Thứ Sáu, 20/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 7/12/2015 20:52'(GMT+7)

Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức tập huấn “Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho 60 học viên là giảng viên đến từ các Trường đại học, cao đẳng sư phạm, giáo viên phổ thông và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh phía Bắc.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về bình đẳng giới, đã có một bộ máy quản lý quốc gia về bình đẳng giới. Về cơ bản Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới trong việc thực hiện mục tiêu về tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn phân biệt giới trong tuyển dụng, việc làm và đề bạt. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa đạt được mục tiêu mong đợi. Trong xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, “khát con trai”…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Thực hiện bình đẳng giới là vấn đề rất quan trọng và Việt Nam đang thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, ở góc độ chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, vấn đề bình đẳng giới chưa đạt hiệu quả cao. Thông qua lớp tập huấn, cần phân tích kỹ vấn đề bình đẳng giới; đặc biệt rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới. Đồng thời cần đánh giá cả trong quá trình tổ chức thực hiện khi dạy học trên lớp, triển khai trong toàn ngành để phát huy hết tiềm năng mạnh nhất của cả hai giới và tiềm năng mạnh nhất của mỗi cá nhân. Từ đó, nghiên cứu đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham gia đã cùng rà soát sách giáo khoa có nội dung định kiến giới, thảo luận các nội dung cần điều chỉnh dưới góc độ nhạy cảm giới, bình đẳng giới. Từ đó đưa ra các khuyến nghị về nội dung cần điều chỉnh trong chương trình, sách giáo khoa mới. Các sách giáo khoa được tiến hành rà soát ngay tại buổi tập huấn là: tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội (lớp 1); Ngữ Văn, Giáo dục công dân (lớp 6); Ngữ văn và Giáo dục công dân (lớp 10).

Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh – Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), sách giáo khoa Việt Nam hiện nay còn định kiến giới như sự xuất hiện của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp so với nam giới trong các văn bản, hình ảnh, minh họa của sách giáo khoa. Đây được gọi là hiện tượng “phụ nữ vô hình” và người biên soạn sách giáo khoa có “định kiến vô hình” về giới khi biên soạn sách. Rà soát sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 và 3 chỉ có 9/61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến trong sách giáo khoa là phụ nữ. Tỷ lệ tác giả nam áp đảo nữ trong các lĩnh vực học tập khác nhau có thể khiến người học tin rằng giới tính liên quan tới khả năng làm tốt một lĩnh vực nào đó.

Ngoài ra, nếu các tác giả sách giáo khoa đa số là nam giới thì kinh nghiệm, kiến thức và tiếng nói của phụ nữ có thể sẽ không được thể hiện trong nội dung của sách giáo khoa. Việc bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa còn thể hiện ở giới tính nhân vật trong sách giáo khoa. Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến 12 có 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản, nam giới chiếm tới 69%, nữ giới chỉ có 24%. Những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam. Nghề nghiệp các nhân vật trong sách giáo khoa cũng không có sự cân bằng khi nam giới có nghề nghiệp cụ thể, đa dạng và đều là những công việc xuất hiện ở không gian công cộng, xã hội như bác sỹ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sỹ, bộ đội, công an… trong khi nữ giới đa phần là những công việc đơn giản, xuất hiện trong không gian gia đình như nhân viên, nội trợ…/.

Ngọc Anh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất