Từ ngàn xưa, ở đâu có người Việt an cư, lạc nghiệp là ở đó có đình, chùa. Đình, chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh, là nơi người Việt gửi gắm khát vọng bình an.
Với quân, dân ở thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đi chùa những ngày đầu năm không chỉ để cầu may, tìm sự bình an, mà còn là hướng về cội nguồn dân tộc.
Tết đến, xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Phong tục đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét văn hóa tâm linh, một việc làm không thể thiếu trong đời sống mỗi người dân Việt. Ở Trường Sa, đồ lễ chùa ngày Tết đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh quy… mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.
Xúng xính trong những bộ đồ mới, gia đình anh Nguyễn Huy Cường và hai con, cùng với 6 hộ dân khác sinh sống trên đảo Song Tử Tây gác lại những việc trong gia đình để cùng nhau lễ chùa đầu năm. Giữa đảo xa, lễ chùa với gia đình anh không chỉ là dịp cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống của quân và dân trên đảo được bình yên mà còn là dịp để gia đình hướng về tổ tiên, dân tộc. “Các hộ dân thường lên chùa thắp hương vào ngày mùng Một, ngày rằm và những dịp đầu xuân năm mới. Ở ngoài đảo xa xôi, cách xa đất liền, chùa là nơi chúng tôi lui tới thắp hương, chúng tôi rất an lòng khi ngày nào cũng được nghe tiếng chuông chùa vọng vang giống như trong đất liền vậy”- anh Cường tâm sự.
Thướt tha trong trang phục áo dài truyền thống, các cô gái trên đảo Song Tử Tây cười nói rộn ràng cùng lễ chùa đầu năm. Với các chị, lễ chùa đầu năm là dịp để gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống thanh bình trên đảo, cầu cho biển lặng để những chuyến đánh bắt của người chồng được bình yên. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu năm cũng giúp các chị, những gia đình trẻ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Chị Vi Thu Trang chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ ngày mồng 1 tết là các gia đình trên đảo rủ nhau lễ chùa đầu năm.
Cùng cầu chúc cho xuân sang tươi mới, bình yên và gặp nhiều may mắn. Ở giữa đảo xa, được đi lễ chùa đầu năm, tham gia các hoạt động vui xuân cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp chúng tôi có thêm nghị lực bám đảo, bám biển, góp phần nhỏ bảo vệ vùng biển, đảo của chúng ta.
Không chỉ có các hộ dân đi lễ chùa đầu năm, chùa cũng là nơi thường xuyên lui tới của các chiến sĩ hải quân, cán bộ trạm hải đăng, thầy giáo… Các anh đến với chùa như muốn gửi gắm những lời yêu thương, lời chúc năm mới vào tiếng chuông chùa vang mãi về đất liền, về với gia đình. Các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của quân, dân trên đảo, ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở ngư trường Trường Sa cũng thường xuyên lên chùa thắp hương cầu cho trời yên biển lặng và những chuyến đánh bắt bội thu. Và bao đời, những ngôi chùa sừng sững giữa quần đảo Trường Sa là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa bờ, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếng kinh cầu của thầy trụ trì vang vọng cả một vùng đảo thanh bình, biển trời Trường Sa chộn rộn sang xuân. Trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo như Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh... có một điều đặc biệt tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long - Hà Nội như tấm lòng của mọi người Việt hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng cuộc sống hòa bình, hữu nghị như tấm lòng nhân hậu bao đời nay của người dân Việt Nam.
Quang Thái (TTXVN)