Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 10/9/2016 13:38'(GMT+7)

Liên kết, hợp tác phát huy giá trị những miền di sản Việt Bắc

Phó Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và "Lễ hội Thành Tuyên năm 2016". .Ảnh VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc chương trình hợp tác phát triển du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và "Lễ hội Thành Tuyên năm 2016". .Ảnh VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại lễ khai mạc chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và "Lễ hội Thành Tuyên năm 2016", tối 9/9, tại TP. Tuyên Quang.

Khởi xướng từ năm 2009, Chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. 

Chương trình thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng, thiên nhiên của 6 tỉnh thông qua các hình thức như xúc tiến, quảng bá du lịch chung; xây dựng sản phẩm du lịch; xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối các khu vực, điểm du lịch trên địa bàn 6 tỉnh và kết nối với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Qua đó thu hút khách du lịch cũng như các doanh nghiệp, đơn vị đến đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống các tỉnh Việt Bắc.

Ảnh VGP/Đình Nam

Trong giai đoạn 2009-2015, tổng số khách du lịch đến 6 tỉnh Việt Bắc là gần 33 triệu lượt khách, tổng thu xã hội về du lịch của các tỉnh trong khu vực đạt trên 16.300 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng trên 16%/năm.

Những kết quả trên cho thấy để phát triển du lịch, là ngành kinh tế tổng hợp, cần có các giải pháp đồng bộ từ đảm bảo hòa bình ổn định, chính sách xuất nhập cảnh, hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, dịch vụ sản phẩm du lịch tới việc bảo vệ, phát huy di sản, giá trị văn hóa… Trong đó cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, sự liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân và cả sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các vùng miền, địa phương và giữa các quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều này đặc biệt quan trọng để phát huy những tiềm năng, lợi thế của Việt Bắc, miền đất lịch sử, cách mạng, kiên trung. Từ hang Pắc Bó, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào... đến những kỳ quan nức tiếng như Thác Bản Giốc, động Tam Thanh, Hồ Ba Bể, cao nguyên đá Đồng Văn, núi Phượng Hoàng...

Cùng với đó là những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc anh em đã được vinh danh như: Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo, Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô (Hà Giang), Tắc Xình (Thái Nguyên), Lễ hội Lồng Tồng, nghi lễ Then của người Tày (Tuyên Quang) hay chữ viết của người Dao (Bắc Kạn)...

Ảnh VGP/Đình Nam

"Tất cả những di sản quý báu ấy cùng với những người dân yêu cội nguồn, yêu lao động, yêu con người, yêu thiên nhiên là nguồn lực quý báu để phát triển du lịch", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng những kết quả tích cực, những kinh nghiệm từ các chương trình phát triển du lịch cho thấy, chủ động sáng tạo, phát huy lợi thế văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán đặc sắc, cùng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ để phát triển du lịch rất cần được tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh. 

Thu hút được những doanh nghiệp lớn có uy tín, có tiềm lực đầu tư cùng với phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

Từ điều kiện cụ thể của các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng lưu ý đầu tư phát triển du lịch không chỉ có những dự án cần đầu tư vốn hàng nghìn tỉ đồng xây dựng sân bay, bến cảng, đường cao tốc mà cả những việc không tốn nhiều tiền như cải cách thủ tục hành chính; vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, thay đổi những thói quen sinh hoạt trong từng lời nói, cử chỉ, nụ cười... 

"Nói đến du lịch là nói tới sản phẩm du lịch, là nói tới doanh nghiệp, tới đội ngũ chuyên làm du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch là yêu cầu đương nhiên. Nhưng sản phẩm du lịch, rất nhiều trường hợp chính là phong cảnh, sinh hoạt, sản phẩm vốn rất bình dị của từng địa phương, nếu được tổ chức tốt. Những người dân cần cù, chân thành, mến khách sẽ trở thành người làm dịch vụ du lịch nếu nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết", Phó Thủ tướng nói.

Vì vậy, để du lịch Việt Bắc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, có sức cạnh tranh, cần xây dựng chương trình hành động chung của các địa phương tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch cộng đồng. Cần tuyên truyền, vận động và tổ chức để mọi người dân tham gia phát triển du lịch, tham gia bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc, riêng có của dân tộc, quê hương mình...

Diễn ra từ ngày 8-11/9 tại Tuyên Quang, chương trình hợp tác phát triển du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc như: Liên hoan Văn nghệ dân gian các dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc; Trưng bày, giới thiệu "Ẩm thực các dân tộc vùng núi phía Bắc"; Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 16; Chung kết cuộc thi "Người đẹp xứ Tuyên"; Thi đấu các môn thể thao, tọa đàm về kết quả triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc thời gian qua và định hướng, giải pháp thúc đẩy chương trình giai đoạn 2016-2021. 

Hoạt động nổi bật và thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách trong chương trình năm nay là lễ khai mạc với chủ đề "Lung linh sắc màu Việt Bắc" với 13 màn hát múa ca ngợi vẻ đẹp quê hương, con người Việt Bắc. Các tiết mục được dàn dựng quy mô với gần 1.000 diễn viên đến từ Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên; Đoàn Nghệ thuật Quân khu II và diễn viên quần chúng.



Đình Nam (baochinhphu.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất