Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 12/9/2011 20:58'(GMT+7)

Lê Đại Cang (1771- 1847) – Người có công bảo vệ phên dậu phía Nam

          Một lần về công tác tại Bình Định, dừng lại ở làng Luật Chánh thuộc huyện Tuy Phước, tôi đến thăm Từ đường họ Lê. Khu Từ đường rộng rãi, khang trang giữa một vùng lúa trù phú của miền Trung. Trải qua bao cuộc binh đao, lửa đạn, ngôi Từ đường được tu bổ lại nhiều lần nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, truyền thống. Trong gian thờ chính điện, ngoài hoành phi, câu đối… khách đường xa dễ nhận ra một kỉ vật lạ là chiếc đòn khiêng võng.

            Hỏi ra mới biết chiếc đòn khiêng võng này không phải để dùng cho ông quan văn Lê Đại Cang (1771 – 1847), người đã từng giữ chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn: Tri huyện Tuy Viễn (1802); Thiên sự bộ binh (1810), trợ tá Tướng quân Lê Văn Duyệt ở phủ Lạc Hoà - thành Gia Định, quan Thị Lang, Tham tư Bộ Lễ, quan cai bạ ở Quảng Nam, Vĩnh Long; Hiệp trấn Sơn Tây, Khâm sai đại thần từng coi việc đê điều; giữa ấn triện Tổng trấn Bắc thành, Thượng thư Bộ binh, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang; Tổng đốc Ninh Bình, Hà Nội; Khâm sai Bắc kì bang giao sứ vụ…

             Lịch sử của chiếc đòn khiêng cáng được đặt trang trọng trong nhà thờ họ Lê ở Luật Chánh đánh dấu những ngày tháng ông quan Lê Đại Cang bị triều đình cách chức xuống làm anh lính dõng, lao công đào binh, đi khiêng cáng. Lần ấy, năm 2833, Lê Văn Khôi - một viên tướng của Lê Văn Duyệt sau khi câu kết với giặc ngoại  bang nổi loạn đánh chiếm vùng đất An Giang - Hà Tiên, quan quân lương ít, binh yếu không giữ được đất, quan Tổng đốc Lê Đại Cang cùng các ông Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo, Tuần phủ Vĩnh Long Tô Trấn, Án sát Ngô Bá Toàn đều bị triều đình cách chức. Làm lính nhưng Lê Đại Cang không nản lòng. Ông đã chiêu tập lại đám binh mã vừa thua trận, tập hợp dân binh các làng cùng với quan quân triều đình vào cứu viện, đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi, lập nên công trạng và được vua Minh Mạng phục chức.

                Đúng 6 năm sau (1839), Lê Đại Cang gặp nạn lần thứ 2 khi ông bày tỏ quan điểm bảo vệ những người dân Khơ me trên vùng đất Tây Nam bộ bảo vệ phên dậu phía Tây Nam trái với ý muốn của triều đình. Thêm một lần vị Tham tán đại thần trấn Tây bị điều đi làm lính khiêng võng tại Trà Ghi.

                Lê Đại Cang trải qua 41 năm làm quan, làm lính dưới 3 triều vua nhà Nguyễn: vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, bắt đầu từ năm 1802 đến 1940. Đây là giai đoạn đất nước ta trải qua nhiều biến động phức tạp. Chấm dứt triều đại Tây Sơn, nhà Nguyễn bước vào giai đoạn củng cố quyền lực, xây dựng hệ thống chính trị, quân sự, khôi phục nền kinh tế vốn bao năm suy kiệt bởi nạn binh đao. Nhưng có một việc quan trọng triều Nguyễn đã làm được là củng cố giải đất phương Nam vốn lâu nay ít được chú ý và luôn xảy ra những điều bất ổn về mặt địa giới, chính trị, quân sự và tập hợp nhân dân; phức tạp, đa sắc, đa tôn giáo để củng cố vùng đất mới. Vị quan triều Nguyễn Lê Đại Cang vừa là một nhân chứng lịch sử, hơn nữa ông còn có công góp vào việc hoạch định các chính sách của vương triều Nguyễn, được vua Gia Long , vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị yêu quý tin dùng, trọng người tài. Đấy là lí do khi Thiệu Trị lên ngôi đã phục hồi chức quan cho Lê Đại Cang, cử ông đặc cách bang giao với nhà Thanh, giữ chức Viên ngoại lang, Khâm sai Bắc kì rồi Bố chánh Hà Nội khi đã ở tuổi ngoài 70.

                Lê Đại Cang là một nhà nho, văn võ toàn tài. Các tác phẩm Nam hành thi tập, Tĩnh Ngu thi tập của ông còn  lại đến ngày nay càng khẳng định ông là một thi nhân; đồng thời qua các tác phẩm này, ngày nay giúp chúng ta hiểu được công việc khai mở đất đai bờ cõi của cha ông ta gần 200 năm trước; cuộc sống của người dân  miền Tây sông nước … qua các tập kí Nam hành, Tục Nam hành… Chỉ cuốn phả ghi lại dòng họ Lê ở làng Luật Chánh  - Tuy Phước đã có nhiều giá trị về văn bản học. Lê Đại Cang quan niệm: “Tộc phải có phả như nước có sử, không sử thì truyền thống ngày càng sa sút, văn hiến rơi vãi, không phả thì thế hệ không rõ, cội nguồn mờ mịt”. Bản gia phả của Lê Đại Cang là bài học sâu sắc về tư tưởng và đạo đức của người xưa, tuy quan niệm, ý thức hệ còn chịu nhiều ảnh hưởng của thời đại phong kiến, song chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học quý về đạo làm người, trở thành những đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

 ĐKC

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất