(TCTG) - Trong không khí tưng bừng chào đón Xuân mới Kỷ Sửu, chiều 15/1, tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư- Hà Nội) khai mạc Lễ hội "Câu đối, Hoa và Đồ uống Tết" lần 3- 2009. Lễ hội do Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, Hiệp hội Bia- Rượu- Nước giải khát Việt Nam phối hợp tổ chức.
Các hoạt động của lễ hội chuyển tải tới đông đảo công chúng về những giá trị tốt đẹp của Tết Nguyên Đán- lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Tết Nguyên đán là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữ một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cây cỏ. Tết Nguyên đán từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa: Xuân- Hạ - Thu- Đông. Đây cũng là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý và tình nghĩa xóm làng....
Khuôn viên của Trung tâm Triển lãm Văn hoá- Nghệ thuật Việt Nam tưng bừng với màn trống hội, các tiết mục múa sư tử; rực rỡ hơn với sắc thắm của hoa đào và nhiều tiểu cảnh hoa, những cửa hàng hoa rực rỡ, các khu trưng bày, trình diễn nghệ thuật hoa và bán hoa, sinh vật cảnh phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân.
Dáng cần mẫn của một phụ nữ người Dao đang thao tác các công đoạn để nấu rượu Bó Nặm của Bắc Cạn trong một không gian của vùng sơn cước như cho người xem thấy trong mỗi ly rượu đậm hương đất, hương rừng. Tại đây cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm rượu truyền thống khác như: Sán Lùng, Làng Vân... và giới thiệu nhiều thương hiệu sản phẩm của Ngành đồ uống Việt Nam. Khu ẩm thực giới thiệu các món ăn đặc sắc của Hà Nội và các vùng phụ cận do các nhà hàng nổi tiếng thực hiện.
Một nội dung đặc biệt trong lễ hội thu hút sự quan tâm của nhiều người là các câu đối Tết- một sân chơi tao nhã trong dịp Xuân. Câu đối là một loại hình truyền thống trong văn học Việt Nam, một thú chơi xuân vừa mang tính bác học, vừa dân dã. Cuộc thi câu đối Tết đã tạo ra một phong trào sâu rộng, góp phần khơi dậy một nét văn hoá ngày xuân thanh cao tao nhã. Sau hai lần tổ chức, cuộc thi năm nay đã cuốn hút một phong trào sáng tác câu đối Tết ngày càng sâu rộng hơn, với 1.150 câu đối (dự thi về nội dung) của 167 tác giả thuộc 36 tỉnh, thành trong cả nước gửi về dự thi với nội dung câu đối mừng, câu đối thờ phụng, câu đối tức cảnh. Ngoài các tác giả ở Hà Nội, cuộc thi còn thu hút các tác giả ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Long An, Plây-ku.v.v... Các câu đối thể hiện thế nước vững vàng đi lên trong hội nhập, lòng dân hoà với ý Đảng, giữ gìn truyền thống văn hoá, bảo vệ môi trường, cầu mong Phúc-Lộc-Thọ, bình an cho mọi người; hướng tới sự kiện 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Trong phần thi thể hiện câu đối, có gần 50 chục tác phẩm của 27 tác giả, thể hiện đẹp mắt, trang trọng trên các chất liệu phong phú như: gốm, lụa, giấy hoa, vỏ trai biển, mành tre, quạt truyền thống...
Hình ảnh những ông đồ viết chữ trên giấy hồng điều gợi người ta nhớ lại bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên. Rất nhiều người đã tới đây xin chữ để hy vọng những điều tốt lành trong dịp Tết đến, Xuân về. Trong khuôn khổ lễ hội cũng có hoạt động bình thơ, đêm thơ và rượu..., góp phần khơi dậy một nét văn hoá ngày xuân thanh cao tao nhã.
Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra chương trình giao lưu văn hoá, nghệ thuật của học sinh sinh viên dân tộc thiểu số các trường Văn hoá, Thể thao và Du lịch, với sự tham gia của hơn 300 học sinh, sinh viên của 13 trường, trong đó có 4 trường thuộc khu vực miền núi phía Bắc là Phú Thọ, Việt Bắc, Tây Bắc và Lạng Sơn. Các em đã thể hiện các tiết mục văn hoá nghệ thuật, thi kéo co, nhảy sạp..., làm cho không khí của lễ hội tưng bừng, sôi động và trẻ trung.
Lễ hội còn có chương trình nghệ thuật của tỉnh Bắc Giang; chương trình ca múa nhạc tổng hợp; Đêm văn hoá rượu và trao giải câu đối Tết.
Lễ hội "Câu đối, Hoa và Đồ uống Tết" lần thứ 3-2009 còn kéo dài đến ngày 20/1, đến đến một không khí Xuân tươi vui, náo nức và trong lành cho công chúng Thủ đô./.
Trần Mai Hoa