(TG) - Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), sáng 28/4,
đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến
tham quan Triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam”.
Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 26/4 đến 8/5/2022, tại Không gian triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Với 70 bức ký họa được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam giai đoạn 1954-1975, Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền Nam” giúp công chúng có thêm góc nhìn khác về con người, cuộc sống và cuộc chiến tranh đầy cam go của quân dân Nam Bộ. Với những chất liệu đơn giản như màu nước, bút sắt, chì, bột màu... các tác phẩm đã khắc họa được rõ nét hình ảnh sinh động, chân thực và đầy cảm xúc về những anh giải phóng quân, cô dân quân, những người phụ nữ miền Nam anh dũng.
Đồng chí Trần Thanh Lâm trao tặng lẵng hoa của Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Triển lãm.
Thông qua những bức vẽ, các họa sỹ - chiến sỹ đã ghi lại “trang nhật ký chiến trường” về con người, cuộc sống nơi "Thành đồng Tổ quốc" trong những năm tháng kháng chiến. Có thể kể đến ký họa: “Xuân trong hầm Pháo,” “Nghỉ đêm trong làng” của tác giả Thái Hà; “Trận Bình Giã 1965,” “Vượt sông đêm” của tác giả Huỳnh Phương Đông; “Trên đường vào Nam cắt tóc,” “Chị Quyên” của tác giả Lê Lam…
Triển lãm không chỉ trưng bày nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn góp phần khẳng định thành quả của mỹ thuật cách mạng. Đây là một điểm son rất riêng của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, làm phong phú thêm nền mỹ thuật hiện đại thế giới, đặc biệt ở mảng ký ức tư liệu nghệ thuật.
Đồng chí Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng trực tiếp giới thiệu các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm với đồng chí Trần Thanh Lâm và các đại biểu.
Triển lãm cũng là dịp để tri ân, tôn vinh những chiến sỹ - họa sỹ đã đóng góp sức lực, tài hoa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm dày thêm trang sử Việt Nam bằng nghệ thuật. Qua đó bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về tinh thần yêu nước, yêu hòa bình và lòng tự hào dân tộc.
* Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đã có cuộc trao đổi - làm việc với Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm chuyển đề; công tác sưu tầm, bảo quản, phục chế, trưng bày và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật, các tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của nước nhà tới công chúng trong và ngoài nước; những khó khăn, bất cập trong tình hình hiện nay; việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chuyên môn - nghiệp vụ của Bảo tàng...
Đồng chí Trần Thanh Lâm trao đổi-làm việc với Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng cho biết, nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Thành lập năm 1966, đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được một khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh được cơ bản lịch sử phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam - một nền mỹ thuật lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bảo tàng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số. Cuối năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là đơn vị duy nhất được trao Giải thưởng Cơ quan nhà nước, Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc - một hạng mục quan trọng tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 - Vietnam Digital Awards (VDA 2021).
Đồng chí Nguyễn Anh Minh tặng đồng chí Trần Thanh Lâm cuốn sách "Tác phẩm mỹ thuật sưu tập chọn lọc" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng đã đưa những triển lãm, tác phẩm hội họa nổi tiếng Việt Nam lên không gian số. Ứng dụng iMuseum VFA xuất phát từ nhu cầu cải thiện chất lượng tham quan cho du khách, đồng thời nắm bắt được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản mỹ thuật nói riêng.
Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đã ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, liên kết với iMuseum VFA để khách hàng có thể trả phí, khai thác thông tin chi tiết hơn và tham quan trực tuyến khi có nhu cầu.
Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh số hoá các tài liệu, hiện vật để phát huy một cách hiệu quả nhất các di sản mỹ thuật./.
Tin, ảnh: Văn Quán