông thường xuyên vận động mọi người tham gia vào sinh hoạt Hội để cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những năm gần đây, ông cùng các hội viên góp được 20 triệu đồng làm vốn để giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn sản xuất, chăn nuôi... Đã giúp đỡ được 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt lên nghèo khó.
Từ khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện, ông là một trong những thành viên tham gia tích cực nhất. Việc đầu tiên ông tham gia cuộc vận động là giáo dục con cái nên người và giữ cho không khí gia đình luôn êm ấm. Ông Sọl có 6 người con, tất cả đều đã lập gia đình và hiện có 4 người sống chung với vợ chồng ông. Với vai trò một người ông, người cha, ông nghĩ cần phải sống có trách nhiệm với con cái của mình. Phải luôn răn dạy con, cháu từ khi còn nhỏ để chúng sớm có ý thức về bản thân. Mỗi gia đình có cách giáo dục riêng, đối với ông Sọl, dạy con cháu là phải dùng lời lẽ, khi chúng làm sai thì nên nhẹ nhàng chỉ bảo và chỉ ra cái sai để sửa. Ông Sọl chia sẻ: “Vợ chồng tôi cố gắng sống tốt để làm gương cho con cháu mình, có thế con, cháu mới nên người được. Ông bà có mẫu mực thì con cháu mới hiếu thảo”. Tuổi cũng gần 70, điều mà ông quan tâm nhất hiện nay làm sao để các cháu ông được nuôi dạy đàng hoàng, ăn học đến nơi đến chốn. Ông luôn khuyên các cháu phải cố gắng học tập thật giỏi để mai này còn phục vụ quê hương. Ông thường xuyên sưu tầm những mẩu chuyện về tấm gương sáng kể cho con cháu nghe, qua đó để các cháu ông học tập theo. Hiện nay, các cháu ông đều được đến trường và rất chăm chỉ học tập, đứa cháu lớn nhất của ông đã là sinh viên năm cuối ngành công nghệ thông tin. Mặc dù sống chủ yếu bằng nghề nông, nhưng các con ông đều rất chí thú làm ăn, cuộc sống của họ giờ cũng rất khá giả. Các con ông luôn lấy gương của cha mẹ để sống và nuôi dạy con cái của mình. Chính vì thế mọi người trong nhà ông luôn yêu thương nhau, cả đại gia đình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Ông quan niệm, còn sống thì phải làm việc có ích cho đời, cho xã hội, còn sức thì phải ráng làm, giúp đỡ được cho ai điều gì thì nên cố gắng giúp. Năm 2001, ông được UBND xã Hỏa Lựu đề nghị xét tặng nhà tình nghĩa nhưng ông từ chối, vì ông cảm thấy mình có khả năng thì nên dành cơ hội đó cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn./.
Theo Mỹ An/ Báo Hậu Giang