Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 30/12/2010 10:15'(GMT+7)

Liệu Việt Nam có chống được tham nhũng?

Tham nhũng vặt thì dễ chống…

Theo ông, liệu Việt Nam có  chống được tham nhũng không?


Tôi nghĩ nhất định chống được.

Có vẻ như ông hơi lạc quan. Tôi nghi ngờ những các biện pháp đang áp dụng để chống tham nhũng hiện nay?


Khách quan mà đánh giá  thì tôi thấy việc phòng chống tham nhũng của ta cho đến nay vẫn có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp...Tôi, dưới góc nhìn của một người dân, vẫn thấy vô vàn những "lý do chính đáng" khiến người ta phải tham nhũng. Việc quản lí của chúng ta còn yếu kém, chưa công khai minh bạch. Việc trả lương cho các "công bộc" của dân chưa đủ để "sống khoẻ" để có thể cống hiến. Thu nhập bình quân thì thấp nhưng giá đất lại đắt nhất nhì thế giới...

Anh nói đúng, với cơ chế thế này, đồng lương ít ỏi thì rất dễ dẫn đến tham nhũng. Nhưng theo tôi những người giàu, người sống đầy đủ mới tham nhiều chứ những người nghèo thì chỉ tham nhũng vặt. Nhưng tham nhũng vặt thì dễ khắc phục. Chỉ sợ người quyền cao chức trọng mà tham nhũng thì mới khó chống. 

Phải công khai minh bạch tất cả

Vậy theo ông phải làm thế  nào để chống được tham nhũng?

Thứ nhất là phải công khai minh bạch tất cả những thu nhập. Nếu anh công bộc mà thu nhập thấp quá thì sẽ tính cách để tham nhũng của Nhà nước.

Thứ hai là phải thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí để lấy cái tiền tiết kiệm đó nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng thu nhập cho công chức bằng cách nâng lương và các phúc lợi xã hội.

Thứ ba, phải tuyển chọn những người có chức có quyền không lạm dụng quyền chức.

Thực ra nói thì dễ chứ  chọn được người vào những vị trí có  chức có quyền mà không lạm dụng chức quyền  để tham nhũng thì đâu có dễ.

Muốn chọn được thì  phải mở rộng dân chủ, công khai minh bạch tất cả. Ví dụ, trước khi tôi vào làm chủ tịch phường, tôi phải khai báo tất cả những gì tôi có và có một cam kết là không tham nhũng. Nhưng Nhà nước cũng phải đảm bảo được cuộc sống cho tôi để tôi yên tâm mà làm việc, mà cống hiến. Nếu tôi vi phạm cam kết thì sẽ bị cách chức.

Theo ông Nhà nước phải "đảm bảo" như thế nào?

Bằng cách nào ư? Bằng cách phải cấp nhà công vụ, phải đảm bảo đồng lương không chỉ cho họ đủ sống mà cho cả  gia đình họ. Có thế họ mới an tâm làm việc cho phường. Rồi cái cơ chế "đảm bảo" ấy áp dụng cả với huyện, tỉnh, trung ương và công khai minh bạch mọi thứ. Nếu mình làm được như thế thì sẽ chống được tham nhũng. Thế giới đã làm được rồi. Mình thì cũng đã hô hào là công khai minh bạch, khai báo tài sản trước khi làm quan nhưng thực tế là khai báo ở nhiều nơi còn hình thức!

Vì sao lại có việc khai báo "ở nhiều nơi còn hình thức"?


Bởi vì chúng ta tổ chức thực hiện chưa nghiêm. 

Những người hèn

Theo quan điểm của cá nhân tôi thì muốn chống tham nhũng phải có khoa học quản lý tốt. Hiện nay, chúng ta chưa chống được tham nhũng vì không ít người đang làm quản lý không muốn công khai minh bạch do họ được lợi từ việc không công khai minh bạch ấy!


Cái này là ở khâu tổ  chức. Chúng ta cần hướng đến việc mỗi đợt họp Quốc hội phải bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ. Không thể để những kẻ không thích minh bạch, thiếu trách nhiệm với dân, đạo đức kém cỏi tồn tại trong bộ máy.

Theo ông, xã hội hiện nay có là môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển?


Bất kỳ một xã hội có cơ chế thị trường nào cũng là  mảnh đất cho sự tham lam. Đấy là mặt trái của cơ chế thị trường nên chúng ta phải siết kỷ cương bằng cơ chế và giáo dục con người. Đầu tiên là phải giáo dục những người có chức có quyền, họ phải được kiểm tra giám sát chặt chẽ để kịp thời phòng ngừa và ngăn chặn hậu quả.

Lý thuyết là thế  nhưng thực hiện thì rất khó?

Tham nhũng có rất nhiều biểu hiện. Có kẻ tham nhũng trực tiếp nhưng cũng có  người thấy tham nhũng mà lại làm ngơ hoặc bao che. Họ làm vậy bởi họ sợ bị trả thù. Hoặc họ muốn yên thân để giữ cái ghế của mình. Theo tôi, đó là những người hèn.

Người giỏi mà tâm xấu thì rất nguy hiểm


Ông có cho rằng người giỏi mà càng làm cao nếu họ tham nhũng thì mức độ nhũng sẽ càng cao không? Tôi nói vậy bởi họ giỏi thì họ biết cách để lách luật. Họ ngồi ở vị trí cao thì họ dễ tiếp cận với những mối lợi lớn?

Người giỏi mà tâm xấu thì  rất nguy hiểm. Họ nghĩ ra nhiều mưu kế để hại xã hội.

Nếu bây giờ ông buộc phải lựa chọn một người làm ra 100đ nhưng tham nhũng 50đ và một người không làm ra đồng nào mà vẫn tham nhũng thì ông sẽ chọn người nào?

Tình huống anh nói là có  trong thực tế. Tôi không chấp nhận bất cứ một loại tham nhũng nào cả. Chúng ta cần phải tiến tới một xã  hội minh bạch chứ không thể tụt lùi bằng những quy ước xấu. 

Thói quen tham nhũng.

Có sự thật thế  này, nhiều người đến cơ quan chơi điện tử, gọi điện thoại, tắm giặt vì sợ tốn của gia đình... hình như điều ấy đã trở  thành thói quen xấu trong xã hội mình?


Anh nói rất đúng, đó là  điều đáng lo ngại. Nhiều phụ huynh coi cái tham lam ấy như là cái Khôn. Họ thực hiện ngay trước mặt con cái nên thói quen ấy lại ngấm vào thế hệ trẻ. Cái nguy hiểm hơn tham nhũng chính là Thói quen tham nhũng.

Vậy để chống tham nhũng là phải "thay máu" cả thế hệ?

Không phải "thay máu" mà phải thay những người có chức, có quyền mồm xoen xoét nói chống tham nhũng nhưng vẫn tham nhũng. Người dân Việt Nam ta rất trọng lẽ phải. Chỉ cần những người có chức có quyền sống tử tế, gương mẫu thì những thói tham nhũng sẽ bị đẩy lùi...

Tôi cũng có suy nghĩ như vậy! Rất mong là đội ngũ làm quản lý của chúng ta chỉ toàn là những người tử tế để nạn tham nhũng không còn! Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này.

Theo Bee.net


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất