Thứ Bảy, 21/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 25/8/2013 8:37'(GMT+7)

Lào Cai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc

Thêu hoạ tiết trên vải lanh của đồng bào dân tộc Dao (Lào Cai).

Thêu hoạ tiết trên vải lanh của đồng bào dân tộc Dao (Lào Cai).

Thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 3/1/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), trong đó có nội dung về công tác dân tộc, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai (khoá XIV) đã gắn việc thực hiện công tác dân tộc với thực hiện có hiệu quả 07 chương trình trọng tâm được cụ thể hoá thành 27 đề án toàn khoá hướng về cơ sở nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có 13 dân tộc với 25 ngành nhóm khác nhau thuộc các ngữ hệ chủ yếu của Việt Nam. Do đó, công tác dân tộc luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng, tập trung đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, có trạm y tế, có điện lưới quốc gia; đường giao thông liên thôn được phát triển mạnh, đáp ứng nhu  cầu đi lại và lưu thông thị trường; các công trình thuỷ lợi được bê tông hoá, đảm bảo tưới tiêu cho 85% diện tích ruộng; 84% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Đặc biệt, thời gian qua địa phương đã chú trọng lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia với các chương trình của địa phương cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo; thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như: trợ giá, trợ cước, sắp xếp ổn định dân cư… đảm bảo cho nhân dân vùng cao, vùng dân tộc phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống.

Để tạo nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số nhằm đáp nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, công tác đầu tư cho giáo dục đặc biệt được chú trọng. Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, đến nay 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; các thôn bản ở xa trung tâm xã đều có điểm trường (phân hiệu); 9/9 huyện thành phố đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; chế độ, chính sách về giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai nghiêm túc

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số được quan tâm thích đáng; có chính sách cho các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc, qua đó thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương từ nông - lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Từ năm 2010 đến hết tháng 6/2013, toàn tỉnh có 9.340 lao động được đào tạo nghề dưới 1 năm, trong đó lao động người dân tộc thiểu số chiếm 82,6%, với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng; lao động qua đào tạo nghề được bố trí việc làm là 6.351 người; 501 lao động dân tộc thiểu số ở các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai tham gia xuất khẩu lao động theo chủ trương của Chính phủ, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Đối với việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến rõ nét: 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh có trạm y tế và cán bộ y sĩ đa khoa; 95,6% thôn, bản có nhân viên y tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Thông qua tiếp cận các dịch vụ y tế và hưởng chính sách khám chữa bệnh miễn phí đã từng bước xoá bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao sức khoẻ cho đồng bào.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch tỉnh: Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai” đã cụ thể hoá thành nhiều chương trình, dự án phù hợp với đặc điểm của địa phương, góp phần tích cực trong cuông cuộc xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn việc phát huy tri thức về văn hoá lanh với vấn đề sản xuất sản phẩm thổ cẩm, tri thức phòng chống cháy rừng vùng người Hmông và người Dao, tri thức chăm sóc sức khoẻ bằng hệ thống thảo dược và bài thuốc gia truyền của người Dao; các hoạt động văn hoá thể thao, lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc được duy trì tổ chức… đã khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào. Việc cải tạo tập quán lạc hậu trong đồng bào đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là đã hạn chế việc thách cưới cao, cơ bản hạn chế được hôn nhân cận huyết thống, tình trạng người chết không cho vào áo quan được xoá bỏ.

Đạt được những kết quả trên chủ yếu là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc, đặc biệt là  Chương trình 168-Ctr/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về việc thực hiện Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị được các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng có hiệu quả tình hình thực tế; đồng thời, có sự tích cực vào cuộc của cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để công tác dân tộc đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới, tỉnh Lào Cai tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về “công tác dân tộc”, gắn với việc thực hiện 27 đề án toàn khoá của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhất là ở cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong việc phối hợp thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc.

Tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; phát huy tính tự lực tự cường, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, qui hoạch, đào tạo cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương xứng với tỷ lệ dân số, nâng cao chất lượng dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.  Đặc biệt, cần thực hiện tốt chính sách phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cơ sở; tiếp tục làm tốt công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho người dân; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dung vấn đề dân tộc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Bài, ảnh: Nguyên Sa
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất