Ngày 1/7, các nước thành viên Liên hợp quốc đã nhất trí ngân sách đối với
hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình năm 2018, theo đó gần 6,7 tỷ
USD sẽ được cấp cho các sứ mệnh hòa bình, giảm khoảng 600 triệu USD so
với ngân sách của năm ngoái.
Theo các nguồn tin ngoại giao, khoản ngân sách trên ít hơn 122 triệu USD so với mức đề xuất trước đó của một ủy ban chuyên gia.
Năm ngoái, Liên hợp quốc đã dành 6,8 tỷ USD cho các hoạt động gìn giữ
hòa bình, song đến tháng 12, đã bổ sung thêm 500 triệu USD cho các sứ
mệnh tại Haiti và khu vực xung đột Darfur của Sudan. Dự diến, khoản ngân
sách cho năm 2018 này sẽ được đưa ra thông qua tại Đại Hội đồng LHQ vào
cuối tuần này.
Hiện có khoảng 100.000 nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ hoạt động cho
14 sứ mệnh trên toàn cầu. Những sứ mệnh quan trọng và đòi hỏi khoản tài
chính nhiều nhất tập trung tại các nước như Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ
Congo và Mali với ngân sách hoạt động lên tới 1 tỷ USD mỗi nước.
Dự chi ngân sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế này sẽ được Đại
Hội đồng Liên hợp quốc thông qua, dự kiến vào tối 1/7 hoặc trong ngày
2/7 (theo giờ Mỹ).
Trong ngân sách hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình năm 2017, Mỹ là
nước đóng góp tài chính nhiều nhất, chiếm 28,5% ngân sách, tiếp theo là
Trung Quốc với 10,3% và Nhật Bản 9,7%. Liên hợp quốc giảm ngân sách cho
hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tuy nhiên, tháng 3 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley đã
kêu gọi các quốc gia thành viên của tổ chức thế giới này cần đóng góp
nhiều hơn cho ngân sách gìn giữ hòa bình quốc tế, đồng thời tuyên bố
trong thời gian tới, Washington sẽ dừng lại ở mức đóng góp 25%, thấp hơn
mức 28,5% như hiện nay.
Đây cũng là mức chuẩn đóng góp được đưa vào các điều luật của Mỹ từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan điểm cứng rắn về
việc đóng góp tài chính cho Liên hợp quốc. Tháng 5/2017, ông Trump đã
kêu gọi cắt giảm chi tiêu và cải cách hoạt động của Liên hợp quốc với
lập luận rằng đóng góp ngân sách Liên hợp quốc của Mỹ là không công bằng
và muốn giảm mức đóng góp này./.
(TTXVN)