Đòi hỏi cao từ thực tiễn
Năm 2018, ngành Tổ chức xây dựng Đảng TP Hà Nội xác định 10 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Để đưa Nghị quyết số 18-NQ/TƯ vào cuộc sống, thành phố dự kiến thực hiện 8 nhiệm vụ chung, 9 nhiệm vụ thường xuyên, trong đó hầu hết đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Có nhiều nhiệm vụ khó, như: Tiếp tục rà soát để giảm đầu mối trực thuộc các ban, sở, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị từ thành phố đến cơ sở và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trực thuộc; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của thành phố về tổ chức bộ máy để khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo...
Hà Nội phấn đấu hoàn thành trước một năm so với yêu cầu của Nghị quyết 39-NQ/TƯ. Để đạt mục tiêu này, trước mắt, năm 2018 thành phố tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ. Trong đó, riêng việc nghiên cứu, thí điểm, đề xuất đề án, mô hình mới có 9 nội dung phải làm với nhiều việc rất mới, như: Đề án mô hình kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo chủ chốt tại các quận, huyện, thị xã như bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND; trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị; trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra; trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ...; các đề án về hợp nhất cơ quan văn phòng, mô hình Văn phòng Thành ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc hay hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND quận, huyện, thị xã ở nơi có điều kiện; thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; đề án nâng cấp một số huyện thành quận...
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm nay còn là tiếp tục tham mưu thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” song song với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành trong năm nay, phải giải quyết xong 118 vụ việc phức tạp còn lại...
Nâng cao hiệu quả công tác từ mỗi vị trí việc làm
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố quyết tâm đổi mới phong cách, lề lối công tác, coi đây là động lực. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, ngành sẽ gương mẫu thực hiện trước và thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết 39-NQ/TƯ, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Để làm được điều đó, song song với việc đào tạo, bồi dưỡng, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao tinh thần phục vụ. Từ năm 2018, toàn bộ việc điều hành công việc của Ban Tổ chức Thành ủy sẽ được ứng dụng công nghệ thông tin. “Chúng tôi sẽ bám sát cơ sở, bám sát công việc, thường xuyên đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở” - đồng chí Vũ Đức Bảo khẳng định.
Tinh thần và quyết tâm đổi mới công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tổ chức, cán bộ nói riêng đã, đang lan tỏa từ Thành ủy xuống cấp ủy cơ sở. Nhiều cấp ủy đang tích cực đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Đáng chú ý, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sơn cho biết, năm 2018, Ban Tổ chức Huyện ủy tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, thành lập các tổ công tác đi dự sinh hoạt với cấp ủy chi bộ và đoàn thể chính trị ở cơ sở, nhất là những nơi có khó khăn, cần quan tâm củng cố.
Còn theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông Nguyễn Tiến Quyết, năm 2018, Ban Tổ chức Quận ủy sẽ tham mưu hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ theo chuẩn chức danh; đánh giá theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của quận cũng sẽ tập trung theo chức danh và kỹ năng xử lý tình huống. Quận phấn đấu thực hiện luân chuyển để chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường không là người địa phương.
Mặc dù còn khó khăn, nhưng công tác tổ chức xây dựng Đảng thành phố cũng có nhiều thuận lợi, nhất là thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, chú trọng đến công tác này. Đặc biệt, theo Chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Trung ương, trong tháng 2-2018, Ban Tổ chức Trung ương sẽ thành lập tổ công tác do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình dẫn đầu, làm việc hằng tuần, hằng tháng để giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Với quyết tâm chính trị, đặc biệt là sự đổi mới từ tư duy đến hành động, ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ tạo ra bước chuyển mới trong thực thi nhiệm vụ năm 2018.
Hiền Lương/HNM