Thứ Tư, 27/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 27/10/2010 14:4'(GMT+7)

Bác Hồ nhìn qua một bài báo

Trong bài báo này anh Trần Cư cho biết trong suốt 10 năm liền Bác Hồ theo dõi những người tốt việc tốt trên khắp các báo, từ các báo địa phương như Hà Giang, Vĩnh Linh đến các báo bằng tiếng nước ngoài như Tân Việt Hoa. Bác cắt dán sau khi đã ghi xuất xứ, ngày tháng rõ ràng, rồi viết nhận xét tỉ mỉ, dán lại thành 18 quyển, mỗi quyển độ 50 tờ, đánh số La Mã. Trong mỗi tập Bác dán những bài báo có người tốt việc tốt, cứ trung bình hai bài dán đầy một trang, ghi tên tuổi, địa chỉ và thành tích người được hưởng huy hiệu. Sau đó, tổng kết 19 tập vở trong 4 tờ giấy. Tờ thứ nhất cho ta biết trong 10 năm Bác đã tặng 4.000 huy hiệu cho những đối tượng nào. Tờ thứ hai nói về việc tặng huy hiệu từ 1960-1967. Tờ thứ ba so sánh giữa các tỉnh và thành phố, tờ thứ tư ghi việc thưởng trong 4 tháng đầu năm 1968.

Qua việc này, ta thấy sự khác nhau giữa cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh với cách làm việc của cán bộ chúng ta.

Đối với chúng ta, chúng ta chỉ nói đến những điều cao xa, theo các sách lý luận nhưng cho đến nay chưa hề được thực hiện như: xóa bỏ bất công, đói khổ, giai cấp, tội ác, đổi mới lịch sử loài người và vân vân. Còn khi hỏi công việc cụ thể, từng người cụ thể thì chúng ta im lặng hay trả lời chung chung: nói chung là tốt. Nếu ta chấp nhận thực tiễn là thước đo của chân lý thì qua tình hình thế giới hiện nay phải nói là chúng ta sai. Bởi vì khi khoa tâm lý học hiện đại phát hiện ra cái gọi là hạ ý thức ở con người thì thấy con người phức tạp không phải chỉ có tính giai cấp mà thôi, do đó sự đổi mới xã hội là một công việc gian khổ không thể làm vội vàng chỉ đơn thuần dựa vào chính trị hay kinh tế. Bác không bao giờ nói đến những danh từ đẹp đẽ, lãng mạn, mặc dầu cương vị của Bác rất dễ đẩy Bác đến những từ ngữ lãng mạn mà hầu như không một nhà lãnh tụ cách mạng nào tránh khỏi. Trái lại Bác theo dõi từng việc làm một, khen ngợi từng người một. Việc này hình như không ai tiếp tục nữa. Tại sao? Một việc mà Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc vẫn cần cù theo dõi, ghi chép, chắc chắn không phải là chuyện tầm thường. Làm sao có thể có cái lớn nếu không có cái việc nhỏ trước? Trong việc Bác khen không phải chỉ có những chuyện liên quan tới lãnh đạo của Đảng mà còn có nhiều chuyện liên quan tới lợi ích riêng, một người sản xuất tốt, một em bé học giỏi…

Tôi nghĩ trong giai đoạn mới hiện nay cũng phải có người tiếp tục công việc này. Đổi mới là chuyện hết sức khó, không nghị quyết nào nói hết được. Ai có một cống hiến tốt đều được chú ý. Cần tạo nên một xu hướng thúc đẩy nhau làm việc tốt, thích hợp với hoàn cảnh mới. Nhiều khi một sáng kiến cá nhân sẽ góp phần vào cách quản lý một xã, một huyện tốt hơn. Những người như thế cần được khen, được khuyến khích. Sự lãnh đạo không hề vì thế mà bị thiệt thòi. Tôi rất thích những bài báo, những buổi phát thanh nêu lên những việc làm thích hợp và chưa thích hợp, nhưng một việc mà Hồ Chí Minh quan tâm như vậy lẽ nào lại để trống, không phải là việc của các cơ quan hữu trách?

Bởi vì phải nhìn cái mới từ những biểu hiện nhỏ bé, cá biệt để làm cho nó phát triển, lớn lên. Trong hoàn cảnh mới này với cả Việt Nam và thế giới có ai tiếp tục công việc này không? Hay cho nó là việc vặt? Một việc mà Hồ Chí Minh để tâm theo dõi như thế không thể là việc vặt được. Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời để quan tâm tới những con người nhỏ bé. Hồ Chí Minh không khen phò mã tốt áo, cũng không chê bai những ai đã ngã xuống dù trong cuộc đời họ có những sai lầm nghiêm trọng. Trái lại, Hồ Chí Minh khen những người đói rét vẫn trong sạch. Hồ Chí Minh không mảy may than phiền về những bất hạnh gian khổ của đời mình, mà nghĩ đến mọi người bất hạnh.

Cơ quan nào của chúng ta cũng đều có bộ phận nhân sự, tổ chức. Các bộ phận ấy có chú ý đến những việc làm có ích của cán bộ mình không. Có biết những đòi hỏi chính đáng của các cán bộ mình không? Có nghĩ đến những thiếu sót của từng cán bộ trong bước đường đổi mới này không? Chúng ta thiếu cách nhìn cụ thể kiểu Hồ Chí Minh, gặp việc lập tức gửi một công văn yêu cầu các cán bộ khai, thế là xong.

Nhiều người băn khoăn tại sao Hồ Chí Minh không viết những công trình lý luận mà lại chú ý tới việc nhỏ như vậy? Một người trước năm 1930 viết những công trình nổi tiếng như Bản án chế độ thực dân Pháp dĩ nhiên có thể viết những công trình lý luận. Nhưng kinh nghiệm bản thân của Bác cho biết không thể viết công trình lý luận độc lập được, làm điều này sẽ bất lợi cho Việt Nam bởi vì lập tức ngay tình hình Việt Nam có những điểm không ăn khớp với một số lý luận có sẵn. Kinh nghiệm của Stalin, của Tito, của Togliati, Mao Trạch Đông chẳng phải là hiển nhiên sao?

Cho nên Bác tập trung vào những vấn đề cụ thể và giải quyết nó một cách cụ thể không đề lên thành lý luận. Nước Việt Nam là nước nhỏ. Nó cố gắng làm điều nhỏ cho thành công. Với sự thành công của điều nhỏ sẽ có tác dụng lớn. Cho nên Bác khẳng định mình là người khiêm tốn và giản dị, và cam kết với nhân dân sống suốt đời khiêm tốn và giản dị. Khiêm tốn và giản dị ngay cả khi làm Chủ tịch một nước. Ta thấy Bác tham dự vào mọi việc làm vất vả của nhân dân lao động: tát nước, cày ruộng… và không bao giờ chấp nhận một sự ưu đãi nào mà mình có thể hưởng trong cương vị người chủ một nước. Có một số người không hiểu lời cam kết này của Bác với nhân dân Việt Nam nên trách Bác tại sao lại nói mình như thế. Một con người có ý thức về giá trị mình dĩ nhiên dám công khai tuyên bố về giá trị ấy. Mọi nhà tư tưởng Trung Hoa đều làm như vậy. Hồ Chí Minh thiếu gì công lao to lớn với lịch sử, nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ khoe, trái lại khẳng định mình khiêm tốn và giản dị. Ai muốn phê phán cứ việc đối chiếu đời họ với đời Hồ Chí Minh xem, họ khiêm tốn hay Hồ Chí Minh khiêm tốn, họ giản dị hay Hồ Chí Minh giản dị?

Tôi nhớ câu của Lão Tử: “Họa phúc không có cửa chỉ cho con người đón lấy”. Khi cách mạng gặp khó khăn người cách mạng gần gũi nhân dân, cho nên cách mạng sẽ thắng lợi. Đó là cái phúc ẩn trong cái họa. Còn khi cách mạng thắng lợi, người cách mạng sẽ bị xa hoa lôi cuốn, do đó cách xa nhân dân. Đó là cái họa trong cái phúc. Nhìn Đông Âu ta thấy cái họa ấy là có thực. Tôi đã nghe nói đến lý luận không có cái bi trong thời đại cách mạng, nhất là không có cái bi về chính trị. Tình hình thế giới cho thấy cái bi tồn tại trong mọi xã hội, để tránh nó phải đề phòng nó ngay trong cái phúc. Hồ Chí Minh là một người hiếm có trong lịch sử nhân loại, ngay trong phúc vẫn sống giản dị, khiêm tốn, không một phút rời khỏi nếp sống nhỏ bé của người lao động. Do đó, Bác đón được cái phúc trong cái họa và giữ được cái phúc ngay trong cái phúc. Chỉ có một nhà cách mạng triết nhân mới hiểu được chân lý sâu xa này. Một triết nhân chính trong khi tự ghép mình theo cuộc sống người lao động cảm thấy một niềm vui to lớn, và niềm vui ấy tỏa rộng ra tạo nên một diện mạo mới của văn hóa, mang đậm tình người.

Tôi cảm ơn anh Trần Cư đã viết một bài báo rất hay. Hay vì nó nói được một sự thực, với những bằng chứng không thể chối cãi được, cho biết mối quan tâm của Bác tới cái hay, cái đẹp và theo dõi nó từng giờ, ngay trong hoàn cảnh hết sức bận rộn. Chỉ cần ta so sánh việc Bác làm với việc mình làm, ta sẽ hiểu mình nhỏ bé thế nào. Chỉ vì mình tưởng mình quan trọng cho nên mới nhỏ. Chính vì mình tưởng họa chỉ là họa và phúc chỉ là phúc cho nên chẳng bao giờ thay đổi được thân phận mình. Chân lý không phải do một người nào đó ban mà do kinh nghiệm của toàn thể loài người đem đến. Trong số những con người tiêu biểu nhất ấy có một người Việt Nam: Hồ Chí Minh.

Phan Ngọc
Nguồn: Tia Sáng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất