Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/11/2015 21:21'(GMT+7)

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân: Trước 20 tuổi phải thành thạo ngoại ngữ

(Ảnh minh họa. Quý Trung/TTXVN)

(Ảnh minh họa. Quý Trung/TTXVN)


Trong số 45 học sinh tại buổi gặp mặt, có 28 em tham gia dự thi Olympic và 15 em học sinh xuất sắc trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

Tại buổi gặp mặt, các học sinh tham dự kỳ thi Olympic chia sẻ về giây phút đầy tự hào và xúc động được gương cao Quốc kỳ Việt Nam trên đài vinh quang của các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, bày tỏ ý thức trách nhiệm lớn hơn của cá nhân với Tổ quốc. Hầu hết các em đã tham dự kỳ thi Olympic quốc tế đều thừa nhận, điểm yếu hiện nay của các em là tiếng Anh chưa tốt. Các em mong muốn được đi du học, được tìm một môi trường tốt nhất cho việc học tập của mình để sau này quay trở về xây dựng quê hương. 

Chia sẻ với các em, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách đối với học sinh đã đoạt giải Olympic quốc tế sẽ được cấp học bổng nhà nước đi du học nước ngoài. 90% học sinh Việt Nam đi học nước ngoài bằng học bổng Chính phủ quay trở về làm việc ở Việt Nam, bởi bất cứ ai, dù đi đâu, làm gì, cuối cùng cũng sẽ quay trở lại để xây dựng quê hương. 

Tiếc nuối vì nhiều học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế nhưng khả năng tiếng Anh còn hạn chế, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đã là học sinh giỏi Toán-Lý-Hóa, việc học giỏi tiếng Anh không hề khó khăn. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các trường chuyên tăng cường bồi dưỡng tiếng Anh cho học sinh. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tiếng Anh là công cụ bắt buộc. Các bạn trẻ không được để tụt hậu về ngoại ngữ với quyết tâm trước 20 tuổi phải thành thạo ngoại ngữ. 

Vui mừng trước thành tích học tập của các em, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ Việt Nam có thế mạnh là con người cần cù, sáng tạo, học giỏi. Những thành tích của các em góp phần tạo nên hình ảnh của con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo sư mong muốn các em tiếp tục phát huy thành tích, học tập tốt, chọn ngành chọn nghề đúng. Các em cần phấn đấu, nỗ lực để trở thành người giỏi, bởi đất nước cần nhân lực giỏi ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, từ công nghệ thông tin, y dược… 

Bên cạnh đó, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo để phát huy tốt nhất thành tích của các em, trong đó có việc tập hợp các em học sinh, sinh viên giỏi để hình thành các nhóm nghiêm cứu, chuyên gia mạnh trong tương lai. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đang đôn đốc, rà soát để tham mưu chính sách khuyến khích phát triển tài năng. 

Giải thưởng các em đạt được mang lại niềm tự hào cho đất nước nhưng đất nước chờ đợi các em trong năm năm, 10 năm nữa sẽ thành tài thực sự, đóng góp, xây dựng Tổ quốc. Muốn thế, các em phải luôn giữ cho mình ý thức học tập suốt đời, sáng tạo không ngừng, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhắn nhủ. 

Với tinh thần đó, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã trao chiếc mũ rơm - biểu tượng cho sự vượt khó khăn, bom đạn để đến trường của thế hệ cha ông trong thời kỳ kháng chiến, tặng em Nguyễn Thế Hoàn - cậu học trò nghèo đến từ quê lúa Thái Bình đoạt huy chương vàng học sinh giỏi Toán quốc tế năm 2014, đại diện cho 45 học sinh tại buổi gặp mặt. 

Kỷ vật này cũng chính là lời nhắn nhủ và truyền tiếp sức mạnh của tri thức, trí tuệ của thời kỳ Việt Nam tìm ra cách nhận diện để bắn rơi máy bay B52, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu tới các thế hệ học sinh tài năng hôm nay. Thông qua kỷ vật này giáo sư Nguyễn Thiện Nhân muốn nhấn mạnh với các thế hệ học sinh tài năng hôm nay rằng Việt Nam muốn chiến thắng trong công cuộc hội nhập quốc tế phải bằng sức mạnh của sự sáng tạo và tri thức./. 
Theo: PHÚC HẰNG (TTXVN/VIETNAM+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất