Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 29/7/2009 21:47'(GMT+7)

Lào Cai tập trung đầu tư cho các huyện nghèo

Ðúng ngày quy định, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) xã Thanh Bình (Mường Khương), rất nhiều bà con các dân tộc đến giao dịch vay vốn, trả nợ, lãi với Tổ giao dịch lưu động của Phòng giao dịch NHCSXH Mường Khương. Sau khi nhận được vốn vay, ông Lồ Sào Củi dân tộc Mông, thôn Tả Thền vui vẻ cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo thường xuyên vay vốn ngân hàng để sản xuất và luôn trả nợ đúng hạn, đúng cam kết, gần đây vay 30 triệu đồng để nuôi trâu, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 0,65%/tháng. Ðược biết thông tin về Nghị quyết 30a, hôm nay, ông vay thêm năm triệu đồng, thời hạn hai năm, lãi suất 0% để mua lợn, gà giống phát triển chăn nuôi. Theo Chủ tịch UBND xã Lồ Phủ Dìn, địa bàn cơ sở có 11 dân tộc, trong đó dân tộc Nùng chiếm 50% dân số, dân tộc Mông chiếm 25%; các hộ vay vốn NHCSXH đều sử dụng đúng mục đích như: chăn nuôi trâu, bò, cá, làm trang trại, trồng rừng, ngô, đậu tương, ớt, chè, thuốc lá nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa; đến nay 331 hộ nghèo vay 4,471 tỷ đồng, dư nợ cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 128 triệu đồng, dư nợ cho hộ gia đình vay sản xuất, kinh doanh 254 triệu đồng, dư nợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay 25 triệu đồng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 4% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) các hộ vay vốn đều trả được nợ, duy nhất một trường hợp do chủ hộ bị tai nạn chết là không trả được. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Mường Khương Bùi Ðức Thắng cho biết, đến nay, phòng giao dịch cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất đạt dư nợ 15 tỷ đồng trên tổng dư nợ 107,6 tỷ đồng; cho vay làm nhà ở 4,024 tỷ đồng (503 hộ); nhận đơn xin vay của 787 hộ nghèo, cho 40 hộ vay 200 triệu đồng theo Nghị quyết 30a.
Tại Trụ sở UBND xã Cán Cấu (Si Ma Cai), bà con đến giao dịch với Tổ giao dịch lưu động của phòng giao dịch NHCSXH Si Ma Cai, ngồi kín ba hàng ghế dài. Trong lúc chờ làm thủ tục vay vốn, các chị Siệu Thị Mai và Thào Thị Chợ đều là dân tộc Mông cho biết, trước đây gia đình vẫn vay vốn Phòng giao dịch để chăn nuôi trâu, trả được nợ và có lãi. Biết thông tin về Nghị quyết 30a được vay năm triệu đồng lãi suất 0%, ngoài ra có chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, nên hôm nay mỗi chị đến vay 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Các văn bản về chính sách, tín dụng đều được dán công khai tại nơi giao dịch, cập nhật đầy đủ, đặc biệt có bảng kê dư nợ chi tiết của từng hộ để đối chiếu, theo dõi, kiểm tra, tránh tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các hộ để vay vốn trục lợi cho cá nhân.

Theo Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH Si Ma Cai Trần Duy Ðông, sau hai tháng triển khai Nghị quyết 30a và chính sách hỗ trợ lãi suất, tổng dư nợ cho vay đạt 23,563 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo 17,161 tỷ đồng, với 833 hộ vay, còn lại là dư nợ cho vay các chương trình: học sinh, sinh viên; nước sạch và vệ sinh môi trường; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Huyện Bắc Hà còn hơn 51% hộ nghèo. Ðược sự quan tâm đầu tư vốn, hằng năm, tín dụng cho vay hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ từ NHCSXH tăng trưởng từ 35% đến 40%. Phòng giao dịch NHCSXH Bắc Hà chủ động tham mưu giúp Huyện ủy, UBND huyện triển khai Nghị quyết 30a và các chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay làm nhà ở; phối hợp Phòng lao động-thương binh và xã hội xây dựng kế hoạch về nhu cầu vốn vay và số lượng từng loại đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giám đốc phòng giao dịch Vàng Văn Thành cho biết: Sau hơn hai tháng triển khai, dư nợ cho vay hộ nghèo theo Nghị quyết 30a đạt 1,18 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ lãi suất các chương trình là 18,147 tỷ đồng, trên tổng dư nợ 104,798 tỷ đồng.

Ðồng bộ các giải pháp

Theo Chi nhánh NHCSXH Lào Cai, dư nợ cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách đến ngày 30-6 đạt 958,552 tỷ đồng, trong đó 105 tỷ đồng được giảm lãi suất 4% theo Quyết định số 579/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðể triển khai hiệu quả Nghị quyết 30a, chi nhánh đã thành lập ba tổ công tác tại ba huyện nghèo do ba đồng chí trong Ban giám đốc chi nhánh làm tổ trưởng để  tập trung điều hành. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hệ thống chi nhánh NHCSXH phối hợp chặt chẽ với bốn tổ chức chính trị-xã hội ủy thác cho vay, tuyên truyền, phổ biến chính sách, thực hiện tín dụng ưu đãi góp phần tích cực, quan trọng vào giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương. Ngay trong năm 2009, chi nhánh điều chỉnh tăng kế hoạch dư nợ tín dụng so với năm 2008, đối với huyện Bắc Hà mức tăng là 55,657 tỷ đồng, Mường Khương: 45,492 tỷ đồng, Si Ma Cai: 35,076 tỷ đồng. Tính chung ba huyện, mức tăng kế hoạch dư nợ tín dụng là 136,315 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng mức tăng kế hoạch dư nợ tín dụng toàn chi nhánh.

Tuy nhiên, việc triển khai mới là bước khởi động ban đầu, còn nhiều vấn đề phát sinh trong thực hiện cần được xử lý, hoàn thiện, như chính sách, cơ chế tín dụng ưu đãi triển khai cùng lúc, gây nhiều khó khăn trong công tác nghiệp vụ hạch toán, tổng hợp, thống kê, kiểm tra, giám sát, đòi hỏi phải xử lý nhanh bằng công nghệ thông tin, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng mở sổ, ghi chép ban đầu đến hộ, tổ tiết kiệm và vay vốn; công tác đổi sổ vay vốn, thực hiện phát hành biên lai thu lãi cùng tiến hành, tạo ra khối lượng công việc lớn có tính đột xuất, trong khi hệ thống chi nhánh, nhất là tại ba huyện nghèo vẫn đang thiếu nhân lực ở những khâu quan trọng như tín dụng, kế toán, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công việc.

Theo khảo sát, điều tra, các huyện nghèo của Lào Cai có tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất hàng hóa về cây trồng, vật nuôi, có thị trường tiêu thụ lớn, nhân dân các dân tộc thiểu số chịu khó, chăm chỉ, có kinh nghiệm làm ăn và nhanh nhạy tiếp thu kiến thức kỹ thuật mới, do đó cần ưu tiên tăng mạnh nguồn vốn tín dụng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hộ, hình thành vùng chuyên canh rộng lớn. Bên cạnh đó, cần mở rộng tín dụng phát triển dịch vụ giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển, tăng cường quản lý thị trường, khắc phục tình trạng ép giá. Cùng với tín dụng ưu đãi là thực hiện đồng bộ các giải pháp tác động vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo cơ sở bảo đảm giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bao Nhandan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất