Thứ Sáu, 18/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 8/3/2023 9:35'(GMT+7)

Trường Chính trị Bắc Giang nâng cao hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị

Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị cho 58 học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tỉnh Bắc Giang, khóa học 2021 - 2023 là cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh Bắc Giang.

Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị cho 58 học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung tỉnh Bắc Giang, khóa học 2021 - 2023 là cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh Bắc Giang.

 

TĂNG CƯỜNG ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương chức, dự nguồn và các chức danh lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở; trưởng, phó phòng cấp huyện và sở, ban, ngành tỉnh. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn ở địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân...; Phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của nhà trường, những năm qua Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm sâu sắc đến việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập lý luận chính trị. 

Hiện tại, trường có 3 khoa: Lý luận cơ sở, Xây dựng Đảng, Nhà nước và pháp luật; 2 phòng (phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học; phòng Tổ chức hành chính, thông tin, tư liệu) với tổng số 50 cán bộ, giảng viên, chuyên viên và người lao động. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng cao, Nhà trường đã duy trì và mở mới tổng số 24 lớp với gần 2000 học viên gồm các loại hình đào tạo, bồi dưỡng và liên kết.

Thành quả đáng trân trọng của đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị của Nhà trường là đã bám sát các điểm nóng của thực tiễn xã hội, đào sâu các vấn đề lý luận, thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp, chương trình, giáo trình, nội dung giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với định hướng và chiến lược phát triển chung. Việc học tập lý luận chính trị có những chuyển biến tích cực; người học không chỉ thụ động tiếp thu bài giảng, mà tham gia vào quá trình tương tác tích cực với giảng viên, thể hiện tư duy phê phán, sáng tạo trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin, đồng thời bày tỏ sự quan tâm thường xuyên đến những biến đổi của thực tiễn xã hội, của Tỉnh, qua đó nâng cao trách nhiệm công dân của mình.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại. Cơ cấu chương trình, giáo trình và nội dung bài giảng, nhất là phần liên quan đến các khoa học Mác – Lênin vẫn còn một số bất cập. Việc giảng dạy một số nội dung môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh còn thiên về tính giáo huấn, chưa kịp thời cập nhật những nội dung thiết thực, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn xã hội và trong nhận thức. Một số nội dung giảng dạy vẫn còn tình trạng chung chung, chưa đổi mới, gây ảnh hưởng tâm lý, hiệu quả trong giảng dạy, học tập. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tổ chức đào tạo chuyên ngành chưa được đầu tư đúng mức, việc chuẩn hóa đội ngũ còn nhiều bất cập. Tình trạng xem nhẹ các môn lý luận chính trị, quan niệm “học cho qua, học để đối phó” chứ không vì nhu cầu bồi dưỡng thế giới quan và phương pháp luận khoa học vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một bộ phận học viên. 

Hội nghị trao đổi về công tác xây dựng Trường Chính trị chuẩn tại Bắc Giang

Hội nghị trao đổi về công tác xây dựng Trường Chính trị chuẩn tại Bắc Giang

TẬP TRUNG NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ TẦM QUAN TRỌNG VÀ Ý NGHĨA VIỆC HỌC TẬP VÀ GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN  CHÍNH TRỊ

Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học các môn lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, xây dựng nhận thức đúng đắn cho các cấp quản lý, giảng viên và học viên của Nhà trường về tầm quan trọng và ý nghĩa khoa học và thực tiễn của các môn lý luận chính trị trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Lực lượng cán bộ quản lí của Nhà trường cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát quá trình dạy - học để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất cập  trong tiến trình đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực, hiện đại; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ quá trình dạy - học của thầy và trò; khắc phục tình trạng giảng viên phải giảng những lớp ghép ở hội trường với số lượng học viên quá đông; tạo điều kiện thực hiện đẩy mạnh đổi mới quá trình dạy - học theo hướng tích cực, hiện đại.

Hai là, đổi mới chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị, nhằm hướng tới giúp học viên nắm được những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối cách mạng của Đảng trên cơ sở cập nhật, bắt kịp với những biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới. 

Nội dung của các môn lý luận chính trị vừa phải đảm bảo tính hệ thống của chương trình đào tạo, vừa phải hình thành và phát triển tư duy lý luận cho học viên, nhưng mặt khác phải lựa chọn những vấn đề lý luận gắn liền với thực tiễn công cuộc đổi mới đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay nói chung, Bắc Giang nói riêng. Chương trình giảng dạy các môn lý luận chính trị phải đảm bảo gắn những vấn đề lý luận với thực tiễn một cách chặt chẽ, hữu cơ nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo và hứng thú học tập của học viên. Nội dung các môn lý luận chính trị phải mang tính Đảng, tính chính trị, tính khoa học và tính thực tiễn sâu sắc, với mục đích là góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng thời đấu tranh phê phán những nhận thức sai trái, những luận điểm xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Ba là, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải được đào tạo cơ bản, ngoài chuyên môn tốt, phải thật sự là tấm gương mẫu mực về nhân cách, có trách nhiệm chính trị cao, niềm tin vững vàng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, vào lý tưởng và con đường mà Đảng ta đã lựa chọn.

Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, tích hợp các biện pháp, công cụ giảng dạy, phương pháp giảng dạy kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa lý luận và thực tiễn. Triển khai giảng dạy các môn lý luận chính trị theo tinh thần cải tiến cách dạy, cách học, giảm tải giờ lí thuyết; chú  trọng đặt và giải quyết vấn đề; tăng cường tranh luận; vừa đào sâu, vừa mở rộng kiến thức đang học…, 

Đổi mới phương pháp đánh giá, để vừa không tạo áp lực đối  với học viên, vừa kiểm tra được sự lĩnh hội những kiến thức cơ bản của học phần vừa phát huy được tính sáng tạo, khả năng vận dụng lý luận để giải thích các vấn đề của thực tiễn của học viên. Cần tiến hành thường xuyên việc đánh giá học viên trong suốt quá trình học tập, đa dạng các hình thức đánh giá đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực. Không chỉ đánh giá về kiến thức mà còn đánh giá được năng lực tự học, khả năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề của học viên. Giảng viên cần tạo điều kiện thuận lợi để học viên được tham gia đánh giá lẫn nhau; tránh tập trung đánh giá vào cuối học kỳ và đa dạng các hoạt động đánh giá để người học có cơ hội thể hiện sự tiến bộ của mình trong quá trình học.

Đội ngũ giảng viên các môn lý luận chính trị cần tự nâng cao trình độ của mình trên cả 2 phương diện, kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ thông qua con đường tự học, tự nghiên cứu: Giải quyết hài hòa giữa các quỹ thời gian: thời gian dành cho nghiên cứu khoa học và dành cho việc chuẩn bị giảng dạy, giảng dạy, hướng dẫn học tập và đánh giá học tập; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn đổi mới. Các phương tiện và công nghệ hiện đại phải được tăng cường áp dụng trong giảng dạy và học tập một cách hợp lý để tiết kiệm thời gian, giảm nhẹ cường độ lao động dạy học; gây hứng thú học tập cho học viên; Nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên được tham dự  đầy đủ các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục tổ chức; tổ chức học tập, nghiên cứu các tài liệu lý luận nghiệp vụ tại Khoa, bộ môn, tại Trường; tăng  cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn và vận dụng giải quyết từng vấn đề theo yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học.

Bốn là, kết hợp giữa tham khảo, học tập kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo khác ở trong và ngoài Tỉnh về dạy học lý luận chính trị với việc kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn dạy học của Nhà trường trong nhiều năm qua. 

Năm là, hàng năm cần có hình thức tổng kết, đánh giá việc thực hiện dạy học các môn lý luận chính trị để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. 

Sự tham gia nhận xét, đánh giá phải từ nhiều phía: lãnh đạo Nhà trường, các phòng, khoa, bộ môn; các giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị – đây chính là những người hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, những ưu điểm, nhược điểm, nhất là những vấn đề thuộc về “bếp núc” của từng môn học để có thể kịp thời có những đề xuất điều chỉnh. Đây là việc làm cần thiết đối với những môn khoa học giữ vị trí nền tảng tư tưởng được dạy học trong Trường Chính trị Tỉnh hiện nay.

Giảng dạy lý luận lý luận chính trị là mang đến hiểu biết khoa học, truyền niềm tin, tình yêu khoa học, yêu cuộc sống, Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội cho học viên. Để làm được điều đó, người giảng viên phải hiểu đúng, hiểu rõ, hiểu kỹ, hiểu đầy đủ và sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta. Hơn nữa, sự hiểu ấy phải biến thành niềm tin vững chắc, biến thành đạo đức, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Có như vậy mới có thể giảng đúng, giảng sâu, giảng hay và mới có thể thuyết phục được người học. Trên cơ sở như thế, học viên mới có thể hiểu và có cơ sở để tin, để yêu và biến thành khát vọng hành động. Do đó, giảng viên các môn lý luận chính trị ở Nhà trường phải có trình độ chuyên môn, có bản lĩnh khoa học, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với lý tưởng của Đảng, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng. 

 

  TS. Bùi Văn Huấn
Trường Chính trị Bắc Giang


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất