Thứ Năm, 26/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 4/8/2014 9:15'(GMT+7)

Lãng phí chất xám Tiến sĩ, thạc sĩ

Tìm được công việc phù hợp là ước mơ của rất nhiều trí thức trẻ.Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Tìm được công việc phù hợp là ước mơ của rất nhiều trí thức trẻ.Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Tiến sĩ khoa học mở cửa hàng nhạc cụ

Trong quá trình tìm hiểu về những tiến sĩ, thạc sĩ đỗ học bổng theo Đề án 322 (Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài mà bây giờ gọi tắt là Đề án 911), khá nhiều người từ chối trải lòng câu chuyện du học của mình. Đa số họ đều là những người xuất sắc đỗ học bổng này. Giờ đây, cuộc sống của họ khá tốt và có vị trí nhất định trong xã hội. Và đều tiếc nuối về việc mình đã không được làm việc đúng chuyên ngành đã được học. Nhưng có người trong số này tâm sự rằng: Tôi cảm thấy xấu hổ. Bởi mình đã được ăn học ở nước ngoài bằng tiền của nhân dân, nhưng khi về nước lại chẳng thể mang kiến thức ấy phục vụ nhân dân.

Anh T.D, giảng viên ở một trường ĐH kỹ thuật có tiếng ở Hà Nội, là một trong những người may mắn khi trở về được trụ lại nơi làm việc, tuy không được giảng đúng chuyên ngành. Tốt nghiệp TS. một ngành khá xa lạ với Việt Nam “Vật lý âm thanh” tại Vương quốc Bỉ, anh D. những tưởng khi trở về sẽ được bố trí công việc phù hợp với ngành được đào tạo. Nhưng lạ thay, khi trở về không một trường đại học nào hoặc ngành ứng dụng nào có ngành này, sử dụng ngành này. Anh T.D cho biết: “Ở nước ngoài, ngành học này khá phổ biến, đặc biệt ở trường ĐH Kiến trúc. Tuy nhiên, ở Việt Nam không hề có ngành này”. Cũng vì tâm huyết đến môn Vật lý, anh T.D quyết định thi vào làm giảng viên của một trường ĐH kỹ thuật. Tuy nhiên, một vài người bạn cùng trở về nước với anh khi đó đã phải ra ngoài làm, tất cả những người đó đều cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ khoa học.

Theo Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD - ĐT thì tròn 10 năm thực hiện Đề án 322 các cơ quan của cả nước đã gửi đi đào tạo ở nước ngoài 7.129 người, trong đó tiến sĩ là 3.838 người, thạc sĩ là 2.042 người, với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng.
Anh T.D tâm sự: “Khi biết không được bố trí việc làm phù hợp nữa. Bạn mình vốn có đam mê âm nhạc, đã quyết định mở một cửa hàng về nhạc cụ tại Hà Nội. Công việc này cũng giải quyết phần nào đam mê vốn có của cậu ta mà cũng mang lại thu nhập tốt. Do là người biết về kỹ thuật âm thanh nên chả mấy chốc cửa hàng của cậu ấy giữ được uy tín trong lòng những người mua nhạc cụ ở Hà Nội”.

Tuy nhiên, được đề nghị chia sẻ câu chuyện của mình về việc vì sao lại bị khước từ công việc khi trở về nước, vị chủ cửa hàng nhạc cụ này lắc đầu nguầy nguậy: “Chuyện đã qua và luôn mang trong mình một nỗi hổ thẹn là không được mang những kiến thức mình được học về phục vụ đất nước. Và cũng không muốn dính dáng đến cơ quan quản lý mình trước đây”.

Những người được cơ quan cử đi học, hoặc đỗ học bổng theo Đề án 322 trước đây phải làm trái ngành nghề không còn là chuyện lạ nữa. Có những người trong số đó cầm tấm bằng xuất sắc, chẳng kém cạnh với bạn bè quốc tế, nhưng khi về nước thì tấm bằng cũng như kiến thức đi cùng giờ bị… xếp xó đã gợi lại cho họ một kỷ niệm buồn.

Sáng kiến không được hoan nghênh

Một trong những nguyên nhân khiến những tiến sĩ, thạc sĩ bỏ nơi làm việc đã cử mình đi học để ra ngoài làm bởi môi trường làm việc không khuyến khích việc nghiên cứu khoa học.

Đi học bằng học bổng tiến sĩ Đề án 322 ngành hóa thực phẩm, chị T.H háo hức trở về một trường ĐH ở Hà Nội để được cống hiến. Nhưng sau một thời gian, chị đã phải ra làm việc cho một công ty nước ngoài. Chị T.H tâm sự: “Mức thu nhập không phải là vấn đề chính. Có thể nhiều người thất vọng với mức lương cứng của giảng viên nhưng với mức làm thêm giờ, hướng dẫn sinh viên và đi giảng nữa tôi cũng có mức thu nhập dư giả. Điều đáng nói ở đây là những sáng kiến được đưa ra như tổ chức cho sinh viên đi thực tế, tổ chức nghiên cứu khoa học… không được hoan nghênh. Hơn nữa, tôi mong muốn ngoài giờ dạy chính, bản thân được làm trong môi trường nghiên cứu, nhưng trường không đáp ứng được điều này. Tôi quyết định nghỉ”.

Hiện chị T.H đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Chị khá hài lòng với môi trường làm việc năng động. Những ý tưởng của chị đã được phát huy và trân trọng. “Đây là điều khuyến khích tôi không ngừng sáng tạo và cống hiến. Giá như những kiến thức này tôi truyền được cho sinh viên thì tốt biết mấy. Nhưng môi trường làm việc rất quan trọng. Có sự thoải mái, cạnh tranh thì mới phát triển và có hiệu quả được. Hiện tại, tôi vẫn dành thời gian với những sinh viên có thiện ý nhờ sự hướng dẫn của tôi”.

Theo tìm hiểu của PV báo Tin Tức thì câu chuyện như chị T.H không phải là hiếm ở một số trường ĐH. Một số giảng viên tâm sự, họ không khác gì “thợ dạy” để có thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống. Còn tấm bằng tiến sĩ từ nước ngoài, hàng chục năm trời họ tâm huyết, nghiên cứu thì về nước bị… bỏ dở. Những kiến thức ấy không thường xuyên sử dụng cũng sẽ rơi vào quên lãng.

Những nhân vật này khi được hỏi sâu về nơi làm việc cũ đều đề nghị không muốn “đến tai quản lý cũ”. Chia sẻ với PV báo Tin Tức họ vẫn đau đáu về giáo dục nước nhà: Nếu như trước khi cử đi học, trường hoặc Bộ có một lộ trình trước, đồng thời, cần chuẩn bị sẵn môi trường làm việc để khuyến khích theo hướng nghiên cứu thì những đề án như: Đào tạo 20 nghìn tiến sĩ mới có hiệu quả. Bởi khi về nước không thể bố trí được việc làm hoặc làm không đúng chuyên ngành đào tạo thì không thể khuyến khích được họ. Điều này dẫn đến lãng phí chất xám cũng như “thuế của nhân dân đã đóng góp cho những đại diện đất nước đi thu nhận kiến thức bên ngoài”. Một người trong cuộc trải lòng.

Đến với bạn bè quốc tế, họ là những người đại diện cho Việt Nam. Nhưng khi trở về nước, trong hàng ngũ những tiến sĩ, thạc sĩ thì những người như nhân vật trong bài chính là dấu lặng cần suy ngẫm.


GS. TSKH Nguyễn Đăng Hưng:

Cần tạo môi trường nghiên cứu khoa học xứng tầm quốc tế


Nghiên cứu khoa học trong hoàn cảnh đại học hiện nay là cả một vấn đề. Cụ thể, hạ tầng thiếu thốn, tâm lý làm việc trì trệ khiến cho những tiến sĩ, thạc sĩ về nước cảm thấy thất vọng. Những điều này khác xa với môi trường mà họ được đào tạo. Đây là một sự lãng phí lớn về chất xám. Muốn thay đổi cần có lộ trình rõ ràng cho những tiến sĩ, thạc sĩ khi trở về nước. Bên cạnh đó cần tạo môi trường nghiên cứu khoa học năng động trong chính các trường đại học để giữ chân những người giỏi. Tiền thuế của nhân dân không được sử dụng đúng mức và hiệu quả.

Đại biểu quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh):

Cần phân luồng để tìm cách xử lý


Thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về có nhiều nguồn. Nhiều người học xuất sắc nhưng cũng có người đi du học tự túc với trình độ bình thường. Tôi nghĩ cần phân luồng ra mới có chế độ xử lý. Người bình thường thì cứ theo thị trường lao động. Cơ sở nào chấp nhận người đó thì cứ tuyển theo năng lực và yêu cầu của cơ sở. Còn với người thực sự có tài năng mà Nhà nước đưa đi đào tạo thì có cơ chế sử dụng cho hợp lý, nhất là chương trình đưa người đi đào tạo theo ngân sách nhà nước thì quản lý chặt chẽ hơn, có bố trí sử dụng hợp lý trên đánh giá kết quả học tập của người đó. Vấn đề đó cần được quan tâm. 
 
Theo Báo Tin tức
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất