Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 14/1/2015 9:21'(GMT+7)

Trả lại sự trong sáng vốn có cho tiếng Việt

“Sốc” với lỗi chính tả

Đang mải miết “luyện” đến tập 8 của bộ phim Mỹ khá nổi tiếng “Hồ sơ tuyệt mật” (X File) trên một trang phim khá nổi tiếng “TVZing”, chị Thanh Hằng (Kim Mã Thượng, Hà Nội) bỗng giật nảy mình khi trên màn hình máy tính xuất hiện những đoạn phụ đề cực kỳ “ấn tượng”: “Chuyện này ‘sảy” ra”, “ đã kết “lối” được với tàu con thoi”.

“Tôi không còn tin vào mắt mình nữa”, mà có phải 1-2 lần đầu, cả tập 7 đến tập 10 của bộ phim đều nhan nhản lỗi chính tả như vậy, xem đến đau cả tim, nhiều lúc còn không tin vào mắt mình nổi, vì tại sao có thể sai chính tả trầm trọng tới vậy trên một trang phim online khá nổi tiếng và lâu nay được đánh giá là đáng tin cậy về phụ đề. Tự nhiên xem phim không còn thấy hay nữa”, chị Thanh Hằng chia sẻ.

Có lẽ, không chỉ mình chị Thanh Hằng gặp tình cảnh “nhai sạn” như vậy khi xem các bộ phim phụ đề. Điều đáng nói, không chỉ phim phụ đề trên mạng sai lỗi chính tả, mà nhiều lần, những khán giả của truyền hình Việt Nam cũng “sốc” và choáng khi trên các kênh HBO, Starmovies, Cinemax cũng xuất hiện phụ đề sai lỗi chính tả “L-n”, “x-s”. Với một kênh truyền hình quốc gia, có lẽ đây là điều không thể chấp nhận được. “Hỏi sao giờ trẻ con sai chính tả nhiều thế, nào là “trọc giận”, nào là “dàn su su”, nào là “trú trọng”.  Cứ tiếp xúc với sách báo cũng sai chính tả, truyền hình cũng sai chính tả, rồi bảng hiệu, thậm chí cả khẩu hiệu tuyên truyền ngoài đường cũng sai chính tả thì đương nhiên sẽ có những thế hệ “ngọng” tiếng Việt mà thôi”, một nhà văn có tuổi chia sẻ.

Theo nhà văn này, trước đây gặp một lỗi chính tả trong sách báo hiếm lắm, phải nói là “hiện tượng”, nhưng giờ một cuốn sách không sai chính tả, một bộ phim phụ đề xem trơn tru từ đầu tới cuối không “ngọng” thì mới là hiếm. Gần như tới mức, người ta chấp nhận những lỗi sai này “như một phần tất yếu của cuộc sống”.

Một khảo sát mới đây của phóng viên về bảng hiệu cũng cho thấy những sự sai to chềnh ềnh, rất nắn nót và còn “công khai, minh bạch” giữa công chúng; chứ không phải là chuyện “âm thầm” như sách báo hay phim ảnh. Một quán “Chứng vịt nộn” khiến người qua đường đến cười ra nước mắt. Cảnh biển hiệu “Phở chộn, miến chộn” xuất hiện không thiếu ở các quán ăn. Phổ biến vô cùng là “Sữa đậu nành” được viết rất nắn nót và đương nhiên là “Sữa đậu lành”, tới mức trẻ con nhiều đứa giờ đinh ninh phải là “Sữa đậu lành” mới đúng. Rồi có hẳn một quán cà phê của “Chú Nùn”, mà ông chủ rất tâm đắc lấy biệt danh của mình để đặt cho quán, nhưng chẳng biết vì ông ngọng hay vì cậu làm biển hiệu ngọng mà cái tên quán thành thế, rồi cứ thế tồn tại bao năm nay, dân đi qua, người biết thì lắc đầu, nhưng nhiều người cũng đã quen ngọng thì lại cho đó là bình thường và tưởng phải thế mới đúng. “Sự nguy hại là ở đó, việc sai chính tả đã thành “thói thường” và khiến đã sai càng sai thêm, khiến người ta không còn phân biệt được đâu mới là viết đúng. Cứ thế này, sự trong sáng của tiếng Việt không biết bằng cách nào mà giữ gìn được”, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên dạy văn của một trường  trung học tại Hà Nội chia sẻ.

Sai “l-n”, “s-x”, “tr-ch” đã là một lẽ, với nhiều người, thậm chí cả những người đã “kinh qua” đại học, từng làm về truyền thông xã hội, còn có cách sai do viết sai từ trong tiếng Việt. Một cô người đẹp và cũng đã từng đạt giải cao trong một cuộc thi Hoa hậu Quốc gia, giờ về bán hàng online, đã không dưới chục lần dùng từ “Còn ngừng này hàng phải giao”, “Còn ngừng này pate”… mà đinh ninh là mình viết đúng, không hề biết rằng cái từng “ngừng” ấy thật ra là “từng”. “Còn từng này…” mới là tiếng Việt chuẩn xác. Cũng tương tự, một nhà báo khác, chưa bao giờ viết đúng được từ “ghi nhận”, mà lần nào cũng là “nghi nhận”. Những từ vô nghĩa như vậy, cũng chính là sự “đáng lo ngại” cho những người muốn tiếng Việt của chúng ta phải là tiếng Việt chuẩn, tiếng Việt phong phú, đa dạng như chuẩn xác mà dân nước ngoài học tiếng đã phải thốt lên “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Ý thức từ mỗi cá nhân

Một chuyên gia ngôn ngữ đã từng khẳng định: Ngôn ngữ không đơn thuần là những mã, cốt chỉ để truyền thông, mà còn là văn hoá, là niềm tự hào của cả một dân tộc. Viết đúng chính tả không chỉ là biểu hiện của một trình độ văn hoá nhất định, mà còn là biểu hiện của ý thức tôn trọng cộng đồng, của lòng yêu quý đối với tiếng nói dân tộc. Chính vì vậy, việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy sự trong sáng và hay đẹp của tiếng Việt đã là nhiệm vụ mà bao thế hệ đi trước thực hiện một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

“Không thể vì sự dễ dãi, xuê xoa mà cho qua những lỗi chính tả, cũng không thể chấp nhận việc “bôi đen” tiếng Việt bằng những từ viết sai rồi coi đó là đương nhiên chấp nhận. Có những điều không thể mất và không nên đánh mất”, một giáo viên cấp 3 đã chua chát chia sẻ.

Trên thực tế, cũng không quá khó cho việc viết đúng. Với nhiều người, giải pháp là một cuốn từ điển tiếng Việt gối đầu giường. Cùng với đó, như kinh nghiệm của một chuyên gia ngôn ngữ, thì hãy có những các mẹo luật nào liên quan đến những lỗi chính tả mình thường hay mắc phải (đã được các nhà nghiên cứu nêu trong sách ) rồi vận dụng nó trong những trường hợp cụ thể khi viết, nói. “Để việc ghi nhớ chính tả được bền, và hỗ trợ cho việc dùng từ chính xác, bạn nên tập phân biệt chính tả dựa vào sự phân biệt nghĩa của những cặp từ đồng âm, gần âm, ví dụ: ngủ – dấu hỏi là từ chỉ trạng thái ý thức tạm ngừng, trái nghĩa với “thức”, còn ngũ - dấu ngã là từ có các nghĩa “số năm”, hay trong các kết hợp “hàng ngũ”, “đội ngũ”… ; da – viết D - với các nghĩa có liên quan tới “ da thịt”, trong “da diết”, “ma da”, “cây da”, còn gia – viết G - trong các trường hợp còn lại, với các nghĩa là “nhà” (ví dụ gia súc), chỉ “người có học vấn, chuyên môn” (ví dụ chuyên gia), là “thêm”( ví dụ gia vị)...”, một chuyên gia ngôn ngữ chia sẻ.

Và cuối cùng, quan trọng nhất vẫn nên là luôn có ý thức viết đúng, luôn nhớ viết đúng chính tả cũng là một cách thể hiện văn hóa của mình. Muốn vậy, còn một bí quyết nữa là hãy đọc nhiều. Khi đã đọc, và đọc sách viết đúng, thì người đọc sẽ ngấm và chắc chắn rất ít khi sai chính tả. Nói như một nhà văn: Lý do chính yếu nhất có thể là do thế hệ sau này ít đọc hơn thế hệ trước. Việc viết sai chính tả chính là một dấu hiệu không thể chối cãi cho việc ít đọc, ít viết. Ai đã từng là người đọc sách nhiều hẳn những con chữ sẽ “nhập tâm” vào người, chỉ cần có một chữ đọc hay viết ra mà sai chính tả thì hẳn đã thấy ngờ ngợ hay có cảm giác bị “sượng”, một cảm giác cực kỳ khó chịu như khi đang ăn cơm mà bị vướng phải một hạt sạn lộm cộm”.

Theo báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất