Thứ Năm, 5/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 23/5/2018 14:1'(GMT+7)

Loại bỏ những “cái bắt tay dưới gầm bàn”



Điểm 1, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ban hành từ năm 2008 đã quy định: Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

Theo thống kê của Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đến ngày 30-9-2017, tổng nguyên giá của bốn loại tài sản lớn (nhà, đất, xe ô tô, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên) tại đơn vị sự nghiệp công lập (chưa gồm các đơn vị lực lượng vũ trang) là 326.112 tài sản, chiếm 64,19% tổng số lượng tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp, với tổng nguyên giá là 792.968,26 tỷ đồng (chiếm 72,6% tổng giá trị tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp). Đặc biệt trong đó, quyền sử dụng đất là 524.410,22 tỷ đồng, nhà là 193.871,71 tỷ đồng… Và đây là những mảnh đất màu mỡ mà tham nhũng, lợi ích nhóm luôn "nhòm ngó", tìm cách biến thành của riêng...

Về lý thuyết, tài sản công là nguồn lực quan trọng của đất nước. Khai thác có hiệu quả nguồn lực này là trách nhiệm của Nhà nước, thay mặt nhân dân sở hữu tài sản. Người được Nhà nước “ủy quyền” quản lý, sử dụng khối tài sản đó chính là người đứng đầu các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức công lập… Tuy nhiên thực tế hiện nay, do nhiều “nút thắt”, nguồn lực này đang bị lãng phí, thậm chí sử dụng sai mục đích, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Không phải đến khi vụ việc tại Đà Nẵng liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) vỡ lở, dư luận mới biết đến việc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức công lập được Nhà nước giao sử dụng những vị trí “đất vàng”. Các cơ sở này thường ở vị trí có giá trị thương mại cao nhưng việc sử dụng còn phân tán, lãng phí, hiệu suất thấp. Và đây chính là cơ hội, kẽ hở để các phần tử cơ hội trong bộ máy công quyền và bên ngoài cấu kết “làm thịt” tài sản công, đặc biệt là đất đai. Xử lý những cá nhân cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công là việc đương nhiên phải làm. Tuy nhiên, việc sớm bịt những lỗ hổng để “những ai muốn vi phạm cũng không thể vi phạm” cũng quan trọng không kém.

Thực tế cho thấy, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai còn chưa thực sự hiệu quả, nhất là ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Chi phí tiền thuê đất hằng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay mới vào khoảng trên dưới 5% nên tình trạng giữ đất, để đất lãng phí ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế còn phổ biến. Phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn mang nặng tính hành chính, chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường. Mặc dù đã có sự đa dạng song cơ cấu các nguồn tài chính khai thác được từ đất còn chênh lệch lớn nếu so sánh quy mô các hình thức. Các hình thức tăng thu phù hợp với nguyên tắc thị trường như đấu giá, định giá chưa đạt hiệu quả rõ nét. Nguồn thu từ cho thuê đất tại các khu công nghiệp chưa hiệu quả. Nguồn chênh lệch giữa giá trị đất sau khi thực hiện kết cấu hạ tầng tại các khu công nghiệp, giá cho thuê của các chủ đầu tư nước ngoài rất cao so với giá giao đất của Việt Nam song phía Việt Nam không thể điều tiết được khoản chênh lệch này làm thất thoát giá trị lớn nguồn lực tài chính từ đất đai.

Một điều đáng lưu ý là hầu hết số tiền thu được từ các hoạt động đem tài sản nhà nước đi liên doanh, cho thuê, kinh doanh đều không thu nộp đầy đủ về ngân sách, đi kèm với nó là không ít những biểu hiệu tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết do phân chia lợi nhuận thu được… Trong khi đó, Điều 113 Luật Đất đai 2013 có quy định khung giá đất trong chu kỳ 5 năm nếu biến động vượt quá 20% thì Chính phủ có văn bản hướng dẫn. Quy định này hiện không còn phù hợp với định hướng phân cấp và giao thẩm quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt chiếu theo quy định hiện nay thì nguồn thu từ đất thuộc về ngân sách địa phương, tạo ra sự bất cập trong điều hành chính sách.

Ngoài ra, khi Nhà nước đang đẩy mạnh cổ phần hóa thì tình trạng định giá tài sản cố định, đặc biệt là đất đai ở mức thấp diễn ra không ít. Sau đó, chỉ bằng một số thủ thuật, những “cái bắt tay dưới gầm bàn”, quỹ đất vàng “bỗng dưng” trở thành tài sản của một nhóm người (câu chuyện Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng là điển hình), trong khi khoản thu về ngân sách rất èo uột. Rồi còn có tình trạng “đôn giá, gửi giá”, ăn hoa hồng không cần hay biết Nhà nước thua thiệt thế nào. Đó cũng chính là gốc rễ của những dự án lớn đội vốn gây bao điều tiếng thời gian qua.

Để việc quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xác lập được chủ quản lý hoặc chủ sử dụng đối với từng tài sản, nghĩa là phải có người chịu trách nhiệm chính đối với mỗi tài sản; có nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đủ sức tham mưu cho lãnh đạo, cơ quan quản lý; phát triển hệ thống quản lý dựa trên công nghệ thông tin hiện đại kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; xử lý nghiêm khắc những trường hợp tham nhũng, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.

Vừa qua, Đảng, Nhà nước thể hiện rõ quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Những vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ cao cấp đương chức, đã nghỉ hưu trong quản lý kinh tế, quản lý tài sản công đã và đang được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. “Đừng sợ làm sẽ mất uy tín; sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, được tổ chức ngày 27-4. 

Vì vậy, những “cái bắt tay dưới gầm bàn” dù trong vấn đề gì cũng phải sớm được loại bỏ, để củng cố niềm tin trong nhân dân, góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
 

Đan Nhiễm/HNM

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất